Thứ Bảy, 14/09/2024 21:45 CH
Người có công khai phá tổng Hòa Lộc
Chủ Nhật, 02/06/2024 05:54 SA

Lãnh đạo Sở VHTT&DL trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Lê Trung Lập cho lãnh đạo huyện Tây Hòa và xã Hòa Tân Tây. Ảnh: PHONG NHÃ

Đó là ông Lê Trung Lập ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ông là người đã xuất tiền nhà, chiêu mộ và tổ chức dân chúng khai khẩn đất hoang dọc theo dãy núi Đèo Cả, hình thành nhiều điểm dân cư và mở mang diện tích canh tác ở vùng đồng bằng Tuy Hòa.

 

Nhà thờ ông đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, là chứng tích vật chất liên quan đến cuộc đời ông.

 

Tạo cơ nghiệp từ những vùng đất hoang

 

Theo gia phả tộc Lê (Phú Khánh - Hội Cư), ông Lê Trung Lập lúc nhỏ có tên là Lê Trung Vĩnh, sinh năm Giáp Thìn 1844, tại thôn Hội Cư, tổng Hòa Lạc, huyện Tuy Hòa (nay là thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa).

 

Xuất thân trong một gia tộc có nền tảng kinh tế khá vững chắc, thời trẻ, ông học chữ Nho nhưng không theo con đường khoa cử, mà tạo lập cơ nghiệp bằng việc khai khẩn đất đai, phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho những người nghèo khổ ổn định cuộc sống.

 

Năm Tự Đức thứ 36 (1883), ông Lê Trung Lập được quan Bố chính Phú Yên cấp bằng Quản mộ. Ông tự xuất tiền nhà, chiêu mộ và tổ chức dân chúng, phần lớn là những người không có đất đai, sản nghiệp, lưu dân phiêu bạt từ nhiều phương, tiến hành khai khẩn những vùng đất dọc theo dãy núi phía Nam của phủ Tuy Hòa (tức dãy Đèo Cả).

 

Nhờ uy tín và khả năng quy tụ người dân, biện pháp tổ chức khẩn hoang có hiệu quả của ông cùng các chính sách khuyến khích, nên việc khẩn hoang được xúc tiến mạnh mẽ. Những vùng đất hoang vu dần trở thành những khu vực sản xuất hoa màu, đồng ruộng trù phú.

 

Cùng với hoạt động khẩn hoang, công tác thủy lợi cũng được ông chú trọng, đặc biệt là những công trình thủy lợi lớn. Những đập ngăn sông suối để đưa nước vào đồng ruộng trong mùa nắng hạn như: Suối Lạnh, Bầu Đá, Đồng Lau, Đồng Tranh, Bà Phó… đã ra đời. Sản xuất ổn định, những xóm làng mới được hình thành ven chân núi, đời sống người dân ngày càng sung túc.

 

Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), tổng Tuy Lộc được thành lập, ông Lê Trung Lập được bổ nhiệm làm chánh tổng. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), tổng Tuy Lộc đổi tên thành tổng Hòa Lộc gồm 8 thôn: Mỹ Thành, Mỹ Điền, Mỹ Lâm, Mỹ Cảnh, Mỹ Tường, Mỹ Định, Đa Nông, Tuy Đa.

 

Hòa Lộc là một trong bảy tổng của phủ Tuy Hòa lúc bấy giờ, được thành lập sau các tổng Hòa Đa, Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc và trước các tổng Hòa Tường, Hòa Đồng. Người dân địa phương quen gọi tổng Hòa Lộc là tổng Mộ. Vì tên gọi này nói lên đặc điểm của một tổng có lịch sử hình thành từ quá trình mộ dân khẩn hoang.

 

Cũng trong năm 1899, ông Lê Trung Lập thiết lập thêm một thôn mới là Hội Khánh, nhập vào tổng Hòa Lạc và đưa gia đình về đây sinh sống, phát triển thêm một chi phái họ Lê ở thôn này. Sau đó Hội Khánh sáp nhập với các thôn Phú Quý, Phú Lạc lấy tên là Phú Khánh.

 

Đây chính là thôn Phú Khánh ở xã Hòa Tân Tây hiện nay. Ông Lê Trung Lập làm chánh tổng trong 6 năm, đến năm Thành Thái thứ 13 (1901), ông xin nghỉ vì tuổi cao.

 

Để ghi nhận và biểu dương người có công trong việc thực hiện chính sách khẩn hoang, năm Khải Định thứ 4 (1919), ông Lê Trung Lập được triều đình thưởng thụ Chánh Bát phẩm văn giai (một trong chín bậc phẩm trong quan chế Cửu phẩm quan giai dưới triều nhà Nguyễn, tính từ nhất phẩm đến cửu phẩm).

 

Một người con của ông là Lê Phụng Các cũng được phong tặng Chánh Cửu phẩm văn giai. Ngày 14/7/1919 (tức năm Kỷ Mùi), ông qua đời. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924), ông được triều đình ban sắc phong Khai canh chi thần.

 

Sau khi qua đời, ông Lê Trung Lập được người dân tổng Hòa Lộc suy tôn là tiền hiền và thờ cúng tại các đình làng ở địa phương. Ngoài ra, ông Lê Trung Lập còn được con cháu tộc họ lập nhà thờ tại khu đất trước đây là nhà ở của gia đình ông.

 

Trải qua nhiều biến cố nhưng những di vật và vật dụng trong nhà thờ vẫn được lưu giữ cho đến nay. Đây là nguồn tư liệu rất quan trọng, làm cơ sở để tìm hiểu về nhân vật Lê Trung Lập và quá trình khai phá, thành lập tổng Hòa Lộc thời bấy giờ.

 

Nơi giáo dục truyền thống

 

 

Những di vật lưu giữ trong nhà thờ Lê Trung Lập được hậu duệ của ông giới thiệu với khách tham quan. Ảnh: TRÍ DƯƠNG

 

 

Ông Lê Trung Lý, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, một hậu duệ của cụ Lê Trung Lập cho biết: “Nhà thờ Lê Trung Lập được chính quyền công nhận di tích cấp tỉnh là vinh hạnh cho gia đình, dòng họ, tổ tiên vì đã có công đóng góp cho đất nước. Điều đó thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.

 

Đây cũng là nơi để hậu duệ họ Lê phụng sự tổ tiên, tổ chức các sinh hoạt văn hóa trong họ tộc, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho con cháu và các tầng lớp nhân dân. Mong rằng, con cháu họ Lê cũng như các tộc họ khác lấy ông làm gương, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

 

Còn theo hậu duệ Lê Huỳnh Bá, việc giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Lê Trung Lập là một hình thức giáo dục truyền thống hiệu quả cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh trên địa bàn xã Hòa Tân Tây và huyện Tây Hòa. Khi lý thuyết gắn với thực tiễn sẽ tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các cháu biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn..

 

“Em rất tự hào khi trên quê hương mình có một nhân vật như ông Lê Trung Lập. Thông qua di tích lịch sử văn hóa này, chúng em được bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương. Em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này có những việc làm thiết thực, góp phần gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương mình”, em Nguyễn Thị Mỹ Như, học sinh Trường THCS Phạm Đình Quy, xã Hòa Tân Tây thổ lộ.

 

Khẳng định nhà thờ Lê Trung Lập có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và là một địa chỉ đỏ phát triển du lịch trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Phan Công Trinh cho biết huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã Hòa Tân Tây, đặc biệt là tộc họ Lê thôn Phú Khánh - Hội Cư vận dụng các biện pháp bảo vệ nguyên trạng khuôn viên di tích; từng bước trùng tu, tôn tạo, phục hồi nhằm đảm bảo tính bền vững của di tích.

 

Trong đó chú trọng gìn giữ những cổ vật có giá trị còn được lưu giữ, nhất là các sắc phong và các văn bản Hán Nôm liên quan đến cuộc đời ông Lê Trung Lập; gìn giữ, tôn tạo cảnh quan môi trường di tích đảm bảo xanh, sạch, đẹp, trang nghiêm…

 

Phú Yên có 119 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có di tích nhà thờ Lê Trung Lập. Đây là một trong những tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển du lịch về nguồn; nguồn tư liệu vô giá để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ. Việc tu bổ, tôn tạo và khai thác các tiềm năng lợi thế của di tích này và các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch góp phần quan trọng để thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thái

 

 PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek