Thứ Năm, 09/05/2024 16:21 CH
Khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập (kỳ 3)
Thứ Sáu, 01/03/2024 21:31 CH

Kỳ 3: Cần giải pháp đồng bộ khắc phục hạn chế để phát triển bền vững du lịch xanh

 

Thông qua bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bằng việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng; đồng thời khai thác giá trị đa dạng sinh học và tài nguyên hệ thực vật, cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch, nhờ đó số lượt du khách năm sau cao hơn năm trước từ 50 -55%.

 

Kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (trong đó có lĩnh vực du lịch) được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của ngành Du lịch, cũng như ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Công tác quản lý, bảo đảm môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực với du lịch ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ du khách có ý thức, trách nhiệm ngày càng cao về đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội ở các địa bàn du lịch, góp phần phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững.

 

Thác Vực Hòm ở thôn Vĩnh Xuân (xã An Lĩnh, huyện Tuy An) là một thác nước hoang sơ tuyệt đẹp, nép mình bên những cột đá bazan hình dáng như gành Đá Đĩa. Đây là một điểm tham quan thu hút du khách. Ảnh: LÊ MINH

 

Một số hạn chế nhất định

 

Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, như: Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư du lịch để đăng ký đầu tư nhưng triển khai dự án chậm tiến độ, kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất đai; một số hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn manh mún, trùng lắp, tính kết nối, liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp, cơ sở du lịch ở trong tỉnh, nội vùng và cả nước chưa chặt chẽ, có tính dài hạn; chất lượng phục vụ du khách còn hạn chế; chưa tạo nhiều sản phẩm du lịch mang tính đột phá, khác biệt tầm quốc gia và quốc tế; hạ tầng dịch vụ du lịch còn có những hạn chế nhất định.

 

Cơ sở hạ tầng du lịch tuy có nhiều cố gắng, nhưng đến nay toàn tỉnh chỉ có 1 khách sạn 5 sao và 5 khách sạn 3-4 sao, chưa có những trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc gia, quốc tế mang tính chuyên nghiệp cao với quy mô 1.000 -1.200 chỗ ngồi để tổ chức các chuỗi sự kiện đa ngành nhằm phát huy thế mạnh du lịch hội nghị, hội thảo. Chưa có những khu du lịch sinh thái đẳng cấp để giữ chân du khách dài ngày…

 

Du khách đến Phú Yên ngày càng tăng từ 50 -55%/ năm so với năm trước, đây là con số rất lý tưởng trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên du khách quốc tế quá khiêm tốn so với tổng lượng du khách, năm 2023 Phú Yên đón khoảng 15.000 lượt khách quốc tế (chiếm 0,59%) , do đó tổng doanh thu ngành Du lịch Phú Yên chưa tương xứng với tiềm năng du lịch so với một số địa phương khác là thực tế.

 

Số lượng doanh nghiệp lữ hành còn quá khiêm tốn, đến nay trên toàn địa bàn tỉnh Phú Yên chỉ có 430 cơ sở lưu trú với tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 7.400 buồng, trong đó có khoảng 600 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao và đa số doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, chưa có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

 

Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch chưa đáp ứng yêu cầu du lịch xanh và hội nhập trong tương lai. Tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.700 người, lao động gián tiếp khoảng 13.400 người, trong đó trình độ trên đại học chiếm 0,38%; đại học, cao đẳng chiếm 30,2%; trung cấp chuyên nghiệp chiếm 22,5%; sơ cấp chiếm 17,52%; số lao động được đào tạo tại chỗ và học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn chiếm 29,4%.

 

Bức ảnh “bản đồ Việt Nam” chụp từ Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Ảnh: HUỲNH LÊ VIỄN DUY

 

Là địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể (185) và danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử (84), trong đó nghệ thuật bài chòi chung với Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận, song đến nay chưa có sở hữu riêng di sản văn hóa, di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận, do đó chưa có cơ hội khai thác tiềm năng du lịch xanh đột phá.

 

Đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch xanh

 

Để đạt được các mục tiêu đề ra cho ngành Du lịch Phú Yên trong thời gian tới, tiếp tục xác định là ngành kinh tế thành động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác, bên cạnh các định hướng phát triển du lịch, trong thời gian tới cần tích hợp hệ thống các giải pháp đồng bộ, thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả trong các lĩnh vực quản lý quy hoạch, đầu tư, xúc tiến quảng bá, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch....

 

Triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành Du lịch

 

Cần có giải pháp đồng bộ triển khai ngay Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.

 

Đường ven biển ở TX Đông Hòa mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư phát triển du lịch và kinh tế biển. Ảnh: LÊ MINH

 

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trong đó có lĩnh vực du lịch chất lượng cao.

 

Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn trong không gian phát triển; Quy hoạch các điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trên địa bàn toàn tỉnh để thu hút các dự án du lịch có sản phẩm du lịch mới; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư khai thác du lịch có tính bứt phá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đạt mục tiêu đề ra, trong đó có ngành du lịch như kỳ vọng.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về du lịch và mở rộng tìm kiếm thị trường

 

Tỉnh cần có giải pháp đồng bộ triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch thương mại đầu tư cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đối với thị trường trong nước và quốc tế; quảng bá những nét riêng của du lịch Phú Yên để thu hút du khách.

 

Có giải pháp đồng bộ quảng bá hình ảnh văn hóa, phong cách con người Phú Yên: “Chân tình, Nhân hậu, Mến khách” với nội dung và phương thức hấp dẫn, ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước, tạo bước đột phá phát triển du lịch xanh trong tương lai. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên có thể tổ chức một hội thảo khoa học về phong cách con người Phú Yên, từ đó tạo nét riêng phát triển du lịch từ văn hóa con người Phú Yên.

 

Phối hợp các ngành kinh tế, kỹ thuật có liên quan để khai thác giá trị tổng hợp ngành du lịch 

 

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành và xã hội hóa cao, vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan dưới sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; Lồng ghép các nội dung theo quy hoạch tỉnh về dự án chuyên ngành có liên quan như quy hoạch giao thông, phát triển đô thị, bảo tồn và phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch canh nông... nhằm khai thác giá trị tổng hợp của ngành du lịch đa chức năng, đa giá trị.

 

Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý ngành Du lịch, triển khai đồng bộ du lịch thông minh, đô thị thông minh, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Thành lập Công viên địa chất Phú Yên, hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Thác H’ly hay còn gọi là thác Tây Du Ký thuộc buôn Kít (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) hoang sơ, hùng vĩ. Nước từ trên cao, đổ xuống tung bọt trắng xóa trước khi đổ ra hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh: LÊ MINH

 

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách

 

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch - dịch vụ, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Khai thác thêm các điểm tham quan du lịch đủ điều kiện để có thêm nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ yêu cầu mở rộng không gian phát triển du lịch, hình thành thêm nhiều tour, tuyến trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực.

 

Kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch đặc thù như du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch gắn với văn hóa lịch sử; du lịch tham quan khám phá thiên nhiên ven biển, chinh phục thiên nhiên của núi rừng; du lịch mạo hiểm. Từng bước phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển đột phá theo xu thế thời đại.

 

Phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn với các mặt hàng chủ lực của tỉnh, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất; đồng thời phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm chính: Cây lương thực trọng tâm là cây lúa; rau màu các loại; cây công nghiệp; các loại cây ăn quả; cây dược liệu. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo mô hình OCOP có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm và kích thích chi tiêu của du khách để phát triển du lịch canh nông.

 

Quang cảnh hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch giữa các thành phố Tây Nguyên với TP Tuy Hòa diễn ra tháng 7/2023. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở NN&PTNT cử cán bộ có trình độ hiểu biết về sinh học hoặc du lịch sinh thái sang một số vườn thực vật nổi tiếng trên thế giới để chuyển giao công nghệ nguồn gen mới về trồng tại khu du lịch sinh thái, du lịch canh nông ở các huyện Tây Hòa, Tuy An hoặc cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) mà hiện nay ở Việt Nam chưa có như: cây Gunnera manicata là cây lá lớn nhất thế giới (đường kính lá từ 2,8 -3,3m), cây Amorphophallus Titanum là cây có hoa lớn nhất trên thế giới (hoa cao 2,5m), cây Kigelia Africana là loại cây có quả lớn nhất thế giới (10 kg/quả). Đây là việc làm rất ý nghĩa không tốn nhiều chi phí, không bê tông hóa mà gần gũi với với thiên nhiên, phù hợp với du lịch xanh, nếu thực hiện được việc này sẽ tạo nét đặc trưng riêng có của du lịch Phú Yên, tạo đột phá thu hút du khách đến tham quan những loài thực vật có 1-0-2 ở Việt Nam hiện nay.

 

Về đầu tư­­ phát triển hạ tầng du lịch tương xứng với nhu cầu hội nhập quốc tế  

 

Tập trung đầu t­­ư nguồn vốn ngân sách nhà nư­­ớc theo hư­­ớng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch chất lượng cao; ­ưu tiên đầu tư­­ phát triển kết cấu hạ tầng tại các trọng điểm phát triển du lịch, các khu du lịch tổng hợp, khu du lịch chuyên đề, các điểm du lịch tiềm năng ở các vùng sâu vùng xa. Phát huy tất cả các nguồn lực cả ngân sách và ngoài ngân sách; có giải pháp đồng bộ và hiệu quả thu hút các dự án đầu tư trong nước và ngoài nước cả FDI và ODA nhằm tạo đột phá ngành du lịch trong thời gian tới.

 

Khu khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực ven biển TP Tuy Hòa Sala Grand Tuy Hoa. Ảnh: BẢO QUÝ

 

Huy động các nguồn lực của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, đưa vào khai thác hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ cho yêu cầu liên kết, phát triển tour, tuyến, điểm giữa du lịch của Phú Yên với các địa phương trong khu vực để khai thác mạnh mẽ liên kết vùng trong những năm tới.

 

Tiếp tục đầu tư hạ tầng vào các khu, điểm du lịch. Trang bị hệ thống biển báo hướng dẫn du lịch để thông tin cho khách du lịch và các phương tiện vận chuyển khách. Phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ tiện ích có chất lượng cao, hệ thống chợ trung tâm. Tiếp tục hiện đại hóa và nâng cao chất lượng phục vụ của các dịch vụ viễn thông, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, điện, cấp thoát nước… phù hợp với định hướng phát triển đô thị, đặc biệt là TP Tuy Hòa trở thành thành phố du lịch xanh của cả nước và khu vực. Tiến hành các giải pháp đồng bộ đang hoàn tất thủ tục trình UNESCO công nhận Gành Đá Đĩa là công viên địa chất toàn cầu trong thời gian tới.

 

Có giải pháp đồng bộ phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, khai thác tối ưu du lịch xanh trong tương lai

 

Khẩn trương triển khai Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó chú trọng phát triển đô thị xanh, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ du lịch. Nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và định hướng cho các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng đề án về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về du lịch giữa ngành và địa phương, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý.

 

Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dư­­ới các hình thức khác nhau. Thu hút các nhà đầu tư­­ có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản trị du lịch để tạo các cơ sở hạ tầng du lịch đột phá, thu hút các dự án mới xây dựng các trung tâm hội nghị, hội thảo đẳng cấp có quy mô lớn từ 1.000 -1.200 chỗ ngồi, vận hành có tính chuyên nghiệp, khép kín chuỗi dịch vụ sản phẩm du lịch để đáp ứng các hội thảo quốc gia và quốc tế.

 

Vùng biển ở xã An Hòa Hải, TX Sông Cầu là một trong những nơi thú vị để trải nghiệm cuộc sống của người dân làng chài. Ảnh: LÊ MINH

 

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch

 

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về yêu cầu phát triển kinh tế du lịch. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải có những kế hoạch, giải pháp cụ thể để tác động, hỗ trợ cho du lịch - dịch vụ du lịch phát triển, từ đó du lịch - dịch vụ du lịch tác động trở lại để các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

 

Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa ngành Du lịch và các ngành chức năng trên lĩnh vực quản lý du lịch - dịch vụ nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vừa ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và xây dựng văn hóa giao tiếp, thể hiện sự thân thiện với du khách của lực lượng nhân viên trong các lĩnh vực hải quan, công an, cảng, các phương tiện vận chuyển khách du lịch… thực hiện chủ trương tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn là chính. Từ thực tiễn có giải pháp, chính sách phù hợp để phát triển mạnh loại hình du lịch canh nông; phát triển mạnh du lịch cộng đồng, hướng tới xác định từ 2-3 mô hình du lịch cộng đồng xanh đạt tiêu chí quốc tế để làm hạt nhân lan tỏa trong những năm tới.

 

Phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội

  

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ du lịch, quản lý giá cả để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Vận động Nhân dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị và quản lý tốt các đối tượng xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định của nhà nước trong kinh doanh du lịch. Nghiêm cấm các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đến an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

 

Căn cứ vào dự báo dài hạn phát triển ngành Du lịch trong xu thế hội nhập, cần bố trí thỏa đáng kinh phí cho ngành Du lịch để lập các quy hoạch khu, điểm du lịch mới nhằm kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm mới và tổ chức các cuộc thi nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

 

Trên cơ sở chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, cần khẩn trương tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, đào tạo ngắn hạn về ngôn ngữ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn... để đáp ứng thị trường du khách có tiềm năng. Chủ động và sẵn sàng đón tiếp các đoàn khách quốc tế song song đảm bảo an ninh quốc phòng; quản lý chặt chẽ và tuyệt đối không để hướng dẫn viên nước ngoài đưa khách nước ngoài đến Phú Yên và hướng dẫn viên trực tiếp không hợp tác với các công ty lữ hành trong nước nhằm hạn chế những rủi ro vì thiếu thông tin hiểu về văn hóa lịch sử của địa phương.

 

Hợp tác quốc tế phát triển hạ tầng phục vụ du lịch tương xứng với tiềm năng

 

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và tương lai, Phú Yên ngày càng đón nhiều du khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng, đây là điều đáng quý cho phát triển nhanh và bền vững ngành Du lịch Phú Yên; song các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần cảnh giác, nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng tệ nạn xã hội, ma túy len lõi vào địa phương sẽ gây ảnh hưởng môi trường du lịch và an toàn, an ninh quốc gia.

 

Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông với tuyến đường ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước; các nút giao thông kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tuyến kết nối cảng biển; tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp với tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai) tạo liên kết phát triển vùng.

 

Khai thác giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là một giải pháp hiệu quả để phát triển du lịch xanh trong tương lai ở Phú Yên trong xu thế hội nhập. Việc bảo tồn và khai thác di sản này không chỉ giúp tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy nhận thức về bảo tồn bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở Phú Yên. Thông qua việc tận dụng và bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Phú Yên sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước; đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương trong quá trình phát triển bền vững.

 

T.S PHẠM S

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek