Thứ Tư, 16/10/2024 12:29 CH
Truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Đổi mới tuyên truyền, tăng cường răn đe
Thứ Ba, 05/09/2023 10:48 SA

Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân, cán bộ cơ sở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

Ban Dân tộc tỉnh vừa tổ chức đợt truyền thông, tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN). Hoạt động này liên tục được đổi mới một cách linh hoạt.

 

Kiên trì tuyên truyền thay đổi tư duy

 

Buổi truyền thông, vận động giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS-MN xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa có hơn 70 đại biểu tham gia. Đây đều là cán bộ cơ sở, người có uy tín và đại diện một số người dân của các gia đình có nguy cơ cao sẽ xảy ra TH&HNCHT. Tại đây, đại diện Ban Dân tộc tỉnh đã báo cáo, thông tin về thực trạng, nguyên nhân của tình trạng TH&HNCHT; hệ lụy của TH&HNCHT đối với cuộc sống của người dân; một số mô hình hiệu quả trong tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT...

 

Ông Nay Y Dú, người có uy tín ở buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, cho biết: Trước đây, trai gái trong thôn chỉ cần ưng nhau là nói cha mẹ cho tổ chức đám cưới, kể cả khi mới chỉ 14, 15 tuổi. Điều này kéo theo rất nhiều hệ lụy như trẻ em bỏ học, sinh con sớm, cuộc sống mãi khó khăn, nghèo đói, dị tật bẩm sinh... Sau khi Nhà nước liên tục tuyên truyền, nhắc nhở thì tình trạng này đã giảm hẳn. Là già làng, cũng là thầy cúng trong thôn, tôi thường xuyên nhắc nhở cha mẹ và các cháu không được cưới sớm, không cưới người có quan hệ huyết thống. Nhờ vậy, nhiều năm gần đây, buôn Học không còn trường hợp cưới nhau khi chưa đủ tuổi.

 

Bà Trần Thị Thắm, cán bộ công tác mặt trận buôn Khăm, xã Krông Pa, cho biết: Ở vùng đồng bào DTTS, một số người lớn tuổi vẫn còn tư duy con gái lấy chồng sớm để sớm sinh con đẻ cái. Thậm chí, để chính quyền địa phương khỏi can thiệp, các gia đình tự tổ chức cúng đám cưới nội bộ trong nhà, chờ khi đủ tuổi mới đến xã đăng ký kết hôn. Một số trường hợp gia đình còn để con cháu cưới nhau vì đã lỡ có thai, khiến địa phương lúng túng trong việc xử lý. Việc tuyên truyền về TH&HNCHT cho bà con đồng bào DTTS cần phải được thực hiện một cách thường xuyên và kiên trì nhằm từng bước thay đổi tư duy của người dân.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa, cho biết: Xã Krông Pa có trên 2/3 người dân là đồng bào DTTS. Cùng với nỗ lực của địa phương, tình trạng TH&HNCHT đã giảm nhiều; ý thức của người dân cũng được nâng cao. Năm 2022, trên địa bàn chỉ còn 2 trường hợp phát sinh tảo hôn. Để giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, địa phương không ngừng tuyên truyền, vận động bà con thông qua tác động của các già làng, người uy tín, các thầy cúng trong thôn, buôn; chủ động nhắc nhở, ngăn ngừa nếu phát hiện các cháu có biểu hiện yêu sớm. Về lâu dài, địa phương cũng tính đến các biện pháp răn đe, can thiệp, xử phạt hành chính đối với các gia đình vi phạm.

 

Hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống

 

Cùng với hoạt động tuyên truyền, vận động của Ban Dân tộc tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cũng phối hợp hướng dẫn kỹ năng truyền thông về các quy định của pháp luật liên quan đến TH&HNCHT; Luật Hôn nhân và gia đình; các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình; kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến TH&HNCHT… cho cán bộ cấp cơ sở.

 

Tham gia báo cáo tại buổi tuyên truyền, ông Ngô Tấn Hải, đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: Là người trực tiếp phụ trách công tác trợ giúp pháp lý, tôi chứng kiến không ít trường hợp cả hai bên thuận tình lấy nhau, có con khi cô gái chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống xảy ra mâu thuẫn, gia đình cô gái tố cáo chàng trai về hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên, dẫn đến người chồng bị xử lý hình sự. Thậm chí, nhiều cặp đôi về sống với nhau nhiều năm, đã có nhiều con cái; nhưng khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, người chồng vẫn có thể bị xử lý khi bị vợ tố cáo hành vi giao cấu, có con với người chưa đủ tuổi. Không ít trường hợp tương tự đã xảy ra ở vùng đồng bào các DTTS vì sự thiếu hiểu biết của người dân. Để giảm thiểu những trường hợp đau lòng như trên, cán bộ cơ sở và địa phương cần chủ động, quyết liệt hơn trong việc ngăn ngừa sớm những trường hợp TH&HNCHT.

 

Bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong 5 năm gần đây, cùng với những nỗ lực của các đơn vị, địa phương, tình trạng TH&HNCHT đã giảm rõ rệt. Giai đoạn 2015-2020, Phú Yên có 72 cặp tảo hôn, 4 cặp HNCHT. Đến năm 2021, Đồng Xuân còn 4 cặp tảo hôn; Sơn Hòa còn 18 cặp tảo hôn, Sông Hinh còn 21 cặp tảo hôn. Năm 2022, Đồng Xuân còn 7 cặp tảo hôn, 1 cặp HNCHT; Sơn Hòa còn 30 cặp tảo hôn; Sông Hinh còn 3 cặp tảo hôn. Trong đó có những trường hợp TH&HNCHT nhưng giấu chính quyền địa phương; tự mời thầy cúng về làm lễ cúng đám cưới cho các em. Điều này gây rất nhiều khó khăn đối với việc giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS-MN. “Thời gian tới, các địa phương cần sát sao hơn, mạnh tay hơn đối với các trường hợp TH&HNCHT trong cộng đồng. Ngoài việc chủ động tuyên truyền, thay đổi nhận thức, thì việc răn đe, xử lý cũng rất cần thiết để giảm thiểu tình trạng này”, bà Bích nhấn mạnh.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek