Thứ Hai, 20/05/2024 09:37 SA
Bếp ấm
Thứ Năm, 08/02/2024 09:55 SA

Mẹ thường bảo chị em tôi, trong mỗi căn nhà đều có một khoảng không gian vừa linh thiêng vừa đầm ấm để gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Đó cũng là nơi mà mỗi thành viên khi xa nhà đều sẽ rất nhớ và luôn mong ước được trở về. Với người Nùng, nơi ấy chính là không gian của bếp lửa.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Vì sự quan trọng đó mà bếp lửa luôn được người Nùng chăm chút, giữ gìn. Bếp thường được đặt ở trung tâm nhà, để mọi người tiện quây quần sưởi ấm vào những ngày đông lạnh giá. Tôi nhớ những lời mẹ dạy, mà như thủ thỉ, tâm tình khi lên rừng hái củi, khi chẻ đóm, khi thổi lửa, khi nấu ăn, khi sưởi ấm bên bếp lửa. Tôi thường nói với các em tôi rằng, lời dạy của mẹ chúng mình lúc nào cũng phải mang theo mùi của khói bếp quen thuộc.

 

Mẹ dặn không được để bếp lạnh tro tàn. Và nhiệm vụ đó thuộc về bàn tay của phụ nữ chúng ta. Giữ được bếp ấm thì sẽ giữ được mái nhà yên. Việc đầu tiên cho nhiệm vụ cao cả ấy là mẹ dạy chúng tôi hái củi, không được để nhà mình thiếu củi. Lên rừng chọn những cây khô bằng bắp tay và một cây to như bắp đùi, mẹ dạy cách xếp, buộc bó củi sao cho thật khéo, cây to phía dưới để đệm vai đỡ đau khi vác củi về.

 

Mọi khi đã luôn phải chú ý số lượng củi cần có thì những ngày cuối hè càng phải lo hái củi nhiều hơn, đủ để sưởi ấm cả mùa đông lạnh giá và chuẩn bị cho những ngày tết gần kề. Những vác củi thẳng, đẹp sẽ được xếp ngăn nắp dưới sàn mỗi nhà của người Nùng. Các bậc làm cha làm mẹ sẽ nhìn vào cái cách hái củi của cô gái Nùng mà đánh giá cô con gái nhà ấy có chăm chỉ, có biết giữ lửa cho gia đình hay không.

 

Mẹ dặn khi dùng củi phải chọn cây củi to để giữ lửa, tiếng Nùng gọi là Pò Phầy, có nghĩa là Bố Lửa. Khi nấu nướng xong, người nhà sẽ dập tắt những thanh củi nhỏ, còn củi Bố Lửa sẽ được vùi tro để giữ cho than hồng không bị tắt. Khi cần, lớp tro ấy sẽ lại được cời ra, và chỉ cần một nắm đóm đưa vào, thổi, lửa sẽ bùng lên nhanh chóng. Mẹ đã giữ bếp lửa nhà tôi luôn ấm áp qua bốn mùa như thế.

 

Khi trời trở lạnh, góc bếp càng trở nên gần gũi. Tôi nhớ, mỗi sớm mai mẹ dậy sớm thổi lửa nấu bữa sáng cho cả nhà, nấu nước pha trà cho ba. Khi chúng tôi được mẹ gọi dậy vệ sinh, ăn sáng thì cả gian bếp đã ấm áp hơi lửa và thơm hương trà thoang thoảng. Ba tiếp khách cũng quanh bếp lửa ấy, câu chuyện bắt đầu khi ngọn lửa được nhóm bùng lên đến lúc những chén trà thơm vơi dần.

 

Nhớ mỗi khi gió mùa đông bắc tràn về, trời rét căm căm, bếp lửa là nơi ấm nhất. Cả nhà quây quần bên bếp lửa, người lớn bàn chuyện mùa màng, chuyện phiên chợ sắp tới, còn trẻ con vừa học bài vừa thích thú chờ chia nhau những củ sắn lùi. Dần về khuya, cả nhà ai cũng hơ tay chân cho thật ấm mới chạy ù vào vùi mình trong những chiếc chăn bông. Mẹ, vẫn là người rời bếp sau cùng khi đã cẩn thận dập tắt những thanh củi nhỏ, vùi thật kỹ củi Bố Lửa dưới lớp tro dày.

 

Bếp lửa ấm áp nhất vào những ngày tết. Đúng như câu “ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà”, thịt treo lúc lỉu trên bếp để dành ăn dần trong những ngày tết. Nhìn vào số thịt được treo trên đó đủ thấy được một cái tết ấm no. Bên bếp lửa, mẹ dạy chúng tôi cách gói bánh chưng để cúng tổ tiên, để đi lễ tết nhà ông bà ngoại. Cả nhà rộn ràng bao nhiêu là chuyện chuẩn bị đón xuân về.

 

Ba mẹ dặn chúng tôi mùng một chúc tết nhà nội, mùng hai lễ tết nhà ngoại, mùng ba mới đi hội lồng tồng, phải đi lễ xong mới được đi hội, đi chơi. Chúng tôi dạ mẹ, nhưng thường những lúc như thế trong lòng bọn trẻ con chúng tôi lại bận tâm hơn về những bộ quần áo mới mẹ vừa mua cho. Chị em tôi cứ mân mê những bộ cánh mới, hết ngắm nghía lại mặc thử, lòng không khỏi vui sướng tưởng tượng mình sẽ diện những bộ cánh ấy, ba ngày xuân chạy đi khoe khắp xóm giềng. Tôi thấy niềm hạnh phúc ánh lên trong mắt của ba mẹ.

 

Bếp lửa ngày xuân đi vào tuổi thơ của chị em tôi với những ấm áp diệu kỳ như thế.

 

Rồi gia đình tôi chuyển vào Nam làm kinh tế. Ở vùng đất mới, chúng tôi không còn nhà sàn mà là nhà xây, bếp củi đã được thay bằng bếp gas tiện dụng. Nơi đây cũng không còn mùa đông lạnh lẽo đến khắc nghiệt như miền Bắc nên càng không có cảnh cả nhà quây quần, sưởi ấm bên bếp lửa mỗi đêm giá rét.

 

Như một cách để lưu lại những điều tốt đẹp, ba tôi làm một cái bếp củi riêng, để mỗi khi nhớ mùi khói bếp, mẹ lại nổi lửa lên, khi thì nấu nồi nước lá sả với bồ kết để gội đầu, khi thì đồ xôi.

 

Hoặc cứ thích là mẹ nhóm bếp lên thôi, chẳng để làm gì. Mẹ bảo vì nhớ tiếng tí tách của lửa cháy, nhìn ngọn lửa hồng nhảy nhót cũng thấy ấm lòng, thấy đỡ nhớ quê. Mẹ nhớ cái hăng hắc, cay cay của mùi khói bếp, nhớ mùi sắn lùi, ngô nếp nướng, nhớ màu khói lam cứ nhè nhẹ tỏa lan trong nếp nhà sàn rồi bám miết, rồi nhuộm xám dần mái ngói âm dương. Mẹ bảo rằng, với người Nùng mình, khói bếp lên ở đâu là sự sống ở đó.

 

Dường như cả năm, mẹ đặc biệt chờ ngày tết đến, ngày cả gia đình được trải nghiệm lại đầy đủ nhất những ký ức về bếp lửa của ngày xưa. Cả nhà tôi cùng gói bánh chưng và cùng quây quần bên bếp lửa, nhìn ánh lửa bập bùng, trông bánh chưng chờ trời sáng, vẫn bao nhiêu là chuyện về ngày mai của một năm mới nhiều hy vọng. Như chiều lòng người, đêm giao thừa của miền Nam cũng có chút se lạnh.

 

Cái lạnh đủ để chúng tôi ngồi xích lại gần bên bếp lửa và gần nhau hơn. Ngọn lửa vẫn miệt mài cháy, thanh củi Bố Lửa vẫn cháy đượm nhất và than hồng nhất. Mẹ dặn tôi tí nữa bánh chưng chín rồi, con nhớ vùi tro Bố Lửa nhé. Chị em tôi hiểu ý mẹ, chúng tôi sẽ vùi tro Bố Lửa thật kỹ, Bố Lửa sẽ giữ lửa cho căn bếp nhà tôi, để ngày mai năm mới, lại nổi lửa lên. Bếp nhà tôi vẫn ấm, hứa hẹn một năm mới gia đình bình an, sum vầy.

 

MỘC MIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tình xuân – thơ HỒ NGỌC HÒA
Thứ Năm, 15/02/2024 13:00 CH
Hẹn ước tháng Giêng – thơ THỤY BÌNH
Thứ Năm, 15/02/2024 08:00 SA
Khúc xuân ca – thơ HUỲNH DUY HIẾU
Thứ Hai, 12/02/2024 13:00 CH
Nhớ quê – thơ NGUYỄN BÁ THUYẾT
Thứ Hai, 12/02/2024 08:00 SA
Đón xuân – thơ THU TRÂM
Chủ Nhật, 11/02/2024 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek