Thứ Năm, 12/09/2024 16:07 CH
Sông Hinh phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc
Thứ Bảy, 29/06/2024 14:00 CH

Phục dựng lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày - Nùng tại xã Ea Ly, huyện Sông Hinh. Ảnh: NGÔ XUÂN

Sông Hinh là huyện miền núi cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh. Trên địa bàn huyện có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó hơn 6.000 hộ đồng bào DTTS, chiếm tỉ lệ 47,7%. Cùng với việc khai thác tốt hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, địa phương này cũng đang nỗ lực phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc để mang lại nhiều lợi thế phát triển cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

 

Khai thác hiệu quả các chính sách dân tộc

 

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện cho bà con vùng đồng bào DTTS ổn định đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

 

Tiêu biểu, giai đoạn 2018-2020, huyện Sông Hinh đã triển khai thực hiện Quyết định 2085 hỗ trợ 120 hộ đồng bào DTTS đầu tư cơ sở hạ tầng bố trí dân cư mở rộng điểm giãn dân tại buôn Bai, xã Ea Lâm với kinh phí 475 triệu đồng; hỗ trợ 95 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất với nguồn vốn trên 4,3 tỉ đồng.

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Sông Hinh được phân bổ 148 tỉ đồng (nguồn vốn 2022-2024); thực hiện 10 thành phần dự án và tiểu dự án. Tiêu biểu, Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hỗ trợ xây dựng 72 nhà ở; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 271 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 52 hộ dân.

 

Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết đầu tư 8 công trình đường giao thông, điện, rãnh thoát nước ở các khu bố trí dân cư xen ghép tại các xã Ea Trol, Ea Bá, Ea Lâm. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu triển khai 4 công trình nước tập trung, 20 công trình đường giao thông, trường học, thiết chế văn hóa tập trung tại các xã vùng đồng bào DTTS…

 

Nhờ các chương trình, chính sách dân tộc, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS huyện Sông Hinh ngày càng hoàn thiện. Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa; có 590,67km đường nội đồng được cứng hóa, đảm bảo việc đi lại của người dân.

 

Toàn huyện có 36 công trình thủy lợi kiên cố, bán kiên cố với tổng chiều dài kênh mương trên 230km, đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 3.599/3.710ha đất sản xuất nông nghiệp; có 7 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 10/11 xã, thị trấn đã có công trình cấp nước.

 

Địa phương đang tiếp tục đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung liên xã Đức Bình Đông, Sơn Giang và Ea Bia. Dự kiến đến cuối năm 2025, hệ thống nước sinh hoạt tập trung sẽ được phủ khắp, đảm bảo cung cấp nước cho người dân các xã vùng đồng bào DTTS.

 

Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Huyện luôn ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS; nhiều chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS cũng được quyết liệt triển khai. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2025 đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế ở vùng miền núi có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, thương mại, dịch vụ; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện. Cuối năm 2023, toàn huyện còn 947 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 6,84%; trong đó còn 738 hộ nghèo DTTS. Thu nhập bình quân trong vùng đồng bào DTTS đạt 41,3 triệu đồng/người/năm; trong đó, thu nhập của người đồng bào DTTS khoảng 36,2 triệu đồng/người/năm.

 

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

 

Theo UBND huyện Sông Hinh, cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện sống theo họ tộc và dựa vào các điều kiện tự nhiên để hình thành các thôn buôn. Đặc biệt từ năm 1993, thực hiện chủ trương khuyến khích hình thành các vùng kinh tế mới, đồng bào các dân tộc từ các tỉnh phía bắc di cư đến Sông Hinh lập nghiệp.

 

Người đồng bào DTTS huyện Sông Hinh chủ động tìm hướng phát triển kinh tế từ các sản vật của địa phương. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Từ đó, trên địa bàn huyện hình thành nhiều cộng đồng các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Gia Rai, Mường, Sán Dìu, Sán Cháy, Gié Triêng, Chu Ru, Hoa, Khơ Me, Mông, Xơ Đăng, Thái… Mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng; văn hóa mỗi dân tộc cũng có nhiều nét độc đáo, tạo nên một cộng đồng các dân tộc phong phú, đa dạng.

 

Những năm qua, công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc luôn được huyện Sông Hinh đặc biệt quan tâm. Đến nay, huyện có 3 di tích được UBND tỉnh xếp hạng, trong đó 2 điểm du lịch sinh thái và 1 điểm cộng đồng. Năm 2018, lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Địa phương cũng phục dựng và trình diễn lễ cúng bến nước của người Ê Đê, lễ hội lồng tồng của người Tày - Nùng… góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng người đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.

 

Về lâu dài, việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc, mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi, giúp bà con có được nguồn thu nhập ngay trên chính quê hương mình.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun

 

Bên cạnh đó, huyện Sông Hinh cũng sưu tầm một số lễ hội, hoạt động văn hóa đặc sắc của người đồng bào các DTTS, như: lễ cúng vòng đời; lễ mừng sức khỏe; lễ bỏ mả; lễ cúng về nhà mới; lễ cúng lúa mới về kho, lễ cấp sắc, lễ xuống đồng của người Tày, Nùng; sưu tầm các bài trường ca, sử thi: Ktam, Xinh nhã (xin ngã), Sit nít, Đamdi chặt đột mây, Mrông tung, Đam zang tuốt lúa; sưu tầm các bài dân ca, dân vũ, điệu múa truyền thống: trống đôi, múa tùng khắc, hát Ây ray… của người đồng bào DTTS.

 

Ông Ksor Y Phun cho biết thêm: Thời gian qua, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc luôn được địa phương quan tâm. Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Sông Hinh đã hỗ trợ các thôn buôn mua sắm 10 bộ cồng chiêng và chinh, nâng tổng số bộ nhạc cụ truyền thống của các thôn buôn lên 36 bộ cồng chiêng và 190 bộ chinh.

 

Địa phương cũng hỗ trợ thành lập mới 43 CLB văn hóa dân gian; khôi phục nghề dệt vải truyền thống, nghề đan đát, làm men rượu cần truyền thống của người Ê Đê, Ba Na…

 

“Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch là chủ trương được địa phương quan tâm trong thời gian qua. Sắp tới, huyện Sông Hinh sẽ tiếp tục khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, ông Ksor Y Phun nói.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek