Thứ Năm, 02/05/2024 16:57 CH
Cần đảm bảo thu nhập cao hơn cho nông dân(*)
Thứ Bảy, 01/11/2014 08:09 SA

Đồng chí Đào Tấn Lộc phát biểu - Ảnh: CTV

Tại buổi thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã có bài phát biểu nêu một số vấn đề đáng chú ý. Báo Phú Yên trích đăng bài phát biểu này.

 

Tôi cơ bản nhất trí với các nội dung báo cáo kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Có thể nói, năm 2014, kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định và cải thiện hơn. Nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội chuyển biến tốt, an sinh xã hội cơ bản đảm bảo, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Trong bối cảnh có nhiều diễn biến bất thường, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, tôi đánh giá cao kết quả nỗ lực điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành. Tôi cũng nhất trí với các mặt hạn chế, khuyết điểm được nêu trong báo cáo của Chính phủ và các mục tiêu, giải pháp chủ yếu được nêu cho năm 2015. Sau đây tôi xin tham gia một số ý kiến về những vấn đề tôi quan tâm. 

 

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Nhìn tổng quan thì năm 2014 là một năm thành công của ngành Nông nghiệp tốc độ tăng trưởng tốt, giá trị xuất khẩu nông sản cao, chương trình nông thôn mới được cả nước tích cực hưởng ứng, đề án tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu được triển khai. Nhưng theo tôi có hai điểm cần chú ý thêm. 

 

Một là, là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chất lượng và giá cả xuất khẩu gạo còn thấp hơn nhiều nước. Giá trị xuất khẩu gạo có năm còn thấp hơn giá trị nhập khẩu bắp, đậu tương cho chăn nuôi. Vậy thì vấn đề đặt ra là có nên chuyển khoảng 20 đến 25% diện tích lúa so với 3,8 triệu ha lúa sang trồng bắp, đậu tương và cỏ chăn nuôi hay không? Không phải vài ba trăm ngàn hécta như dự kiến tái cơ cấu mà có thể lên đến bảy tám trăm ngàn hécta. Hiện nay, nhiều công nghệ mới, nhất là công nghệ biến đổi gen làm năng suất bắp, đậu tương tăng vọt và hiệu quả hơn trồng lúa. Có nên giữ chính sách hỗ trợ 500.000 đồng hoặc 1 triệu đồng cho 1ha lúa nữa hay không? Nông dân ở nhiều vùng, nhất là miền Bắc, miền Trung, vùng miền núi chỉ vài ba ngàn mét vuông đất lúa, nếu nhận vài ba trăm ngàn đồng hàng năm rất tốn công sức, lại phân tán nguồn lực. Theo tôi, nên dùng khoảng 3.000 tỉ đồng hỗ trợ cho đất lúa hàng năm để tăng suất đầu tư cho các vùng lúa: làm bờ bao, giao thông nội đồng, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng gạo và chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác hiệu quả hơn. Chúng ta không cần đến danh hiệu nước thứ 2, thứ 3 xuất khẩu gạo mà cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thu nhập cao hơn cho nông dân các vùng trồng lúa và vùng chuyển đổi cây trồng.

 

Hai là về chăn nuôi. Theo tôi, đây là một điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta: sản xuất manh mún, công nghệ thấp, dễ dịch bệnh, giá cả bấp bênh với phần thiệt thòi luôn ở phía nông dân. Đây cũng là một thực tế chung cho các nước đang phát triển và với đà này, từ 10 đến 15 năm nữa Việt Nam sẽ là một thị trường tiêu thụ thịt cho nước ngoài. Tôi xin đề nghị 5 biện pháp. Một, có một chiến lược mạnh mẽ, phát triển chăn nuôi theo hướng chuyển sang nuôi công nghiệp và bán công nghiệp với chính sách đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ phòng dịch… thích hợp. Hai, phát triển thức ăn chăn nuôi với quy mô lớn bao gồm cả chuyển một phần diện tích đất lúa sang cây trồng phục vụ chăn nuôi như đã nói ở trên. Ba, đầu tư mạnh cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi mà hiện nay ở nhiều địa phương đã bị mai một; tổ chức hệ thống thú y mạnh, đủ sức theo dõi, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh thú ý thẩm lậu qua biên giới. Bốn, liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở chăn nuôi và các cơ sở chế biến như các nước chăn nuôi phát triển đang làm. Năm, đưa vào chương trình nông thôn mới việc phải kiểm soát chăn nuôi gia đình: bảo đảm có chuồng trại, chích ngừa và không thả rông. Nếu không có chiến lược đúng và quyết tâm cao thì sau này ngành chăn nuôi nước ta chỉ còn là một ngành nuôi đặc sản. 

 

Vấn đề thứ hai là nợ xấu của ngân hàng. Đây là vấn đề lớn của đất nước, nên trong kỳ họp thứ 6, tôi đề nghị vấn đề xử lý nợ xấu thì ngân hàng là chủ công, nhưng không chỉ ngân hàng có thể làm nổi mà nên có Ban chỉ đạo liên ngành do Chính phủ chỉ đạo để xử lý nợ xấu, đặc biệt nợ xấu có nguồn gốc từ Nhà nước. Việc này đầu những năm 90 đất nước ta đã làm, không phải là vấn đề mới; lúc đó nợ xấu còn cao hơn bây giờ, nó liên quan đến nợ chéo giữa các doanh nghiệp, làm tăng nợ xấu cho ngân hàng. Có loại nợ xấu xuất phát từ việc tái cơ cấu lại đầu tư công, nhiều địa phương không có tiền để trả nợ khối lượng doanh nghiệp đã làm nên để nợ dây chuyền cho những doanh nghiệp vật liệu xây dựng... không gỡ được. 

 

Vấn đề thứ ba, liên quan đến vốn đầu tư năm 2015. Qua nghiên cứu dự toán chi ngân sách năm 2015, tôi thấy việc phân bổ vốn xây dựng cơ bản năm 2015 có điểm chưa thỏa đáng. Vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách thấp hẳn so với mức bội chi ngân sách, và tổng hợp cả nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ thì tỉ lệ so với tổng chi ngân sách thấp hơn năm nay. Tôi đề nghị từ nguồn tăng thu năm 2014 và nguồn trái phiếu Chính phủ, bổ sung thêm khoảng 15.000 tỉ đồng xây dựng cơ bản so với vốn xây dựng cơ bản trình Quốc hội, để tiệm cận mức bội chi và ngang bằng với tỉ lệ chi xây dựng cơ bản năm 2014; đồng thời, để có nguồn thúc đẩy cho một số công trình trọng điểm quốc gia sớm hoàn thành, hỗ trợ trả nợ đọng và thúc đẩy các công trình địa phương hoàn thành trong năm 2015. Tôi xin nói thêm, ngay ở tỉnh Phú Yên, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô được Chính phủ cho khởi công, một số dự án ngoài hàng rào được Thủ tướng Chính phủ kết luận từ cuối năm 2012 nhưng đến nay cũng cơ bản chưa bố trí được vốn để triển khai. Chúng ta muốn có nguồn thu lớn cho quốc gia từ một dự án đầu tư FDI mấy năm nữa mà không có đầu tư xứng đáng ngoài hàng rào thì làm sao có được. 

 

Nhân đây tôi bày tỏ luôn chính kiến của tôi về việc ủng hộ sân bay Long Thành. Muốn tạo một sự phát triển năng động, nhất định từ bây giờ chúng ta phải tính toán cơ hội đầu tư. Tôi xin bày tỏ sự ủng hộ đó.

 

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt

 

ĐÀO TẤN LỘC

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek