Thứ Năm, 12/09/2024 01:01 SA
Toàn văn Nghị quyết 10 (18/8/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ Năm, 23/09/2021 13:00 CH

NGHỊ QUYẾT

CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY

về lãnh đạo xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu

lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025

-----

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về lãnh đạo xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 như sau:

 

I- TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỊ XÃ SÔNG CẦU NHỮNG NĂM QUA

 

1- Những kết quả đạt được

 

Thị xã Sông Cầu là đô thị phía Bắc của tỉnh Phú Yên, có diện tích tự nhiên 489,28 km2, dân số 114.607 người (trong đó, dân số thường trú 99.607 người; dân số tạm trú quy đổi 15.000 người). Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, thị xã Sông Cầu đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực, được công nhận đô thị loại III vào năm 2019, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội phía Bắc của tỉnh.

 

Nền kinh tế có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 15,6%/năm; kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư về dịch vụ, du lịch, từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh. Văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 83,8 triệu đồng (bằng 1,32 GDP bình quân đầu người của cả nước), tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 3,1%. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối chiếu tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh([1]), đến nay, thị xã Sông Cầu có 2/5 tiêu chuẩn đã đạt gồm: Tiêu chuẩn về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị.

 

2- Một số hạn chế

 

Có 3/5 tiêu chuẩn chưa đạt theo quy định (gồm: Quy mô dân số; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị thuộc tiêu chuẩn cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội). Hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ, nhất là giao thông đô thị, cấp nước sinh hoạt, thu gom xử lý nước thải; còn thiếu các không gian công cộng đô thị. Hoạt động văn hoá, thể thao phát triển chậm; nguồn nhân lực y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân; công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội còn hạn chế, bất cập.

 

3- Nguyên nhân của những hạn chế

 

Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do thị xã Sông Cầu có xuất phát điểm thấp, là đô thị trẻ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ nên nhu cầu về nguồn lực đầu tư lớn trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước chưa được đẩy mạnh. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở một số nơi có lúc chưa phát huy hiệu quả, thiếu chủ động và quyết liệt. Chưa có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khai thác nguồn lực tại chỗ; việc xã hội hoá các nguồn lực để đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế.

 

II- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

 

1- Mục tiêu tổng quát: Xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu xứng tầm là một trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội phía Bắc của tỉnh Phú Yên. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; củng cố và giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phấn đấu đến năm 2025, thị xã Sông Cầu được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.

 

2- Mục tiêu cụ thể

 

(1) Xây dựng 05 xã trở thành phường để đạt tỷ lệ đơn vị hành chính cấp phường trên 65%.

 

(2) Phấn đấu bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm.

 

(3) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị đạt trên 80%.

 

3- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

 

3.1- Về công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị

 

Sớm tổ chức lập và triển khai thực hiện Quy hoạch chung đô thị Sông Cầu đến năm 2045, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 theo hướng mở rộng không gian đô thị; quy hoạch phân khu các xã thành lập phường (Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Lộc, Xuân Thịnh, Xuân Phương); quy hoạch phân khu các phân vùng thuộc Khu du lịch Quốc gia Vịnh Xuân Đài để có cơ sở cho việc quản lý, kêu gọi, thu hút đầu tư, gắn kết phát triển đô thị Sông Cầu với phát triển đô thị, dịch vụ của tỉnh Bình Định thông qua tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1D. Xây dựng quy hoạch chi tiết đảm bảo hài hòa, phù hợp kiến trúc, cảnh quan công trình nhà ở các dạng biệt thự, nhà vườn dọc hai bờ sông và trên đồi có hướng nhìn ra Vịnh Xuân Đài để đảm bảo tính đặc trưng, độc đáo của đô thị du lịch biển. Đồng thời, xác định các vùng kinh tế trọng điểm trong quy hoạch như: Vùng phát triển dịch vụ du lịch, vùng kinh tế biển, vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, vùng phát triển nông nghiệp.

 

Rà soát, quy hoạch lại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đảm bảo phát huy hiệu quả; kêu gọi phát triển những ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có lợi thế cạnh tranh, qua đó góp phần chuyển dịch lao động khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp. Nghiên cứu dành quỹ đất phía Tây để có lộ trình dịch chuyển khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, tạo quỹ đất phát triển thương mại, dịch vụ khu vực ven biển.

 

Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đô thị, từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, tiếp cận dần tiêu chí đô thị loại II. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Đường ven biển Trần Phú, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Thị Sáu và các tuyến đường trục chính của các xã dự kiến thành lập phường; đầu tư xây dựng tuyến ven biển từ Xuân Đài đến Xuân Phương nhằm tạo tuyến đường dọc biển thứ 2 nhìn ra Vịnh Xuân Đài; từng bước hoàn thành tuyến đường vòng quanh vịnh Xuân Đài trên cơ sở quy hoạch Khu du lịch Quốc gia vịnh Xuân Đài; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường vào các khu du lịch theo hướng hiện đại.

 

Tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới như: Lệ Uyên, Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Thịnh, Xuân Lộc, Xuân Phương… để mở rộng không gian đô thị. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 05 xã nâng cấp trở thành phường, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, hệ thống điện chiếu sáng, xử lý nước thải đô thị, thu gom chất thải rắn…

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm như: Công viên, trung tâm thương mại, nhà văn hóa đa năng, trung tâm văn hóa bảo đảm phục vụ các sự kiện trong tỉnh, chợ, khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung...; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Bến xe trung tâm thị xã. Chú trọng phát triển cây xanh đô thị, các hồ nước, các không gian công cộng, tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sinh thái, tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc không gian đô thị gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

 

3.2- Về phát triển kinh tế

 

Tiếp tục khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của thị xã, gắn với huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển thị xã Sông Cầu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và thân thiện; phấn đấu trở thành thành phố du lịch - dịch vụ, đảm nhận vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, cửa ngõ giao thông phía Bắc của tỉnh. Chú trọng khai thác, phát huy lợi thế kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển, qua đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên và về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại, chủ động hội nhập, xây dựng nền kinh tế mở, đưa khoa học và công nghệ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, coi đây là giải pháp quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Tập trung đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp; tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ ven biển. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là trục đường ven Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; đầu tư xây dựng một số điểm đến như: Hoành Cung Long Bình, di tích danh nhân Đào Trí, địa điểm tàu ngoại giao Hoa Kỳ đến Việt Nam. Có cơ chế, chính sách kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư, khai thác các khu du lịch dọc Đầm Cù Mông, Khu du lịch Quốc gia Vịnh Xuân Đài để tạo chuỗi liên kết và đa dạng hóa loại hình du lịch. Kết nối du lịch Sông Cầu với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành khu trọng điểm du lịch của Quốc gia. Xây dựng các tuyến phố chuyên doanh, các tuyến đi bộ, ẩm thực và chợ đêm đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân địa phương.

 

Phát triển ngư, nông, lâm nghiệp bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển mạnh nuôi thủy sản bằng lồng, bè ven bờ sang nuôi xa bờ kết hợp với ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ cao, tránh gây ô nhiễm môi trường; kết hợp nuôi trồng thủy sản với phát triển du lịch. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng sản xuất kết hợp trồng rừng, trồng cây tạo cảnh quan. Xây dựng phát triển nền nông nghiệp đô thị, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có chất lượng, giá trị kinh tế cao, nhất là ở phía Tây của đô thị. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

 

3.3- Về phát triển văn hoá - xã hội

 

Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, danh thắng và các loại hình nghệ thuật tiêu biểu của cộng đồng dân cư gắn với phục vụ du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị.

 

Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực giáo dục, y tế. Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo chất lượng cao. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.

 

3.4- Về quốc phòng - an ninh

 

Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh và củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp, kiềm chế các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

 

3.5- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

 

Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức và cán bộ. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận xã hội.

 

Thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp tinh gọn, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành; xây dựng bộ máy chính quyền năng động, hành động và phục vụ. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền đô thị; lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu thị xã Sông Cầu nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh về cải cách hành chính; xem đây là nội dung quan trọng trong xây dựng, phát triển đô thị và chính quyền đô thị.

 

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thị xã đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, quản lý, phát triển đô thị trong tương lai gắn với thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

III- MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

 

Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thị xã Sông Cầu đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn địa phương và quy định pháp luật, tạo điều kiện cho Sông Cầu phát triển nhanh hơn. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền chủ động cho thị xã Sông Cầu triển khai đấu giá các khu đô thị mới, phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển phúc lợi công cộng phù hợp với quy định hiện hành.

 

Ưu tiên xem xét, bố trí hợp lý các nguồn lực, nhất là vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn ngân sách tỉnh; nghiên cứu giảm tỷ lệ trích nộp từ nguồn thu tiền sử dụng đất do thị xã thu phục vụ đầu tư xây dựng các công trình phát triển đô thị, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội của địa phương giai đoạn 2021-2025.

 

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1- Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện những thủ tục, công việc liên quan theo quy định pháp luật, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.

 

2- Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này; xác định danh mục các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã Sông Cầu để tập trung hỗ trợ nguồn lực đầu tư; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng thị xã Sông Cầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo kế hoạch đề ra.

 

Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho Sông Cầu thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nội dung đề ra. Chủ trì, phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

 

3- Thị ủy Sông Cầu lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo lập Đề án xây dựng, nâng cấp thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.

 

Chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố vào năm 2025 nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

4- Các cấp uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện các nội dung Nghị quyết này, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng, nâng cấp thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.

 

5- Các ban đảng Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Ban Thường vụ Thị ủy Sông Cầu và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết này. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng hệ thống tuyên giáo và các cơ quan thông tin truyền thông lựa chọn những nội dung cơ bản của Nghị quyết để tuyên truyền, động viên các cấp ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia thực hiện.

 

------------------------

[1] Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek