Thứ Sáu, 17/05/2024 15:11 CH
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các dự án động lực, then chốt (*)
Thứ Hai, 07/07/2014 09:00 SA

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt (phải) giao lưu với các nhà đầu tư - Ảnh: M.NGUYỆT

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VII (kỳ họp thứ V) ngày 30/6/1989, tỉnh Phú Khánh tách thành tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa. Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên chính thức được tái lập. Cùng với niềm vui trở về với tên gọi của mình, Phú Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội thời điểm mới tái lập tỉnh như sau:

 

- Tổng sản phẩm toàn xã hội là 425,9 tỉ đồng; trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 56,3%, dịch vụ chiếm 31,9%, công nghiệp xây dựng chiếm 11,9% trong cơ cấu GDP;

 

- Thu ngân sách là 10,1 tỉ đồng; tổng chi ngân sách 15,6 tỉ đồng, trong đó chi xây dựng cơ bản là 4,2 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người 152 USD/năm; sản lượng lương thực có hạt là 250.000 tấn. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, thiếu đồng bộ; TX Tuy Hòa, trung tâm tỉnh lỵ Phú Yên thiếu điện, thiếu nước, đường sá hư hỏng; đội ngũ cán bộ, công chức vừa thiếu, vừa yếu chưa đáp ứng yêu cầu công việc... Tuy nhiên, được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Phú Yên đã năng động và sáng tạo khai thác nội lực, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư để xây dựng, phát triển tỉnh nhà về mọi mặt. Cụ thể, nền kinh tế tỉnh liên tục phát triển với tốc độ khá cao và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1990-2013 tăng bình quân 9,6%/năm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp tăng 4,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 17,5%, dịch vụ tăng 12,7%. Riêng năm 2013, tổng giá trị tăng thêm (GDP) là 18.575 tỉ đồng và tốc độ tăng trưởng GDP là 10,7%. Sau tái lập, tỉnh đã chú trọng công tác lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển theo hướng phát triển công nghiệp xây dựng và dịch vụ, thay đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, để tăng giá trị sản xuất hàng hóa, phá thế độc canh cây lúa. Cơ cấu kinh tế tỉnh Phú Yên có sự chuyển biến rõ rệt, công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh chiếm 35,5%, dịch vụ chiếm 40,3% và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 24,2% trong cơ cấu GDP. Đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Đến năm 2013, GDP bình quân đầu người là 1.297USD tăng gấp 8,5 lần so với năm 1990, cơ bản đã thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo.

 

Đến nay, tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho 41 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,9 tỉ USD, trong đó đáng chú ý có dự án Nhà máy lọc dầu công suất 8 triệu tấn/năm, với tổng mức đầu tư 3,2 tỉ USD, chuẩn bị khởi công vào quý IV/2014. Đến nay, đã có 28 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 295 triệu USD, hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chuyên canh hàng hóa; đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung như lúa, mía, sắn,... gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Sản xuất lương thực có hạt ổn định về diện tích, năng suất tăng cao từ 44 tạ/ha (năm 1989) lên trên 60 tạ/ha năm 2013, sản lượng lương thực từ 250.000 tấn/năm lên 340.000 tấn/năm. Các cơ sở chế biến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều bà con nông dân trên địa bàn, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Đến nay, các nhà máy đường đã đầu tư với công suất 8.550 tấn mía/ngày; các nhà máy chế biến tinh bột sắn với năng lực sản xuất 350 tấn sản phẩm/ngày. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả ngành công nghiệp chế biến mía đường, sắn của tỉnh.

 

Sản xuất thủy sản phát triển mạnh, từ một tỉnh chưa có nuôi trồng thủy sản đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.642ha, sản lượng nuôi trồng trên 8.000 tấn/năm với nhiều đối tượng nuôi có hiệu quả: tôm thẻ chân trắng, tu hài, cá bớp, cá mú, rong sụn, đặc biệt là nuôi tôm hùm lồng có giá trị kinh tế cao... Quy mô tàu thuyền khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền tăng cao. Tổng số tàu thuyền trong tỉnh là 7.187 chiếc, với tổng công suất 204.663CV, tăng 4.067 chiếc so với năm 1991, trong đó có hơn 1.000 tàu có công suất từ 90CV trở lên, đặc biệt có 62 tàu công suất trên 400CV. Sản lượng khai thác hàng năm từ 14.520 tấn/năm (năm 1990), đến nay đã khai thác đạt trên 50.000 tấn/năm, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 6.000 tấn/năm. Tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá tương đối đồng bộ; đã đưa vào sử dụng cảng cá Tiên Châu, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền vịnh Xuân Đài; đang triển khai đầu tư cảng cá Phú Lạc...

 

Từ một tỉnh cơ sở công nghiệp hầu như không có gì, đến nay đã thành lập Khu kinh tế Phú Yên, 3 khu công nghiệp tập trung và một số cụm, điểm công nghiệp - TTCN ở các huyện với cơ sở hạ tầng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động hiệu quả, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Các ngành dịch vụ có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng phục vụ. Dịch vụ vận tải phát triển cả về đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhiều tuyến xe buýt đến được vùng nông thôn, miền núi, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuyến bay Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội và ngược lại hoạt động với tần suất 5-9 chuyến/tuần. Cảng Vũng Rô được đầu tư cơ bản và hoạt động có hiệu quả; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt gần 500.000 tấn/năm, vượt công suất thiết kế trên 190% và đang chuẩn bị triển khai đầu tư nâng cấp.

 

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể, đến năm 2013 thu đạt 1.926,7 tỉ đồng. Bên cạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tỉnh luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thành phần kinh tế. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.133 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 doanh nghiệp nhà nước; trong năm 2013 đã tiến hành cổ phần hóa 1 công ty theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài việc khai thác tốt tiềm năng, nội lực của địa phương, công tác thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

 

Cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội lũy kế đến năm 2013 là 67.445 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 27.856 tỉ đồng chiếm 41% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước, vốn nhân dân đưa vào đầu tư là 24.200 tỉ đồng chiếm 36%, vốn đầu tư nước ngoài là 15.369 tỉ đồng chiếm 23%. Nhiều công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông, cấp nước, trường học, bệnh viện được xây dựng. Hạ tầng giao thông được đầu tư thông suốt; nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa lớn về mặt dân sinh, thúc đẩy kinh tế - xã hội như: Tuyến ĐT641 nối Phú Yên với Vân Canh (tỉnh Bình Định), quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk; quốc lộ 25 nối Phú Yên với Gia Lai; tuyến động lực Nam TP Tuy Hòa gắn với khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên; tuyến giao thông ven biển; trục dọc miền Tây tỉnh, tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa; nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa theo tiêu chuẩn 4C... Đặc biệt, tỉnh đang tập trung phối hợp triển khai 2 công trình giao thông quan trọng trên địa bàn là dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho các nhà đầu tư, gắn kết phát triển kinh tế với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khang trang; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Thời gian gần đây, chương trình giao thông nông thôn, bê tông hóa hè phố, hẻm phố; kiên cố hóa giao thông nông thôn phát triển mạnh, thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn.

 

Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tốt như: các hồ chứa nước: La Bách, Buôn Đức, Kỳ Châu, Đồng Tròn...; hệ thống tưới sau thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Sông Hinh; chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng, nâng tổng diện tích cây trồng năm 2013 được tưới là 60.965ha; trong đó diện tích lúa được tưới ổn định ở 2 vụ lúa là 48.968ha, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng hàng năm. Hệ thống đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển được chú trọng đầu tư bền vững như: kè Tam Giang, kè Phú Đa, kè Bạch Đằng, kè Lạc Mỹ, kè Sông Vét...

 

Hạ tầng đô thị có nhiều khởi sắc. Từ đô thị loại 4 trực thuộc tỉnh, TX Tuy Hòa đã được nâng cấp lên thành phố - đô thị loại 2, huyện Sông Cầu được nâng lên thị xã. Đường Hùng Vương xuyên suốt thành phố theo chiều bắc - nam, cầu Hùng Vương tô điểm thêm bộ mặt văn minh, hiện đại của TP Tuy Hòa, đường Trần Phú nối đông và tây thành phố... Cơ sở hạ tầng kỹ thuật các thị trấn huyện lỵ tiếp tục được đầu tư xây dựng, nhất là các thị trấn huyện lỵ mới thành lập như: Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa.

 

Hệ thống cấp, thoát nước được quan tâm đầu tư, cơ bản giải quyết tình trạng lụt trên địa bàn TP Tuy Hòa; nâng tỉ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh lên 98,5%; tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 84%.

 

Đồng thời với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội trên địa bàn. Đã tập trung nhiều nguồn vốn, huy động sự đóng góp của cộng đồng xây dựng trên 15.000 căn nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn.

 

Mạng lưới trường lớp được đầu tư khá khang trang, hiện đại và phát triển rộng khắp từ bậc mầm non đến đại học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

 

Mạng lưới y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp; trang thiết bị khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

 

Qua 25 năm xây dựng và phát triển từ ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên hoàn toàn có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được. Tuy nhiên, tỉnh Phú Yên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp; GDP bình quân đầu người còn thấp hơn mức bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; công nghiệp quy mô sản xuất còn nhỏ; nông nghiệp phát triển nhưng thiếu bền vững, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được đầu tư tăng nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực cải thiện không đáng kể... các khó khăn, hạn chế nêu trên cần sớm có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Sở Kế hoạch - Đầu tư đề xuất một số giải pháp sau:

 

1. Mở rộng và tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, đẩy mạnh đầu tư xây dựng nông thôn mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn phát triển bền vững.

 

2. Tập trung các nguồn lực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nội bộ ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững.

 

3. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực để phát triển tổng hợp kinh tế biển, trong đó phát triển ngành thủy sản thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Gắn mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp với việc xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân.

 

4. Ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế: lọc dầu, hóa dầu. Quan tâm thu hút các dự án lớn, hàm lượng khoa học công nghệ cao để tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm của Phú Yên.

 

5. Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung các trung tâm du lịch trọng điểm, trọng tâm là tổ hợp du lịch Vũng Rô. Tăng cường hợp tác du lịch vùng, gắn kết giữa các tuyến, điểm du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch, đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, khắc phục tình trạng đơn điệu, tính thời vụ, tính cạnh tranh thấp, hướng tới phục vụ khách du lịch có chất lượng.

 

6. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại tỉnh; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư. Chú trọng tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư các dự án động lực, then chốt. Tăng cường quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh.

 

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek