Thứ Sáu, 03/05/2024 04:48 SA
Thi tốt nghiệp THPT 2014:
Đã đổi mới, nhưng cần toàn diện hơn
Thứ Tư, 11/06/2014 14:00 CH

Thí sinh làm bài thi môn Tiếng Anh tại Hội đồng thi Trường phổ thông tư thục Duy Tân - Ảnh: H.MY

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa kết thúc trong an toàn, nghiêm túc, cho thấy sự cố gắng lớn của ngành Giáo dục trong việc chung tay đổi mới, giảm áp lực thi cử. Tuy nhiên, vì là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tiến hành cải cách mạnh mẽ từ khâu ra đề đến khâu tổ chức nên vẫn còn nhiều vấn đề suy ngẫm.

 

TÍCH HỢP NHIỀU GIẢI PHÁP

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là kỳ thi đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện. Ưu điểm lớn nhất của kỳ thi là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giúp các em có những sự lựa chọn tốt để tự tin ứng thí. Trong đó, việc rút số môn thi xuống 4 môn và giảm thời gian làm bài môn Toán và Ngữ văn xuống còn 120 phút là một sự đổi mới hiệu quả, phù hợp với năng lực cũng như trình độ của học sinh phổ thông.

 

Cách ra đề thi năm nay cũng được đánh giá bám sát chương trình và kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa hiện hành. Cách ra đề một số môn thi tự luận như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cũng được cải tiến, với những câu hỏi mở, cập nhật những vấn đề thời sự diễn ra trong nước và khu vực, liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

 

Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên), cách ra đề thi năm nay đã tạo sự hứng thú cho thí sinh trong quá trình làm bài, vì nhiều năm qua, đề thi các môn xã hội, nhất là môn Lịch sử thường nặng về trình bày kiến thức, con số, sự kiện - là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh dù yêu thích Lịch sử vẫn ngại thi môn này. “Cách thức ra đề thi năm nay đã hạn chế tình trạng học sinh học lệch, học tủ và đưa tài liệu vào phòng thi để quay cóp. Ngoài ra, đề thi mở cũng đã góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy, phát huy tinh thần học để hiểu của học sinh”, ông Luyện chia sẻ.

 

Còn cô Đặng Thị Xuân Hương, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, bày tỏ: “Qua 2 ngày chấm thi, tôi đã đọc nhiều bài thi, trong đó thí sinh nêu lên được những hiểu biết của mình về biển đảo, thể hiện thái độ lên án các hành động sai trái của Trung Quốc trên biển Đông và bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình trước vận nước lâm nguy. Điều này cho thấy đề thi các môn xã hội đã tạo được những “làn gió mới”, khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

 

Mặc dù đây là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ thi 4 môn, nhưng thực tế các hội đồng thi phải làm việc đến 8 môn với 8 ca thi, diễn ra liên tục trong 2 ngày rưỡi. Vì vậy, việc điều hành hội đồng, tổ chức giám thị như thế nào cho đúng với quy định đã khiến cho không ít chủ tịch hội đồng phải đau đầu. Thầy Lê Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) cho biết: “Các kỳ thi trước đây, thí sinh chỉ ổn định 1 phòng thi trong cả 3 ngày thi, còn năm nay do thi tự chọn nên thí sinh phải đến các phòng thi khác nhau. Vì vậy, chủ tịch hội đồng thi phải làm việc vất vả hơn, từ việc sắp xếp phòng thi, phân công giám thị sao cho hợp lý đến việc tổ chức 2 ca thi trong 1 buổi sao cho an toàn, kịp thời gian…”.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh có bố trí chỗ nghỉ ngơi cho thí sinh trong thời gian chờ thi môn tiếp theo, 30 hội đồng thi còn lại đều không có địa điểm để tập kết thí sinh nghỉ ngơi, chờ vào thi ca 2. Vì vậy, thí sinh buộc phải đứng chờ ngoài đường dưới cái nắng như đổ lửa của tiết trời tháng 6. “Có 3 buổi thi kết thúc khá muộn, vào lúc 17 giờ 30 và 11 giờ 40. Điều này làm tăng cường độ thời gian coi thi trong ngày, khiến cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi mệt mỏi. Thêm vào đó là khoảng cách đợi giữa 2 ca thi hơn 1 giờ đồng hồ, gây lãng phí thời gian của hội đồng thi. Các môn thi buổi sáng 8 giờ mới diễn ra, trong khi thời tiết mùa này oi bức, ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của các thí sinh”. Đó là những hạn chế mà Chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh Nguyễn Chí Sanh chia sẻ.

 

Theo ông Dương Chí Tâm, Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT Phú Yên), kinh phí phục vụ thi năm nay tăng hơn do phải in ấn, photo ấn phẩm, danh sách thi và bố trí giám thị cho 8 môn thi. Ở một số môn thi như: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Sinh học có tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi ít, thậm chí có hội đồng chỉ có vài thí sinh nhưng vẫn phải tổ chức 1 phòng thi với đầy đủ thành viên gồm lãnh đạo hội đồng thi, cán bộ coi thi trong và ngoài phòng thi, công an bảo vệ thi.

 

Ngoài ra, số lượng thí sinh dự thi các môn tự chọn cũng là một điều rất đáng phải suy nghĩ. Môn Lịch sử chỉ có 718/10.447 dự thi, ít nhất trong 6 môn tự chọn. Đặc biệt, môn Tiếng Anh có 4 hội đồng thi không có thí sinh dự thi và 12 hội đồng thi chỉ có 1 phòng thi với số lượng thí sinh dưới 28 em/phòng. Những “con số biết nói” này không thể không suy ngẫm, dù khi tổ chức cho học sinh chọn môn, Bộ GD-ĐT đã lường trước tình huống này.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek