Chủ Nhật, 08/12/2024 08:15 SA
Sơn Hòa: Phát huy lịch sử hào hùng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp
Thứ Sáu, 28/06/2024 07:17 SA

Tuyến ĐT650 nối xã Sơn Nguyên và Sơn Xuân đang được thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Ảnh: NGÔ XUÂN

Sơn Hòa có bề dày lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng vẻ vang. Trải qua 125 năm hình thành và phát triển, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện Sơn Hòa luôn đồng tâm, hiệp lực ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Truyền thống vẻ vang

 

Huyện Sơn Hòa được thành lập từ năm 1899, trên cơ sở tách 3 phủ huyện miền thượng du là Tuy An, Tuy Hòa và Đồng Xuân. Thời gian này, huyện lỵ Sơn Hòa đặt ở thôn Củng Sơn, gồm 4 tổng: Sơn Bình, Sơn Xuân, Sơn Lạc, Sơn Tường; toàn huyện có 47 làng và 1.114 suất đinh.

 

Ngay từ thời kỳ đầu thành lập, Sơn Hòa đã được xác định là vùng phên giậu, tức vùng có ý nghĩa quan trọng về mặt che chắn, bảo vệ, đồng thời là cửa ngõ thông thương giữa vùng đồng bằng, miền biển với các tỉnh Tây Nguyên. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên vùng đất Sơn Hòa liên tiếp diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, tộc trưởng, già làng yêu nước, tạo được sức lan tỏa rất lớn trong toàn vùng Tây Nguyên.

 

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Sơn Hòa trở thành vùng căn cứ địa cách mạng. Từng tên đất, tên làng đều đã gắn liền với những chiến công hiển hách, vẻ vang của quân và dân Phú Yên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc.

 

Nhằm ghi nhận công lao, thành tích trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của quân và dân Sơn Hòa, Đảng và Nhà nước đã công nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho huyện Sơn Hòa và 7 xã: Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định, Sơn Hội, Suối Trai. Như vậy, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, quân và dân huyện Sơn Hòa đã cùng viết lên những trang sử hào hùng của quê hương Phú Yên.

 

35 năm xây dựng và kiến thiết

 

Sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên, cùng với cả nước, toàn Đảng bộ, toàn quân và dân huyện Sơn Hòa tập trung xây dựng và kiến thiết quê hương. Thời gian đầu, địa phương phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tư liệu sản xuất thô sơ, đất đai hoang hóa, cơ sở hạ tầng hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, lực lượng sản xuất vừa thiếu vừa yếu; các hoạt động sản xuất chủ yếu bằng thủ công…

 

Đời sống đồng bào DTTS được quan tâm, chăm lo về mọi mặt. Trong ảnh: Bà con DTTS xã Suối Trai truyền dạy nghề dệt thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Với ý chí quyết tâm và nghị lực kiên cường, Đảng bộ và Nhân dân huyện Sơn Hòa đã đồng tâm, hiệp lực thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương; từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi trên tất cả các lĩnh vực. Các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã được thông suốt. Hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu không ngừng được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Cơ sở vật chất y tế, văn hóa, giáo dục được tăng cường; đời sống của người dân ngày càng đầy đủ, ấm no.

 

Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 6.336 tỉ đồng; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp thực hiện 1.320 tỉ đồng; giá trị công nghiệp, xây dựng đạt 3.716 tỉ đồng; giá trị dịch vụ - thương mại đạt 1.300 tỉ đồng. Số hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2023 còn 2.183 hộ, chiếm 13,01%.

 

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện Sơn Hòa luôn dành sự quan tâm, chăm lo đời sống cho người đồng bào DTTS. Riêng trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng vốn đầu tư trên 166,9 tỉ đồng. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS hằng năm giảm 3,16%. Đời sống của người đồng bào DTTS cũng được cải thiện đáng kể; các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào được gìn giữ và phát huy hiệu quả.

 

Là người gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của vùng đất Sơn Hòa từ thời kỳ tái lập tỉnh Phú Yên, ông Ma Ping ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai bày tỏ: Cũng như nhiều xã vùng sâu, vùng xa khác, khi mới thành lập, cơ sở hạ tầng của Suối Trai gần như không có gì; đời sống người dân vô cùng khó khăn, đói nghèo đeo bám quanh năm. Vậy mà giờ đây, người dân Suối Trai đã có tất cả, từ điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất; đời sống của bà con không ngừng được nâng cao. Niềm tin của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các DTTS với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.

 

Quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp

 

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Hòa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ và Nhân dân huyện Sơn Hòa nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; tiếp tục phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

 

Với những điều kiện hiện có, Sơn Hòa nỗ lực phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa; duy trì diện tích lúa nước khoảng 1.855ha; ổn định diện tích mía khoảng 13.000ha, tăng dần diện tích mía có tưới khoảng 2.000ha vào năm 2025; quy hoạch diện tích sắn ổn định khoảng 8.000ha; chú ý phát triển cây ăn trái, hoa màu, cây dược liệu. Sơn Hòa phấn đấu đến năm 2025, giá trị công nghiệp - xây dựng toàn huyện đạt 4.549,7 tỉ đồng; giá trị ngành thương mại - dịch vụ đạt 1.993,6 tỉ đồng.

 

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Lê Văn Quy cho biết thêm: Để thực hiện được mục tiêu theo nghị quyết đề ra, huyện Sơn Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH một cách đồng bộ; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Địa phương cũng sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ; nâng cao chất lượng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo nguồn thu cho Nhân dân. Huyện nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư; tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào cụm công nghiệp, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao; phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân hằng năm đạt 3% vào năm 2025.

 

“Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sơn Hòa quyết tâm cải thiện bộ mặt nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực; nỗ lực xây dựng Sơn Hòa trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và thân thiện. Đây là tiền đề để địa phương phát huy truyền thống anh hùng, tự tin vững bước trên đường hội nhập và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh nhà”, ông Lê Văn Quy khẳng định. 

 

Huyện Sơn Hòa quyết tâm cải thiện bộ mặt nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực; nỗ lực xây dựng Sơn Hòa trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và thân thiện. Đây là tiền đề để huyện phát huy truyền thống anh hùng, tự tin vững bước trên đường hội nhập và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của Phú Yên.

 

Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek