Thứ Bảy, 18/05/2024 01:18 SA
Thương quá cải lương!
Chủ Nhật, 24/08/2014 10:30 SA

Tối, hai mẹ con mang ghế nhựa đi coi... cải lương. Có thể mang theo ghế vì địa điểm biểu diễn rất gần nhà, và phải mang theo ghế vì “khán phòng” là bãi để xe, gần giống như sân bãi của các hợp tác xã hồi trước (chỉ khác là được tráng xi măng) - nơi các đoàn cải lương từng về biểu diễn, khán giả chen chúc đến xem. Hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức xốn xang của những người mộ điệu. Buổi diễn tối hôm đó chỉ có khoảng 30 khán giả, trong đó gần một nửa là những đứa trẻ hiếu kỳ. 

 

Cảnh trong một vở cải lương - Ảnh: P.TRÀ

 

Đoàn cải lương này, tôi biết. Trong quá khứ, đó là một đoàn có “tên tuổi”. Nhưng khoảng 3 năm trước, khi tôi cùng các đồng nghiệp bên truyền hình đến làm chương trình văn nghệ, thì đoàn đã rất nghèo. Làm sao mà giàu được, khi vé xem cải lương chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng, có nơi còn đúng 5.000 đồng - số tiền chỉ mua được... nửa ổ bánh mì. Khi đoàn này biểu diễn, tôi nhớ nhất là hình ảnh đứa trẻ hơn một tuổi nằm trên võng mắc dưới gầm sân khấu, ngủ ngon lành mặc cho người lớn không ngừng đi lại bộp bộp. Đứa trẻ đó là con của một diễn viên và một nhạc công ở xứ trầm hương. Cuộc sống quá chật vật, bấp bênh, cha bé đành rời cây đàn, trở về quê theo bạn thuyền đi biển; mẹ bé vẫn còn nặng nợ với cải lương nên theo đoàn và đưa hai chị em bé đi cùng. 

 

Và có một nghệ sĩ lớn tuổi quê ở Bình Thuận, đi theo cải lương từ thời trai trẻ. Ông thường vào vai quan tướng, trông rất oai phong. Nhưng khi bước xuống sân khấu, cởi bộ quan phục, ông trở lại là mình - một nghệ sĩ gần cả cuộc đời theo nghiệp hát vẫn không nhà cửa, cũng không có con cái. Vợ ông, ban ngày là chị nuôi của đoàn, ban đêm soát vé ngoài cổng. 

 

Tối hôm đó đoàn không bán vé. Họ đặt một cái thùng nhỏ có dòng chữ “thùng ủng hộ” bên cạnh lối ra vào. Ngồi trầm ngâm ngay phía sau cái thùng là một phụ nữ, gương mặt có phần khắc khổ. Khán giả thoải mái đến xem cải lương và tùy tâm ủng hộ đoàn. 

 

Tôi không chụp ảnh người phụ nữ cùng cái “thùng ủng hộ” đó, vì thấy xót xa quá. Chợt nhớ hồi năm ngoái, khi tôi gọi điện cho ông trưởng đoàn và nói muốn làm phim tài liệu về đoàn, về đời hát, ông bảo để hội ý anh em cái đã, sau đó nhỏ nhẹ trả lời “Anh em hổng chịu. Họ sợ tới khi phim được chiếu lên, khán giả coi rồi nói: Trời, sao nghệ sĩ sống khổ quá vậy!”. 

 

Tối hôm đó, buổi diễn bắt đầu được mươi phút thì trời hắt xuống một cơn mưa nhỏ. Nhỏ nhưng đủ ướt. Người xem tản hết về nhà. Người phụ nữ có gương mặt khắc khổ vẫn ngồi nán lại bên “thùng ủng hộ” thêm chút nữa. Bà ướt, “thùng ủng hộ” ướt, và mắt tôi cũng ướt...

 

YÊN LAN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Có tiếng rao nào ngang qua ngõ…
Thứ Bảy, 23/08/2014 09:46 SA
Sóng thức - thơ NHẤT TÂM
Thứ Bảy, 23/08/2014 09:13 SA
Mô hoang – truyện ngắn của DƯƠNG HẰNG
Chủ Nhật, 17/08/2014 18:00 CH
“Ngày đầu tiên đi học...”
Chủ Nhật, 17/08/2014 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek