Thứ Sáu, 17/05/2024 18:13 CH
Chói ngời ký ức Điện Biên Phủ
Thứ Bảy, 10/05/2014 09:09 SA

Chuyến bay từ Hà Nội lên Điện Biên cất cánh lúc 10 giờ. Trong bộ quân phục nổi bật, một ông cụ tóc bạc, rất đẹp lão chậm rãi đi về phía quầy làm thủ tục. Nhiều ánh mắt hướng về phía ông. Họ mỉm cười, chào người lính Điện Biên đang trở lại chiến trường xưa, trong những ngày cả nước hướng về vùng đất đã ghi danh bằng chiến thắng lừng lẫy.

 

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ Nguyễn Kim Đức - Ảnh: P.TRÀ

 

Cụ ông đó là đại tá Nguyễn Kim Đức, ở Ba Đình (Hà Nội). Trước khi nghỉ hưu, ông công tác tại Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu.

 

Tham gia kháng chiến từ năm 1948, khi mới 17 tuổi, sau đó ông Đức được cử đi đào tạo bài bản tại trường sĩ quan. Tháng 12/1953, với cương vị Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 106 (Trung đoàn 151, Đại đoàn 351), ông lên Tây Bắc. Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ làm đường cơ động để kéo pháo, làm trận địa pháo và bảo vệ các trận địa này, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

 

“Tiểu đoàn mở rộng con đường từ Sơn La lên Điện Biên Phủ. Lúc trước, chiều ngang con đường này chỉ đủ cho xe con đi qua. Chuẩn bị cho chiến dịch, bộ đội bạt núi, mở rộng đường cho xe kéo pháo” - đại tá Nguyễn Kim Đức kể.

 

Biết bao khó khăn, gian khổ mà những người lính Điện Biên và dân công hỏa tuyến ngày ấy đã vượt qua để bạt núi, làm đường. Đại tá Nguyễn Kim Đức hồi tưởng: “Không có máy khoan, bộ đội lấy sức người mà quai búa, đục núi rồi đặt thuốc nổ. Có một người lính ở Trung đoàn 151 đập liên tục 2.000 nhát búa mới ngừng tay, được tuyên dương trên báo”.

 

Khoảng 9 giờ sáng, sương tan, địch oanh tạc dữ dội dọc đèo Pha Đin và ném cả bom nổ chậm. “Chúng tôi đứng trên đài quan sát khi địch ném bom, xác định những quả bom nào không nổ thì cắm cờ đỏ để đánh dấu. Đêm đến, máy bay không còn oanh tạc, bộ đội sẽ xử lý quả bom đó” - ông Đức cho biết.

 

Lần nọ, khi ông Đức đến một tiểu đội kiểm tra công việc thì quả bom bất ngờ phát nổ. Cả tiểu đội bị vùi, riêng ông Đức bị đất lấp đến cổ. Dùng tay tì lên đất xốp, ông gắng sức đạp chân trồi lên. Thoát lên mặt đất, ông khẩn trương cứu giúp đồng đội đang bị đất vùi. Người này được ông kéo lên, sau đó tiếp tục kéo người kia. Cứ thế, cả tiểu đội được cứu.

 

“Sau sự việc này, tôi được Đại đoàn trưởng Đại đoàn 351 trao giấy khen. Rồi tại chiến hào cách Mường Thanh hơn 20km, tôi được chi bộ kết nạp vào Đảng. Năm nay 60 tuổi Đảng, tôi dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vinh dự vô cùng” - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 106 ngày ấy thổ lộ.

 

Được góp sức mình vào chiến dịch Điện Biên Phủ là niềm tự hào của những người lính Cụ Hồ. Trên những cung đường máu lửa vắt qua núi rừng Tây Bắc, ông Nguyễn Kim Đức đã chứng kiến kỳ tích kéo pháo của quân và dân ta. Mắt lấp lánh tự hào, người lính Điện Biên ngày ấy nhớ lại: “Ở những đoạn đường tương đối rộng, xe kéo pháo qua được. Gặp những khúc cua hẹp, bộ đội phải “cắt” pháo, cho xe đi trước, sau đó dùng sức người kéo pháo qua. Việc đưa pháo lên các trận địa trên núi cao cũng hoàn toàn bằng sức người”.

 

Không chỉ bạt núi, làm đường, Tiểu đoàn 106 còn được giao nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 316 đào đường hầm trên đồi A1. Trong hồi ức của người lính đã đi qua 83 mùa xuân, rõ mồn một là những trận đánh vô cùng ác liệt trên ngọn đồi lịch sử. “Quân ta chiếm được nửa ngọn đồi song thương vong rất lớn. Cấp trên ra lệnh: Đào đường hầm, đưa một tấn bộc phá vào. Đại đội trưởng Nguyễn Phúc Xuyên Cung, quê ở Gia Lâm - Hà Nội chỉ huy việc đào hầm. Khi bộc phá nổ, lô cốt của quân Pháp trên đồi bị hất tung” - ông Đức kể lại.

 

Lưu giữ những ký ức chói lọi về trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tham mưu trưởng Tiểu đoàn 106 ngày ấy vẫn thường trở lại chiến trường xưa, thăm các di tích lịch sử: đồi A1, C1, C2, D1, D2, vào Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng… Rồi ông lên đồi Độc Lập, thăm hàng nghìn đồng đội, đồng chí mãi mãi nằm lại nơi này, trong những ngôi mộ khuyết danh. Họ đã góp phần viết lên những dòng rực lửa trong bản hùng ca chiến thắng vang vọng khắp địa cầu.

 

Trong ký ức của người lính Điện Biên Nguyễn Kim Đức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng vô cùng bình dị. Ông nhớ lại: “Tướng Giáp rất giản dị, thân tình, khi nói chuyện vẫn xưng “cậu- mình”.

 

Được hỏi “Ông sẽ nói gì nếu gặp một cựu binh Pháp từng tham chiến ở Điện Biên Phủ?”, đại tá Nguyễn Kim Đức mỉm cười: “Tôi sẽ nói với họ rằng cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến chính nghĩa nên được sự ủng hộ của toàn dân và bạn bè quốc tế. Mình hãy khép lại quá khứ, hướng về tương lai. Mình coi họ như bao du khách khác và trao đổi để họ hiểu về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam”. 

 

Sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Kim Đức tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ và có 7 năm ở Campuchia, tại Sở chỉ huy của quân tình nguyện Việt Nam. Niềm tự hào lớn nhất của người lính này là được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, trong quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời.

 

Người lính Điện Biên Nguyễn Kim Đức làm tôi liên tưởng đến hình ảnh người lính trong những vần thơ tài hoa của nhà thơ Quang Dũng. “…Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”. Đó là những người lính trí thức, ra đi từ phố phường Hà Nội. Những người lính dũng cảm trong chiến đấu và rung cảm trước cái đẹp. Những người lính yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

 

Đại tá Nguyễn Kim Đức nói lần này trở lại Điện Biên, ông đến thăm Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, thăm Bảo tàng Điện Biên Phủ và đến hầm tướng Đờ Cát, xem các di tích đó được tôn tạo như thế nào. Trở lại đất thiêng Điện Biên Phủ, ông đắm mình trong niềm tự hào của cả dân tộc và tưởng nhớ vị Đại tướng kính yêu.

 

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đội quân vác đá xây Trường Sa (tiếp theo)
Thứ Bảy, 26/04/2014 14:00 CH
Đội quân vác đá xây Trường Sa (tiếp theo)
Thứ Sáu, 25/04/2014 14:00 CH
Đội quân vác đá xây Trường Sa
Thứ Năm, 24/04/2014 08:05 SA
Hòn ngọc bích giữa biển Ðông
Thứ Bảy, 12/04/2014 14:00 CH
Người cảnh sát nặng lòng với Vovinam
Thứ Bảy, 05/04/2014 14:00 CH
Mắm thơm “3 xã”
Thứ Bảy, 29/03/2014 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek