Thứ Năm, 16/05/2024 07:39 SA
Bác Hồ - tấm gương tự học
Thứ Ba, 25/11/2014 11:20 SA

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nhấn mạnh: Phương pháp dạy và học hiện nay cần phải khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chính vì vậy, việc tìm hiểu tấm gương tự học của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất to lớn đối với định hướng học tập của thế hệ trẻ hiện nay.

 

Ảnh: Tư liệu

 

Trong lý lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại một số đại hội, hội nghị của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự học. Hay trong bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1/9/1961, Người tâm sự: Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu. Nhưng chúng ta ai cũng biết, Người có một trình độ học vấn rộng lớn, uyên bác mà cả thế giới phải khâm phục và thừa nhận. Nhà nghiên cứu Vasiliep đã viết trong tác phẩm Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời.

 

Trong khối núi tri thức đồ sộ của Người, có rất nhiều vấn đề có thể minh chứng cho con đường tự học của Bác, nhưng chỉ xin đề cập đến hai lĩnh vực được xem là tiêu biểu hơn cả, đó là việc tự học ngoại ngữ và tự học viết báo phục vụ sự nghiệp cách mạng.

 

TỰ HỌC NGOẠI NGỮ

 

Trong bản khai lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Hồ Chí Minh đã ghi: “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Nhưng trên thực tế, dựa vào những lần Người đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Người không dừng lại ở đó. Người còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… Vốn ngoại ngữ đó không phải do “thiên bẩm” mà có, tất cả đều xuất phát từ sự khổ công học tập.

 

Tự học tiếng Pháp

 

Mùa hè năm 1911, Hồ Chí Minh đặt chân lên đất Pháp và kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc đều phải sử dụng tiếng Pháp. Bởi, nếu không biết tiếng Pháp thì đó là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Do vậy, Người đặt ra quyết tâm: “Nhất định phải học cho kỳ được” tiếng Pháp.

 

Với quyết tâm đó, dù trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ, nhưng Người cũng đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình. Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp, mỗi lúc rảnh rỗi, Người đều chủđộng tìm đến làm quen với hai người lính trẻ được giải ngũ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết cái gì, muốn biết đồ vật nào đó bằng tiếng Pháp, Bác đều chỉ tay hỏi người Pháp, rồi Bác viết vào một mẩu giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất để tranh thủ vừa làm, vừa học. Có khi Bác viết hẳn vào cánh tay. Tối tối sau khi đi làm về, Bác rửa tay, rồi lại ghi những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay. Cứnhư thế, ngày nào, Người cũng dành một khoảng thời gian nhất định để học, dù bận rộn hay mệt mỏi. Một người bạn ở Pháp của Bác có kể lại rằng: “Mỗi ngày, 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm”.

 

Với một tinh thần chịu khó, ham học hỏi như vậy, dần dần Bác đã tự mình tích lũy một khối lượng lớn từ vựng tiếng Pháp và sử dụng thành thục để giao tiếp, và cao hơn nữa là sử dụng để viết báo.

 

Tự học tiếng Anh

 

Năm 1913, Hồ Chí Minh đến nước Anh với mục đích như Người đã trả lời với người bạn cùng quê của mình rằng: “Tôi đến đây một mình để học tiếng Anh”.

 

Đểthực hiện được mục đích đó, Người đã không ngại trải qua nhiều công việc vất vả khác nhau để tự nuôi sống và có đủ tiền mua bút, sách, vở để tự học. Công việc đầu tiên là đốt lò, sau vì quá vất vả khiến Người ốm mất hai tuần, Người liền chuyển sang xin làm thuê tại Khách sạn Carlton. Thường ngày Người phải làm từ 8 giờ sáng tới 12 giờ, chiều từ 5 giờ tới 10 giờ đêm. Những lúc rảnh rỗi, Người thường đem sách vởra vườn hoa Haydơ, nơi có nhiều cây to, cột đèn xưa để tự học. Sau này Bác tiết lộ, sở dĩ Bác thường ra đó để học “vì ở đó thời tiết thường rất lạnh, nên khi học sẽ không thể buồn ngủ được, có như thế mới tập trung vào học”.

 

Nhờchịu khónhư vậy, chẳng bao lâu sau, Người không những đọc được các tác phẩm của Shakespeare, Dickens… bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của các vịnày mà còn sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo để giao thiệp, điển hình như: giao thiệp với luật sư Loseby và tòa án của chính quyền Anh khi bị chúng bắt giam ở Hồng Kông; với chính quyền Singapore khi bí mật vượt Hồng Kông nhưng bị chính quyền Singapore bắt lại; với ông bạn thân của luật sư Loseby khi luật sư tạo điều kiện cho Người trốn khỏi Hồng Kông; với trung úy phi công Shaw của Mỹ khi anh này buộc phải nhảy dù xuống một hòn núi gần tỉnh lỵ Cao Bằng; hay làm việc với tướng Chennault, tổng tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc năm 1944…

 

Có thể nói, quá trình học tiếng Pháp và tiếng Anh là bước khởi đầu trên hành trình tìm đường cứu nước của Bác. Ý chí mãnh liệt, vượt mọi trở ngại khó khăn, khắc nghiệt, kiên trì tìm phương pháp học ngoại ngữ đã giúp Người tìm thấy chìa khóa giao tiếp và mở mang văn hóa, đến với ánh sáng chân lý, tìm ra con đường và phương pháp cách mạng Việt Nam.

 

TỰ HỌC VIẾT BÁO

 

Trong tác phẩm “Vừa đi đường vừa kểchuyện”, tác giả Trần Dân Tiên đã kể lại cách Bác học viết báo như sau: “Chủ nhiệm báo Dân chúng - cơ quan của Đảng Xã hội Pháp - ông Jean Longuet, cháu ngoại C.Mác và là nghị viên của Quốc hội Pháp, đã khuyến khích Bác viết bài và ông sẽ đăng lên báo Dân chúng để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sựbất công xảy ra ở Việt Nam. Bác không đủ tiếng Pháp để viết, phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều Bác muốn nói. Vì vậy, Bác bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới tòa báo Dân chúng, Bác đã làm quen với chủ bút tờ báo Đời sống thợ thuyền. Cũng như ông Longuet, người chủ bút này rất đáng mến. Ông ta bảo Bác viết tin tức cho tờ báo của ông. Bác nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm sáu dòng cũng được”.

 

Bắt đầu viết rất khó khăn, tin tức về Việt Nam Bác không thiếu, thiếu nhất là văn Pháp. Do vậy, sau mỗi bài viết bằng tiếng Pháp, Bác đều chép thành 2 bản: gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản để đối chiếu từng câu, từng chữ với bài báo đã in, xem bài viết của mình đúng, sai chỗ nào, tòa soạn đã sửa lại thế nào, thêm, bớt điều gì cho đúng phong cách ngôn ngữ, văn hóa Pháp. Khi thấy viết đã bớt sai, ông chủ bút bảo Bác: “Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ bảy, tám dòng”. Bác viết bảy, tám dòng, dần dần có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ, người chủ bút - bạn thân của Bác, khẽ bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng không dài hơn”. Bác thấy rằng phải rút ngắn cũng khổ như trước kia phải kéo dài ra. Nhưng với suy nghĩ “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”. Nhờ đó, Bác đã thành công và trở thành một nhà báo thực thụ.

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Nga, Hán, Việt, với nhiều thể loại và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Có lẽ vì thế, Bác coi mình “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Bác cũng là người sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên, Công Nông (1925), Lính Kách Mệnh (1927), Thân Ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942).

 

Bác luôn coi báo chí là thứ vũ khí sắc bén để: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì mục đích ấy nên Bác không ngừng rèn luyện cách viết báo của mình.

 

Tóm lại, để có phương tiện phục vụ cho sự nghiệp cách mạng cao cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì, chịu khó tự học ngoại ngữ, học viết báo chứ không qua một trường lớp đào tạo chính quy nào… Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè và học ở nhân dân; học từ chính thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, và ở phong trào cách mạng trên thế giới. Chính vì vậy khi phát biểu với sinh viên Trường đại học Băng Đung trong chuyến thăm Indonesia năm 1959, Người nói: Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường đại học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ… Đó chính là bài học sâu sắc về tấm gương tự học của Bác, tự học để có kiến thức - là hành trang, là phương tiện, vũ khí đắc lực nhằm đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân loại.

 

Tấm gương tự học của Bác Hồ có ý nghĩa rất to lớn đối với việc đổi mới phương pháp dạy và học mà ngành Giáo dục chúng ta đang thực thi hiện nay nhằm “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống một chiều “thầy đọc, trò chép”; “thầy nói, trò nghe” sang phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại lấy “người học là trung tâm”. Người dạy đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn cho người học tự lực khám phá những điều chưa rõchứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giảng viên sắp đặt sẵn. Đồng thời, về phía người học đòi hỏi cũng phải năng động, tự giác, tích cực, chịu khó học tập để lĩnh hội tri thức của nhân loại.

 

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG

(Trường Chính trị Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek