Thứ Tư, 16/10/2024 11:35 SA
Huyền thoại bến Vũng Rô và những chuyến tàu Không số
Thứ Bảy, 26/11/2022 07:06 SA

Anh hùng LLVT Nhân dân Đặng Phi Thưởng (bìa phải) và Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh (giữa) trong lần thăm khu di tích Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: CTV

Cách đây 58 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước sang giai đoạn ác liệt nhất, những con tàu Không số từ miền Bắc vượt qua nghìn trùng hiểm nguy, cập bến Vũng Rô mang theo hàng trăm tấn khí tài chi viện cho chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng ở Phú Yên và Liên khu 5 phát triển mạnh, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

 

Những chuyến tàu Không số và bến Vũng Rô mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Phú Yên cũng như của cả dân tộc ta.

 

Bến tàu trong lòng dân Phú Yên

 

Tháng 5/1964, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm chọn bến bãi sẵn sàng tiếp nhận khí tài chi viện từ miền Bắc vào bằng đường biển. Đây là niềm vui lớn, nguyện vọng thiết tha của quân dân Phú Yên nói riêng và cả Liên khu 5 nói chung. Tháng 7/1964, Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam (thuộc Khu 5) tổ chức hội nghị liên tịch ở Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1) để chọn bến bãi đón tàu tiếp nhận khí tài. Sau khi xem xét, bàn bạc, đánh giá các yếu tố, hội nghị thống nhất quyết định chọn Vũng Rô làm bến đón tàu vào, vì đây là địa điểm hội tụ được các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Hội nghị quyết định thành lập Ban Chỉ huy bến Vũng Rô, do Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Ủy viên Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 - Trần Suyền phụ trách.

 

Bến Vũng Rô nằm ngay dưới chân đèo Cả, phía đông quốc lộ 1, là bến nước sâu, êm sóng có nhiều hang, gộp đá có thể làm nơi cất giấu nhiều loại khí tài, có những tuyến hành lang an toàn từ Vũng Rô đến Hòa Hiệp, Hòa Xuân và lên căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên, căn cứ Liên Tỉnh ủy 3 và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Sau khi chọn được địa điểm và thành lập Ban Chỉ huy bến, các mặt công tác chuẩn bị được xúc tiến khẩn trương, tích cực; tuyển nhân sự từ các tổ chức quân, dân, chính, Đảng; chuẩn bị bãi, hang, gộp, cầu cảng bằng gỗ lắp ráp giảm tối đa thời gian để tránh địch phát hiện. Lực lượng cũng chuẩn bị nhiều phương án đón tàu, đưa hàng xuống bến, đưa lên gộp, chuyển về căn cứ chi tiết, cụ thể; có cả nhiều phương án dự phòng địch phát hiện hoạt động đón tiếp của ta để đối phó kịp thời nhất.

 

Để tạo được thế đưa tàu vào bí mật cập bến, tạo thế giữ, thế đánh bảo vệ lâu dài; sau khi nghiên cứu đánh giá tình hình thực địa, Ban Chỉ huy bến chọn bãi Chính để đưa tàu vào cập bến, điểm đậu của tàu là vũng nước sâu tiếp giáp vách núi phía tây bãi Chính. Nơi đây vừa có địa hình kín đáo vừa khá rộng rãi, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa từ tàu xuống bến, lên gộp mà địch khó phát hiện.

 

Lực lượng bảo vệ bến và bảo vệ hành lang vận chuyển có các trung đội bộ đội địa phương K6, Đại đội 377, các trung đội, tiểu đội du kích tập trung của các xã vùng ven quanh bến. Lực lượng chuyển hàng từ tàu xuống bến đưa vào các hang, gộp là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên được lựa chọn ở các thôn của xã Hòa Hiệp và xã Hòa Xuân với quân số hơn 200 người. Công tác bảo đảm hậu cần một phần do tỉnh, huyện bảo đảm, trưng dụng theo từng chuyến (thời gian 1-2 tuần) và dựa vào sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân dọc hành lang vận chuyển. Mọi công tác chuẩn bị đến đầu tháng 12/1964 đã hoàn chỉnh, chu đáo đến từng chi tiết.

 

Cuối năm 1964, theo đề nghị của Tỉnh ủy Phú Yên, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Đại đội bảo vệ bến Vũng Rô, mật danh K60 do đồng chí Hồ Thanh Bình làm đại đội trưởng, đồng chí Phạm Ân làm chính trị viên. Cùng với các hoạt động chuẩn bị về lực lượng, vật chất, phương án… là sự chuẩn bị về tinh thần cho cán bộ, đảng viên và quần chúng sẵn sàng giúp đỡ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cách mạng, tạo ra tiềm lực thế trận lòng dân hết sức vững chắc.

 

Những chuyến tàu Không số huyền thoại

 

Đêm 28/11/1964, bến Vũng Rô tiếp đón chuyến tàu Không số đầu tiên. Từ chiều, bà con đã được gọi vào khu vực vũng Chùa. Mọi người được dẫn đường băng qua dãy núi dưới chân hòn Vọng Phu và mỏm Đá Bia đến đợi sẵn, không ai biết chuyện gì sẽ diễn ra. Theo kế hoạch, đêm 22/11/1964, tàu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy 18 cán bộ, thủy thủ chở 63 tấn khí tài được lệnh xuất phát từ Hạ Long (Quảng Ninh).

 

Trong hành trình vượt qua giông tố, khi đi ngang qua vùng biển Ðà Nẵng, máy bay trinh sát của giặc Mỹ phát hiện, nghi ngờ, báo vào bờ và lập tức hai tàu tuần tiễu của địch lao ra kèm song song và chĩa thẳng nòng pháo về phía tàu 41. Nhờ ngụy trang tốt, tàu 41 mang biển hiệu 412 treo cờ nước ngoài đã đánh lừa được địch bỏ mục tiêu. Lúc 23 giờ 50 ngày 28/11/1964, tàu 41 cập bến Vũng Rô. Phút gặp gỡ giữa cán bộ, thủy thủ tàu và lực lượng của ta có mặt tại bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui. Tàu chỉ được phép ở lại bến Vũng Rô trong thời gian từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng phải rời bến. Tuy nhiên, do lượng hàng đến 63 tấn, quá lớn so với khả năng bốc xếp nên tàu 41 phải ngụy trang ở lại bến thêm một ngày, 3 giờ sáng ngày hôm sau bốc xếp xong tàu rời bến. Bình minh biển Vũng Rô sóng vẫn bình yên tươi đẹp như chưa có chuyện gì xảy ra.

 

Sau thắng lợi chuyến đầu, tàu 41 tiếp tục vào Vũng Rô hai chuyến nữa. Việc tiếp nhận vũ khí từ các chuyến tàu Không số đã được quân, dân Phú Yên tổ chức chu đáo, chặt chẽ. Từ bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên xung kích, dân công ngày đêm vận chuyển hàng trăm tấn khí tài về hậu cứ và tỏa đi khắp các chiến trường Nam Trung Bộ, trang bị kịp thời cho những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng.

 

Tháng 2/1965, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho tàu C143 do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm phụ trách vận chuyển 60 tấn vũ khí vào Lộ Diêu (Bình Định). Sau nhiều ngày vất vả trong hiểm nguy nhưng không thể đưa tàu vào bến, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định cho tàu vào Vũng Rô. Ngày 15/2/1965, tàu C143 vào bến Vũng Rô, đến gần 4 giờ, toàn bộ hàng mới bốc hết, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng. Sửa chữa xong thì trời sáng, nên tàu C143 đành ở lại, các thủy thủ và du kích chặt cây phủ lên tàu để ngụy trang. Dù vậy, tàu vẫn cứ lù lù như một núi đá nhỏ lạ nhô ra biển. Sáng 16/2/1965, một máy bay của địch từ Quy Nhơn về Nha Trang qua Vũng Rô, tên phi công phát hiện ra “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô”. Ngay lập tức, viên phi công báo cáo về Bộ Chỉ huy Quân đoàn 2 đóng ở Nha Trang. Chỉ ít phút sau, mấy chiếc máy bay các loại của địch đến trinh sát, rồi thả bom xăng xuống “mỏm đá lạ”. Lá ngụy trang cháy hết, lộ ra con tàu nằm trên biển.

 

Phát hiện chính xác mục tiêu, địch lập tức huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh, bộ binh tập trung tấn công Vũng Rô, bắt đầu cuộc chiến không cân sức. Lực lượng của ta gồm thủy thủ tàu C143, bộ binh và dân quân du kích kiên cường đánh trả, nhằm bảo vệ đến cùng số vũ khí từ miền Bắc đưa vào. Bọn địch có ý đồ chiếm tàu C143 và thu vũ khí ta cất giấu, nên chỉ thả bom quanh tàu chứ không phá hủy. Biết ý đồ của địch, Chỉ huy trưởng bến Trần Suyền ra lệnh hủy tàu. Nhưng việc hủy tàu cũng không đơn giản, do sức ép của bom đạn, tàu đã bị nghiêng, các cửa đều đóng chặt, không thể vào được trong khoang.

 

Nhiệm vụ hủy tàu xóa dấu vết được giao cho ông Nguyễn Ngọc Cảnh và Dương Kính, với gói bộc phá 100kg thuốc nổ. Do không thể lên tàu nên ta phải chọn phương pháp ốp bộc phá vào tàu kích nổ. Những mảnh vỡ của con tàu văng lên tận đỉnh núi, nhưng con tàu vẫn chỉ vỡ đôi…

 

Địch tiếp tục điều thêm quân đến, khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt. trước thế địch quá mạnh, quân ta chủ trương phá vòng vây rút lui và hủy số vũ khí còn lại, nhưng vì số lượng khí tài tồn còn quá nhiều, nên không hủy hết. Bọn địch quyết chiếm hang Vàng, bị ta cho nổ tung kho vũ khí khiến nhiều tên bị chết. Sau đó, chúng tổ chức lặn tìm trang bị, vũ khí của ta ở con tàu chìm, tháo dỡ một số bộ phận của tàu mang về Sài Gòn mở triển lãm để rêu rao chiến công thu hồi khí tài do miền Bắc tiếp tế bằng đường biển.

 

Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển vốn được xây dựng kỳ công và bí mật, đã bị lộ nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây cho kẻ địch một phen kinh hoàng. Đại tá Hải quân Mỹ R.Sorhesdley đã viết: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng vũ khí lớn bị phát hiện đã chỉ ra, nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời các loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là, địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”.

 

Thời gian qua đi nhưng chiến công mãi rạng ngời, năm 1986 Vũng Rô đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia và đến năm 2001 bia Di tích bến Vũng Rô, Đài tưởng niệm Vũng Rô hoàn thành, để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc. Vũng Rô và những chuyến tàu “Không số” huyền thoại mãi mãi là niềm tự hào của nghệ thuật quân sự Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Phú Yên và của cả dân tộc Việt Nam anh hùng.

 

Đại tá ĐẶNG PHI THƯỞNG

Anh hùng LLVT Nhân dân,

Trưởng ban Liên lạc Truyền thống Bến tàu

Không số Vũng Rô

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đại đội K60 với bến Vũng Rô
Thứ Sáu, 25/11/2022 11:00 SA
Bình Kiến kiên trung
Thứ Sáu, 11/11/2022 15:00 CH
Địa danh chợ xưa trong ca dao Phú Yên
Chủ Nhật, 30/10/2022 08:00 SA
Làng cát Hòa Hiệp
Thứ Sáu, 28/10/2022 09:29 SA
Đình cổ Ngân Sơn
Thứ Bảy, 22/10/2022 11:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek