Thứ Năm, 12/09/2024 13:37 CH
Phải lòng đất phú trời yên
Thứ Năm, 08/02/2024 13:00 CH

Mỗi lần quay lại Phú Yên là mỗi lần tôi cảm nhận rõ những đổi thay. Có được Phú Yên hôm nay là biết bao công sức như biển trời của bao thế hệ cán bộ, người dân Phú Yên chung tay tạo dựng.

 

Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên là điểm hẹn của những người yêu thơ, trên núi Nhạn. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Chớm chạm ngõ Phú Yên

 

Trong ký ức thơ dại ngày tôi ở Ðà Nẵng trước năm 1975 thì Phú Yên là vùng đất xa xôi ở miền Trung, nếu đi xe đò Phi Long, Tiến Lực như các chú lớn tuổi trong xóm thường nói, phải mất mấy ngày đường.

 

Ðược học trong sách vở lúc đó, tôi biết Phú Yên có con sông Ba (còn gọi là sông Ðà Rằng) đổ ra cửa biển ở Tuy Hòa, có cầu Ðà Rằng dài nhất miền Nam lúc ấy; có đồng bằng ven biển lớn nhất miền Trung còn gọi là vựa lúa Tuy Hòa.

 

Năm 1980, ba mạ đưa anh em chúng tôi rời quê hương Quảng Trị, vào đất Tây Nguyên. Lần đầu tiên tôi biết mình đã đến gần được đất Phú Yên khi con tàu vào ga Diêu Trì của Bình Ðịnh, từ đây chỉ vài chục cây số thôi, qua đèo Cù Mông là đã đến đất Phú Yên, song cũng là lần đầu tiên tôi chưa thể đến. Con tàu đưa gia đình tôi đến ga Quy Nhơn để từ đây, lên xe đò, ra quốc lộ 19, qua đèo An Khê, Mang Yang lên Pleiku, từ đây theo quốc lộ 14 về Buôn Ma Thuột, bắt đầu một cuộc sống mới…

 

Thuở đó, Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, tỉnh lỵ là TP Nha Trang. Từ Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang theo quốc lộ 26 khá thuận tiện, khoảng cách hơn 180km; qua khỏi đèo Phượng Hoàng là đến Ninh Hòa, chạy hơn 30km, qua đèo Rù Rì là tới TP Nha Trang.

 

Thông thương chủ yếu giữa hai nơi là đến Nha Trang rồi quay về, ít khi ngược quốc lộ 1 để ra Phú Yên cách Nha Trang gần 120km. Nhưng nhiều người Buôn Ma Thuột đi tàu về miền Trung, miền Bắc thì đều phải đi xe xuống ga Nha Trang, từ đó tàu đi qua địa phận Phú Yên rồi ngược ra Trung, ra Bắc. Ai cũng nói Phú Yên cảnh đẹp lắm.

 

Nghe người đã đi qua tả rằng đường sắt ôm theo bờ biển, ngồi trên tàu nhìn xuống khung cảnh đẹp như tranh, trời cao, biển xanh ngắt, cát trắng mịn, hàng cây ven biển xanh rì…, đám thanh niên mới lớn chúng tôi cứ thầm ước ao được sớm vào đời, bay nhảy để có dịp đến những vùng đất mới của đất nước mình…

 

Sâu nặng tình người

 

Vậy mà phải 13 năm sau lần chớm chạm ngõ Phú Yên rồi phải vòng lên đất Tây Nguyên, năm 1993, tôi mới lần đầu đặt chân lên đất Phú Yên. Tôi nghĩ là một cơ duyên, hẳn vậy. Lúc này Phú Yên đã tái lập được 4 năm, tỉnh còn nghèo, phố xá tỉnh lỵ Tuy Hòa nhỏ hẹp, cũ kỹ, chưa mở mang đô thị hóa, lại bị cơn lũ lịch sử năm đó tràn qua gây hậu quả nặng nề.

 

Chị Lương Thị Thuận, Trưởng ban Thi đua - Chính sách LÐLÐ TP Hồ Chí Minh lúc ấy, là một người con của Phú Yên, dẫn đầu đoàn của LÐLÐ TP Hồ Chí Minh ra cứu trợ đồng bào. Lũ đã đi qua, song để lại những dấu tích kinh hoàng: Ven quốc lộ, còn những cọng rơm vắt trên dây điện; những bức tường cao của công sở ở Tuy Hòa còn dấu bùn non.

 

Thắng cảnh Gành Ðá Ðĩa. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Và hai bên bờ sông Ba, cỏ cây xơ xác, cành đa cổ thụ ở Sơn Giang (Sông Hinh), Sơn Hòa vẫn còn những bụi lau khô vướng lại, chứng tỏ lúc cơn lũ tràn về, ngập cả một vùng bao la, nhiều nơi chìm trong lũ dữ… Ðoàn đến cứu trợ cho dân bằng tất cả tình nghĩa đồng bào thân thương, đùm bọc… Lũ đã qua, song từ đôi bờ nhìn xuống, dòng sông Ba vẫn cuồn cuộn, đỏ ngầu…

 

Ðêm đầu ở Tuy Hòa, tôi phải lòng đất và người nơi đây, bắt đầu từ ly cà phê. Ðến lúc ấy, gần như tôi đã là dân Buôn Ma Thuột, xứ sở cà phê, song phải nói ngay rằng cà phê Tuy Hòa rất ngon, chủ quán nói mối cà phê từ cao nguyên đưa về, ly cà phê đậm đà, thơm phức.

 

Lần đầu tiên tôi mới biết Phú Yên không có khái niệm cà phê đá, cứ khách gọi cà phê là đưa ra cho khách ly cà phê pha phin kèm theo cái chén nhỏ đựng đá, khách uống bao nhiêu thì cho đá vào, tùy ý…

 

Lần đầu tiên tôi biết đến những địa danh nổi tiếng của Phú Yên: đập Ðồng Cam, Tuy An, Củng Sơn… Ðập Ðồng Cam - công trình thủy lợi nổi tiếng của miền Trung - dài 688m nối hai bờ, hai con kênh dẫn nước tưới cho đồng bằng Tuy Hòa màu mỡ.

 

Buổi chiều về đứng trên cầu Ðà Rằng nhìn về một bên đồng lúa xanh, một bên biển ầm ào sóng vỗ, cứ thầm mong sẽ có dịp trở lại nơi này nhiều hơn… Ðêm ở trụ sở LÐLÐ tỉnh, giấc ngủ đến với các thành viên trong đoàn thật ngon trong tiếng sóng vỗ về.

 

Cảnh đẹp, người tài

 

Chia tay Phú Yên đầy bịn rịn. Quê hương miền Trung còn nghèo nhưng rất giàu tình nghĩa, về đến Sài Gòn nhiều tháng sau chúng tôi còn được chị Mai, cán bộ LÐLÐ tỉnh gửi quà là những chai nước mắm thật ngon, nhận quà mà rưng rưng xúc động.

 

Kéo thuyền. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Rồi thời gian trôi, Phú Yên ngày càng thay da đổi thịt, trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh của cả nước, đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, du lịch, dịch vụ gặt hái nhiều kết quả.

 

Các khu công nghiệp mở ra, sân bay Ðông Tác đi vào khai thác, Phú Yên gần lại với cả nước, những bản thành tích hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhắc nhiều đến Phú Yên.

 

Tôi có dịp trở lại Phú Yên vào mấy năm sau đó, hầu như đi hết nhiều vùng của tỉnh, nên sau này khi đọc quyển hồi ký của nhà thơ - nhạc sĩ nổi tiếng Trương Tuyết Mai, một người con tài hoa của đất Phú Yên, một người chị thân thương - tôi hình dung rất rõ khung cảnh theo từng dòng hồi ký của chị, tuổi thơ trong trẻo của chị, những thị trấn ven đường tàu hỏa, bờ bãi ven sông của huyện Ðồng Xuân, của TX Sông Cầu ngày nay…

 

Ðến khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gây tiếng vang trong dư luận, Phú Yên trở thành địa danh du lịch nổi tiếng cả nước, cơ quan tôi tổ chức sinh hoạt tập thể tại xứ sở này. Chúng tôi đến các địa danh nổi tiếng của huyện Tuy An: nhà thờ Mằng Lăng, gành Ðá Ðĩa, đầm Ô Loan. Chúng tôi về với biển Vũng Rô - Ðại Lãnh, lên hải đăng Mũi Ðiện ngắm biển trời mênh mang, cảnh đẹp vô ngần. Một buổi chiều vẫn chưa đủ để nghe những câu chuyện của một thời, để lưu lại những hình ảnh đẹp cho nhau bên những dấu tích và cảnh đẹp như trong mơ mới có…

 

Những năm sau này, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều đợt thực tế sáng tác tại Phú Yên - vùng đất hoa vàng cỏ xanh.

 

Bình minh trên đầm Ô Loan. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Tiếng thơ hào sảng trên núi thiêng

 

Nhiều nhà văn nổi tiếng của đất Phú Yên sống tại tỉnh nhà, cùng những nhà văn của đất Phú Yên sống tại TP Hồ Chí Minh luôn giữ quan hệ gắn bó với quê hương nên thường xuyên gặp nhau sinh hoạt văn chương, nhất là những dịp Nguyên tiêu, ngày thơ Việt Nam tổ chức trên núi Nhạn.

 

Không nơi nào khác ngoài Phú Yên là nơi khởi nguồn cho những đêm thơ Nguyên tiêu để sau này trở thành truyền thống đẹp của giới văn chương nước nhà, nhiều địa phương tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu mỗi dịp xuân về. Có thể nói núi Nhạn là một trong những địa điểm tuyệt vời nhất nước để tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu.

 

Trên sân khấu bên tháp cổ, trăng sáng vằng vặc, soi xuống dòng sông, bờ biển, những lời thơ vang lên, lắng đọng hồn người. Nghe như hồn núi sông ngưng tụ, tiếng thơ hào sảng, âm vang. Thơ bay xa, thơ ở lại với tâm thức người yêu thơ, người Việt cùng thơ sống chan hòa…

 

Nhóm nhà văn TP Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An).  Từ trái sang: Nhà văn Cao Chiến, nhà thơ Nguyên Hùng và nhà thơ Bùi Phan Thảo. Ảnh: CTV

 

Mỗi lần quay lại Phú Yên là mỗi lần tôi cảm nhận rõ những đổi thay. Quốc lộ 25, nối vùng đất Tây Nguyên với Phú Yên qua những xóm làng trù phú, những thị trấn, thị tứ đông vui của huyện Sơn Hòa, Phú Hòa.

 

Trên quốc lộ 1, xe sắp qua hết địa phận huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa là vào hầm Ðèo Cả để đến TX Ðông Hòa. Những cung đường ven biển đẹp đến sững sờ. Tuy Hòa phố xá ngày càng mở rộng, nhiều công trình bề thế, nguy nga, ra dáng một thành phố đẹp bên bờ biển Ðông.

 

Mới đây, tháp Nghinh Phong nơi quảng trường lộng gió trở thành một điểm nhấn cảnh quan của thành phố, cùng những nét đẹp của thiên nhiên, của lòng người, níu chân du khách ở lại xứ sở hoa vàng cỏ xanh…

 

Có được Phú Yên hôm nay là biết bao công sức như biển trời của bao thế hệ cán bộ, người dân Phú Yên chung tay tạo dựng. Một Phú Yên mạnh giàu, từ vùng cao đến đồng bằng, non xanh nước biếc. Người Phú Yên lành hiền, hiếu khách.

 

Vượt qua bao nhiêu gian khó, thiên tai, người Phú Yên tự hào về vùng đất quê hương sản sinh rất nhiều nhân tài cho đất nước. Tôi luôn tin rằng nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền của cả nước cũng sẽ là nơi phát triển nhanh và bền vững, như đã từng. Tôi biết mình sẽ luôn trở về đất Phú trời Yên với rất nhiều thân thương, trân quý nghĩa tình.

 

BÙI PHAN THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek