Thứ Ba, 08/10/2024 18:43 CH
Cơn mưa rừng mang nỗi nhớ ngày thơ
Chủ Nhật, 25/08/2024 16:41 CH

Ảnh minh họa: Internet

Trong vùng ký ức của những ngày xưa cũ, hình ảnh cơn mưa rừng luôn trở đi trở lại trong tôi. Trời về chiều, hoàng hôn đổ bóng, cơn mưa rừng đến bất chợt từ phía đằng xa, từ phía núi đồi. Màn mưa ngày một dày thêm rồi như có chân di chuyển dần xuống phía dưới, băng qua dòng suối, băng qua cây cầu nơi thung lũng, băng qua giếng nước dưới chân đồi. Từ hiên nhà khu tập thể cũ, tôi có thể thấy cơn mưa đang tới gần, không thể nào tránh được. Cơn mưa rừng vào lúc chiều nhập nhoạng tối làm màu xanh nhòe đi, nhưng lại mang theo hơi nước mát lạnh. Bao giờ cũng vậy, cơn mưa tới hiên nhà khi mẹ đã kịp thu dọn quần áo ngoài dây phơi, chỉ còn lại thằng bé nép nơi cửa đứng ngắm màn mưa xối xả.

 

Nhà tôi hồi đó ở trong khu tập thể của bệnh viện huyện miền núi. Đường từ dưới xuôi lên tới miền núi là con đường gồ ghề lắc lư lên xuống qua những núi những đồi, những vực sâu ngút mắt. Một lần về xuôi, mẹ cùng hai đứa con nhỏ đi nhờ được một chiếc xe U-oát. Chiếc xe chồm tới nảy xóc trên con đường dốc mà tôi cứ tưởng như sắp rớt xuống vực sâu tới nơi. Đường xấu quá! Còn nếu không đi nhờ được xe thì sẽ là những chuyến xe khách còn kinh khủng hơn, người nêm chật cứng. Người ta còn ngồi lên cả nóc xe cùng lỉnh kỉnh đồ đạc buộc chằng chịt trên đó.

 

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, dưới xuôi còn khó khăn huống hồ là miền núi. Bố mẹ tôi gặp nhau khi công tác trên đó. Bố dạy học trường cấp 3, mẹ là y tá quân đội chuyển ngạch. Bố kể khi lên nhận công tác phải đi bộ đường rừng, từ bến xe đi lên trường mất cả ngày trời. Trường dựng ở nơi heo hút quá khiến bố nản, từng bỏ về xuôi luôn trong ngày hôm ấy. Gần nửa năm trời đi buôn bán, rồi được ông nội động viên, bố trở lại trường dạy học. Ông hiệu trưởng già khi đó vẫn vui vẻ nhận tờ giấy giới thiệu công tác, không một lời trách móc mà chỉ mỉm cười. Có lẽ ông đã quen với phản ứng như vậy của những giáo viên trẻ dưới xuôi lần đầu lên công tác ở một huyện miền núi xa xôi.

 

Mẹ tôi học hết cấp 3 thì đi bộ đội tình nguyện bên Lào. Đơn vị mẹ thường mang muối đổi đồ ăn với người dân địa phương. Ra quân, mẹ được giới thiệu lên làm y tá sơ cấp cho bệnh viện huyện miền núi. Ông ngoại bảo có cái nghề là quý rồi, thường phụ nữ ở quê chỉ đơn thuần làm ruộng lấy chồng sinh con. Sau này mẹ phải hai năm vất vả xa nhà, học lên hệ trung cấp, trong khi hai con còn thơ dại. Tôi nhớ những ngày mẹ lên xe đi học, thằng em đòi mẹ, còn tôi quay mặt đi lén quệt nước mắt. Nhớ sao là nhớ…

 

Miền ký ức lúc còn thơ bé cứ chập chờn như thước phim đen trắng buổi sơ khai. Tôi nhớ nhà tôi là một căn phòng nằm giữa ở khu tập thể đã cũ. Phía sau nhà là gian bếp lợp tranh với vách bằng phên nứa. Căn phòng rộng khoảng 10 mét vuông chỉ đủ kê một chiếc giường cho bố mẹ và hai con, và sau tấm ri đô là một chiếc bàn uống nước nhỏ với hai chiếc ghế gỗ. Thường bữa ăn chỉ đơn giản với rau muống luộc, bát nước canh vắt chanh, quả trứng luộc dầm nước mắm, và một đĩa cá trích khô rim mặn. Nhưng sao cái cảm giác cả nhà sum vầy bên mâm cơm luôn làm tôi quay quắt nhớ.

 

Được dịp nào về xuôi, bố thường mua một thúng to cá trích tươi rồi luộc và phơi khô dưới trời nắng, sau đó đem lên miền núi. Bố cất cá khô vào thùng gạo để cả nhà ăn dần. Hai thằng con những chiều đói bụng thường lén bố mẹ lục thùng gạo bốc cá khô ăn vụng. Chỉ cần bóc vảy cá khô là ăn luôn được rồi.

 

Tôi nhớ những đêm mùa đông, miền núi trời rét căm căm, bố và mẹ ngồi giữa giường dựng cao chiếc chăn bông làm thành túp lều nhỏ, hai con nô đùa vòng quanh. Trong đêm giá lạnh, căn nhà tập thể ấm áp và tràn đầy tiếng cười của một gia đình nhỏ.

 

Rồi lần lượt bố và mẹ tôi cũng chuyển công tác về xuôi. Căn nhà tuổi thơ chỉ còn trong ký ức. Mấy năm trước nhân dịp đưa bố về dự kỷ niệm 40 năm thành lập trường cấp ba, tôi có ghé qua bệnh viện huyện để tìm lại căn nhà ngày xưa đó. Tôi nhìn thật lâu, thật kỹ để tìm khu tập thể cũ mà sao chẳng thấy. Có lẽ căn nhà tập thể đã được phá đi để nhường chỗ cho những dãy nhà công sở cạnh đó. Nhân viên bệnh viện giờ ai cũng có nhà riêng để ở.

 

Tôi có ghé vào chợ huyện gần đó, thơ thẩn đi dạo xung quanh để nhớ hồi còn nhỏ được bố mẹ dắt đi chợ. Rồi chợ, rồi phố ngày xưa trong trí nhớ tôi to và rộng, giờ bỗng nhỏ hẹp làm sao. Có lẽ không gian sống đều nhỏ hẹp lại khi mình lớn lên. Hay là trong trí nhớ trẻ thơ cái gì cũng to cũng lớn?

 

LÊ NGỌC SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek