Qua gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, diện mạo vùng nói chung, Phú Yên nói riêng đã có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân liên tục được cải thiện. Nghị quyết được các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, ngày càng đi vào cuộc sống.
Nhiều thành tựu trong liên kết phát triển vùng
Để cụ thể hóa Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo tổ chức quán triệt đến từng cấp ủy Đảng và ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện. Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch thực hiện với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phù hợp với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết 39, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng và xem đây là chìa khóa để phát triển. Tỉnh duy trì và tăng cường hợp tác với các địa phương trong khu vực tiểu vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, tạo điều kiện huy động, thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trên cơ sở chương trình hợp tác, các địa phương đã phối hợp đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông.
Giám đốc Sở GT-VT Phú Yên Nguyễn Phương Đông cho hay, tỉnh đặc biệt quan tâm và ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng, liên vùng trong tỉnh với các tỉnh trong khu vực và Tây Nguyên. Tỉnh đã phối hợp triển khai hoàn thành, đưa vào hoạt động hầm đường bộ Đèo Cả và hầm đường bộ Đèo Cù Mông, mở ra cơ hội giao thương, liên kết phát triển liên vùng. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phê duyệt bổ sung tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hiện đang tập trung chuẩn bị triển khai tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông...
Trong các ngành kinh tế, du lịch là lĩnh vực mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Nhận thức được điều này, ngành Du lịch tỉnh đã tích cực hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, các hoạt động liên kết, hợp tác diễn ra ở nhiều mặt công tác như: trao đổi kinh nghiệm trong quản lý; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đầu tư xây dựng hạ tầng. 6 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch. Triển khai chương trình xúc tiến và liên minh kích cầu du lịch Việt Nam 4 tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai nhằm kích cầu du lịch nội địa, khôi phục thị trường khách hậu COVID-19. Hình thành và khai thác sản phẩm du lịch Biển xanh kết nối đại ngàn 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định...
Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, sau gần 20 năm tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 39-NQ/TW và sau này là Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã tập trung hợp tác, liên kết với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên để phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. KT-XH phát triển mạnh mẽ hơn, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của bà con Nhân dân ngày càng được nâng cao; kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhất là hạ tầng giao thông phát triển đáng kể; nhiều công trình, dự án quan trọng hoàn thành và đưa vào sử dụng; QP-AN được giữ vững. Đến nay, về cơ bản, Phú Yên có nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; công cuộc CNH-HĐH có những bước tiến đáng kể.
Sau gần 20 năm tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 39-NQ/TW, diện mạo của Phú Yên và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nhiều khởi sắc. Trong ảnh: Một góc phố của TP Tuy Hòa. Ảnh: HÀ MY |
Khơi thông điểm nghẽn, đưa vùng tiếp tục phát triển
Phú Yên là địa phương đầu tiên trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tổng kết thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Tại hội nghị, các thành viên ban chỉ đạo và đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, trung ương đã có tham luận, phân tích, đánh giá và góp ý kiến nhằm giúp Phú Yên có thêm những giải pháp, hướng đi phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân đề nghị Phú Yên tích hợp các lĩnh vực vào quy hoạch tỉnh; căn cứ vào các chỉ tiêu của quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ để phân bổ, đưa vào quy hoạch của tỉnh cho phù hợp. Còn thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng Phú Yên là địa bàn chiến lược quan trọng, giàu truyền thống cách mạng, các dự án đều gắn với QP-AN. Do vậy, việc tập trung phát triển kinh tế biển gắn với thế trận QP-AN là hướng đi cơ bản, bền vững, đúng nghị quyết. Thứ trưởng mong Phú Yên cần nắm bắt, tận dụng cơ hội khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông lưu ý: Quy hoạch tỉnh phải có tầm nhìn dài hạn. Tư duy chiến lược làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong quy hoạch, Khu công nghiệp Nam Phú Yên, TP Tuy Hòa tiếp tục cần được xác định là động lực phát triển. Đồng thời, Phú Yên cần thúc đẩy phát triển hợp tác vùng. Ngoài liên kết với Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, nhất là với Khánh Hòa thì vấn đề liên kết giữa các tiểu vùng cũng rất quan trọng. Phú Yên cần chủ động sẵn sàng nguồn lực đất đai, con người để thu hút đầu tư cho tỉnh.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là một trong sáu vùng kinh tế của cả nước gồm 14 tỉnh, thành phố, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, QP-AN của cả nước. Với những đặc điểm và vị trí quan trọng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW; Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một số chương trình hành động, các chính sách ưu tiên và dành nguồn lực để tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN cho các địa phương trong vùng.
“Từ khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt được nhiều thành tựu đáng kể, giải quyết được nhiều điểm nghẽn, hạn chế; diện mạo KT-XH và các khía cạnh khác của vùng đều thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, phát triển của vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhất là trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. Phú Yên và các địa phương trong vùng cần sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển. Cùng với đó, cần tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh; khai thác hiệu quả hơn dư địa về cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển. Đặc biệt, Phú Yên và các địa phương trong vùng cần có cách nhìn nhận mới, đột phá về liên kết vùng, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển hiệu quả trong tình hình mới”, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW là cơ sở quan trọng để ban chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nghị quyết mới về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nhằm cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các địa phương trong vùng nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương |
HÀ MY