Thứ Năm, 09/05/2024 06:52 SA
Tranh thủ thời cơ để thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội
Thứ Ba, 22/08/2023 07:00 SA

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, tạo đà để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề trên.

 

Đồng chí Tạ Anh Tuấn

* Xin đồng chí đánh giá một số kết quả nổi bật của tỉnh trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và xây dựng chính quyền?

 

- Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay, tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây. Đại dịch COVID-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; xung đột Nga - Ukraine bùng nổ và diễn biến phức tạp; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ diễn ra thường xuyên hơn… Tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, vừa phải tập trung phòng đại dịch COVID-19, vừa phải phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh và các tồn đọng, yếu kém kéo dài từ nhiều năm trước.

 

Trong bối cảnh đó, với ý chí, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong hơn 2 năm qua, Phú Yên đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021-2023, bình quân hằng năm đạt 5,43%; nhất là trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,9%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 3,72%, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Một số vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện; thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

 

* Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn những hạn chế gì cần khắc phục, thưa đồng chí?

 

- Đánh giá tổng thể, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, bức tranh kinh tế của tỉnh chưa có nhiều khởi sắc; quy mô nền kinh tế còn khá nhỏ so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, năm 2022 đứng thứ 11/14 tỉnh, thành phố trong khu vực và đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tốc độ tăng trưởng GRDP còn thấp so với kế hoạch; chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh để tạo bước tăng trưởng đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch. Thu ngân sách còn nhiều khó khăn, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, chưa tạo ra các chuỗi liên kết, sản phẩm mang tính đột phá.

 

Thêm vào đó, công tác bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự, an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân... vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục. Tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính còn rất hạn chế; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

 

Những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó thẳng thắn nhìn nhận thì nhóm nguyên nhân chủ quan là chính. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá, phân tích, chỉ ra các nguyên nhân, tồn tại của một số lĩnh vực. Vì vậy, các cấp, ngành phải khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra.

 

Các đồng chí: Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và UBND TP Tuy Hòa kiểm tra một số dự án trên địa bàn TP Tuy Hòa. Ảnh: THANH HUY

 

* Thưa đồng chí, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp gì để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra?

 

- Dự báo tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, tôi yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, trước hết là người đứng đầu cần tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nửa cuối của nhiệm kỳ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cùng với quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040; các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; đồng thời tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án ngoài ngân sách.

 

 

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi; quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và công tác quản lý giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng và triển khai chương trình cải cách hành chính một cách tổng thể, bài bản, khoa học, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

UBND tỉnh sẽ xây dựng đề án tổng thể sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ công chức các sở, ban ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và kiên quyết chấn chỉnh tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường kiểm tra công vụ, xử lý, điều chuyển các trường hợp vi phạm.

 

Với những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm tích lũy được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa để nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

 

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

HÀ MY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek