Thứ Năm, 16/05/2024 19:01 CH
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tuyệt nhiên không có cục bộ, lợi ích nhóm khi Bộ GD-ĐT làm SGK
Thứ Năm, 20/11/2014 16:48 CH

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận - Ảnh: SGGPO

* Thông qua dự án Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Bảo hiểm xã hội

 

Sáng 20/11, đúng vào dịp kỷ niệm  ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông.

 

Hầu hết ĐBQH tán thành cao việc phải đổi mới CT-SGK phổ thông vì CT-SGK hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Đề án đã xác định nhiều nội dung cần thiết, đã định hình cơ bản khung chương trình, chuẩn năng lực học sinh theo CT mới. Trong đó nổi bật nhất là việc chuyển hướng từ dạy chữ thuần túy sang phát triển năng lực học sinh, chú trọng dạy thực hành, kỹ năng.. Hầu hết các ĐB yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tập trung làm được một CT chuẩn, có tính thực cao, linh hoạt để phù hợp với trình độ học sinh ở các vùng miền. Trên cơ sở đó mới viết SGK.

 

Vẫn băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT biên soạn SGK

 

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH tiếp tục bày tỏ băn khoăn về việc Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) có nên biên soạn SGK hay dành việc biên soạn cho các tổ chức cá nhân khác? ĐB Nguyễn Thành Tâm (Long An) cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên  biên soạn SGK. Mà chỉ nên tập trung thiết kế chương trình chuẩn. Đồng thời thẩm định, cân đối nguồn lực Nhà nước để thực hiện SGK mới, tạo điều kiện xã hội hóa SGK. ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cũng cho rằng, Bộ dự kiến có khoảng 4 bộ SGK, trong đó Bộ làm 1 bộ, 3 bộ giao cho tổ chức, cá nhân khác. “Có sự cạnh tranh công bằng không? Nếu bộ làm SGK thì điều kiện để các tổ chức đó biên soạn cũng phải được tạo điều kiện như bộ làm?. Vì chỉ có kinh phí để Bộ biên soạn SGK mà không có kinh phí cho các tổ chức cá nhân khác?”, ĐB Mạnh nêu câu hỏi.

 

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đồng tình xã hội hóa biên soạn SGK, có nhiều bộ SGK. “Tuy nhiên, cách thể hiện trong đề án cảm giác chỉ có Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn, các chủ thể biên soạn khác chưa rõ. Thực tế, đã có những cuốn SGK được tác giả biên soạn hấp dẫn hơn SGK  của bộ. Vì vậy, bộ không nên biên soạn SGK mà nên dành kinh phí đó cho vấn đề cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên”, ĐB Trang đề xuất. Cùng với đó, cần làm rõ chủ thể tham gia biên soạn, thẩm định SGK để xã hội yên tâm, tránh tình trạng trăm hoa đua nở, ai cũng làm SGK thì sẽ lãng phí. “Cần xây dựng tiêu chuẩn những người được tham gia biên soạn, thẩm định SGK. Bộ GD-ĐT nên có quy trình, tiêu chí thẩm định, biên soạn SGK và công bố công khai cho dân biết, giám sát”, ĐB Thùy Trang phát biểu. Tuy nhiên, cũng có nhiều ĐBQH tán thành đề xuất của Chính phủ là giao Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK để bảo đảm tính chủ động cũng như chất lượng SGK. Tuy nhiên, vấn đề là phải bảo đảm công bằng giữa SGK của Bộ GD-ĐT và các nhóm khác.

 

Giáo viên là yếu tố quyết định

 

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Long An) cũng cho rằng, Chính phủ chưa làm rõ việc xây dựng đội ngũ giáo viên, yếu tố quyết định để thực hiện thành công việc đổi mới CT-SGK. “Nghị quyết cần làm rõ mục tiêu cụ thể của từng cấp học và toàn  bộ bậc phổ thông. Làm rõ mục tiêu hướng tới là giáo dục, đào tạo những thế hệ học sinh có kỹ năng, đạo đức, khả năng hội nhập tốt”, ĐB Thành Tâm nói.

 

“Đội ngũ giáo viên, vai trò của người thầy là quyết định, phải chuyển hướng mạnh mẽ. Vì vậy phải chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ này. Muốn thế phải thay đổi chương trình đào tạo giáo viên hiện nay của các trường sư phạm. Bảo đảm đời sống để thầy cô chuyên tâm với nghề. Thực hiện chuyển đổi những giáo viên không đủ điều kiện”, ĐB Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh.

 

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cũng cho rằng, cần 2 đề án nữa để bảo đảm đề án CT-SGK thành công, đó là đề án về hoàn thiện cơ sơ vật chất và đội ngũ giáo viên. Vì đây là 2 yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công đổi mới CT-SGK. Vì vậy, Bộ cần báo cáo cách thức, kinh phí để thực hiện đề án này nhằm giúp Quốc hội có cái nhìn tổng thể trước khi thông qua đề án này. Phải đầu tư cho đội ngũ giáo viên cả về trình độ và đời sống thì họ mới yên tâm giảng dạy.

 

Một số ĐB cũng cảnh báo cần cẩn trọng trong thí điểm CT-SGK mới vì học sinh không phải là vật mẫu trong phòng thí nghiệm. ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) và các ĐB khác cho rằng, cần đánh giá một cách tổng thể những  bài học căn cơ trong thực hiện giáo dục phổ thông hiện hành. Để những gì còn thiết thực của CT-SGK cũ thì cần phải giữ lại, không cần thiết phải làm mới hoàn toàn.

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN

 

Phương án xã hội hóa việc làm SGK là do Bộ GD-ĐT đề xuất

 

Những ý kiến thảo luận sáng nay của ĐBQH cũng khá thống nhất với ý kiến thảo luận trước đó tại các tổ. Trước ý kiến của ĐBQH, sáng nay Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ động phát biểu khá sớm.

 

Về vấn đề biên soạn CT-SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đây là công việc khoa học liên quan không chỉ ngành giáo dục mà còn cả các ngành khoa học công nghệ khác. Ở các nước có nền giáo dục phát triển, công việc này được làm một cách chuyên nghiệp do các Viện nghiên cứu về CT-SGK thực hiện. Việt Nam hiện vẫn chưa có bộ máy chuyên sâu, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chuyên về CT-SGK. Cách làm của chúng ta là huy động các chuyên gia, nhà giáo có kinh nghiệm tham gia vào làm. Bộ đã cử các cán bộ đi học để khi có điều kiện thì đề xuất Chính phủ cho thành lập Viện nghiên cứu và biên soạn CT-SGK. Lần này, bộ cũng kỳ vọng vào đội ngũ chuyên gia, nhà giáo; tranh thủ vào sự giúp đỡ của thế giới. Bộ cũng đã ký kết, tranh thủ sự giúpđỡ của các hội thành viên của hội Liên hiệp kỹ thuật Việt Nam.

 

Lý giải việc Bộ GD-ĐT đề xuất Bộ biên soạn SGK đồng thời khuyến khích  các tổ chức cá nhân khác làm, Bộ trưởng cho rằng, đây là việc khó, tỉ mỉ. Thực tế trước đây lực lượng  tham gia biên soạn SGK  không nhiều vì yêu cầu rất cao về khoa học,  thời gian làm sách dài, đãi ngộ chưa thoả đáng.. Lần này, theo dự báo lực lượng làm SGK còn ít hơn vì cách làm sách mới, tiếp cận theo phát triển năng lực học sinh chứ không phải chỉ là truyền thụ kiến thức.

 

Dự báo sẽ có 2 khả năng. Một là xã hội hóa thì sẽ có nhiều nhóm tập thể biên soạn, nhiều sách để lựa chọn. Thứ hai là chưa có nhiều người sẵn sàng viết sách, sách viết ra không đáp ứng yêu cầu, không kịp thời gian, có thể có những mảng sách không ai làm cả. “Bộ mong muốn khả năng thứ nhất. Nhưng thực tế lại cảnh báo khả năng 2 rất dễ xảy ra. Vì vậy, Chính phủ chọn phương án Bộ GD-ĐT làm một bộ SGK là để Chính phủ  chủ động với bất cứ tình huống nào xảy ra. Tính toán này là thận trọng, cần thiết”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói. Đồng thời cho rằng, trong khi mô hình mới chưa xuất hiện, mới chỉ có trong tính toán của chúng ta thì có nên chăng loại bỏ ngay mô hình đã có, đã được kiểm nghiệm.  “Thưa Quốc hội, ở đây tuyệt nhiên không có cục bộ, lợi ích nhóm. Đặc biệt, phương án xã hội hóa việc làm SGK cũng là do Bộ đề xuất”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

 

Việc bộ GD-ĐT biên soạn SGK có vừa đá bóng vừa thổi còi hay không? Theo bộ trưởng, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết SGK. Việc này là do các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia làm. Bộ chỉ tổ chức bộ máy vận hành, lựa chọn người viết, tập huấn, ban hành văn bản pháp luật để hỗ trợ cho nhóm viết sách.. Đây là công việc lớn, phức tạp, tỉ mỉ. Còn việc thẩm định SGK là do một hội đồng khoa học thẩm định là các nhà giáo, chuyên gia không tham gia vào nhóm viết sách do bộ và các cơ quan hữu quan  giới thiệu. Trong lần làm sách này, danh sách Hội đồng thẩm định này phải được báo cáo Hội đồng phát triển nhân lực quốc gia, Ủy ban quốc gia về đổi mới GD-ĐT, Thủ tướng quyết định. Đây là hội đồng độc lập, hoạt động theo quy chế riêng. Có tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình hoạt động. Bộ căn cứ kết quả thẩm định để cho phép lưu hành những bộ sách đạt yêu cầu.

 

Về bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa các bộ SGK. Theo Bộ trưởng, kinh phí mà trong đề án Chính phủ báo cáo Quốc hội là kinh phí đó là để viết một bộ SGK chứ không phải là kinh phí cấp cho bộ GD-ĐT để viết SGK. Cũng có ý kiến cho rằng Bộ dùng tiền nhà nước để viết SGK còn các tổ chức cá nhân khác thì không được nên thiếu công bằng. “Chúng ta cần cân nhắc vấn đề này, nhưng tính toán theo hướng tất cả cả nhóm biên soạn SGK đều có những điều kiện thuận lợi tương đương trong hoạt động chuyên môn và đều có trách nhiệm như nhau bao gồm cả trách nhiệm về pháp lý và đạo đức khi sử dụng tiền của nhân dân, của nhà nước. Có nhiều giải pháp kỹ thuật để xử lý vấn đề công bằng này. Cần phải cân nhắc, tính toán khi cho rằng để bảo đảm công bằng, cạnh tranh bình đẳng thì không để cơ quan Nhà nước tham gia làm SGK nữa. Quyết  định một vấn đề hệ trọng của giáo dục mà chỉ căn cứ vào vấn đề  bình đẳng kinh tế của các nhóm tham gia làm SGK cũng là vấn đề phải tính toán toàn diện. Trong khi đó, vấn đề công bằng, binh đẳng này hoàn toàn có thể xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu.

 

Bộ trưởng cũng cho biết để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, có 18 đề án, đề án đổi mới CT-SGK này chỉ là 1. Nhưng chỉ có đề án CT-SGK mới phải báo cáo Quốc hội. “Báo cáo để Quốc hội, nhân dân yên tâm, Bộ đã quan triệt ngay từ đầu khi trình đề án ra TƯ. Đó là cập nhật, tiếp thu trình độ, kiến thức của thế giới. Nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, Ông Luận nói.

 

* Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, sáng 20/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua hai dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

 

Trước đó, với 86,92% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) gồm 7 Chương 102 Điều. Luật quy định đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp công dân; thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Luật cũng bổ sung nhiệm vụ của đoàn đại biểu trong việc tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương, yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin báo cáo về những vấn đề đại biểu quan tâm, quy định rõ hơn về điều kiện hoạt động của đại biểu.

 

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua với 71,43% đại biểu tán thành. Luật có 9 Chương 125 Điều, quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

 

Đại biểu thống nhất mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo hướng có lộ trình hợp lý để đảm bảo sự đồng thuận trong xã hội, không tạo sự chênh lệch lớn về mức lương hưu giữa các thế hệ. Đến năm 2025 phải đảm bảo phương thức tính lương hưu như nhau cho tất cả đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. 

 

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định quỹ Bảo hiểm xã hội được hạch toán theo nhóm đối tượng. Một điểm mới quan trọng của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là việc giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

 

BTV (theo SGGPO, TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek