30 năm binh nghiệp, thiếu tá Lê Vũ Tuấn (Hải đội 2, BĐBP Phú Yên) đã có gần 27 năm có mặt trên những chuyến tàu vượt sóng cứu dân bị nạn giữa mùa mưa lũ. Những câu chuyện “nghề” được anh chia sẻ thấm đẫm niềm trăn trở từ một tâm niệm vì dân của người chiến sĩ biên phòng.
Những hành trình vượt sóng
“Năm 2010, 11 giờ đêm, tôi và anh em trong đội tàu nhận lệnh đưa ca nô vượt sông Đà Rằng lên cứu nạn nhóm anh em công nhân đang làm cầu Hùng Vương bị mắc kẹt giữa sông do lũ đột ngột đổ về”, thiếu tá Lê Vũ Tuấn, thuyền phó biên đội tàu BP mở đầu cuộc trò chuyện bằng ký ức về một lần vượt lũ cứu dân.
Sau khi nổ máy, chiếc ca nô BP 10-08-01 rẽ sóng, băng trong đêm tối. “Trời mưa như trút nước, ngồi trên ca nô, chúng tôi chăm chú dõi theo những vệt sáng phát ra từ chiếc đèn tín hiệu phía xa, ngược dòng sông, chạy về phía có nguồn sáng. Nước thượng nguồn cuồn cuộn đổ về khiến chiếc ca nô có lúc như muốn đánh úp. Tôi nắm tay lái, vừa cho ca nô chạy, vừa giữ tay ga, ghì máy, thận trọng lướt sóng tiến đến khu vực ứng cứu. Gần đến mục tiêu, rọi đèn pin về phía trước, chúng tôi thấy rõ chiếc chòi trú nằm chơi vơi giữa sông của anh em công nhân đã bị ngập phân nửa, có nguy cơ bị dòng nước lũ đổ về đánh sập”, anh Tuấn kể.
Theo anh Tuấn, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, phải nâng cao khả năng ứng phó cho anh em trong đội mới có thể đảm trách tốt nhiệm vụ. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của ngư dân giỏi và đồng đội đi trước, anh còn tổ chức huấn luyện thủy nghiệp cho chiến sĩ dưới quyền vững vàng trên sóng nước. Khi ra biển, anh em đã biết quan sát luồng nước xoáy, biết sửa chữa máy tàu từ đơn giản đến phức tạp và ứng phó mọi tình huống từ cứu người đến cứu kéo, lai dắt tàu bị nạn. |
Ca nô đến gần và tiếp cận căn chòi, anh Tuấn đề nghị đội công tác của mình khẩn trương đưa một nửa anh em công nhân lên ca nô, nửa còn lại chờ chuyến sau. Để rút ngắn thời gian ứng cứu số anh em còn lại, anh chạy ca nô đến một mố cầu gần nhất rồi cập vào, đưa tốp thứ nhất lên được chỗ an toàn.
Khi ca nô quay lại chòi trú đón tốp công nhân thứ hai cũng là lúc anh em trong đội nghe có tiếng kêu cứu phía trước. Quất đèn pin, các anh nhìn thấp thoáng, trên bãi bồi phía đông nam sông Đà Rằng có nhóm người và mấy con bò đang bị cô lập trong nước lũ. Mọi người đoán biết đây là những người dân quanh vùng, trong lúc thả bò đi ăn cỏ trên bãi bồi bị lũ đột ngột đổ về nên không kịp chạy. Đưa nhanh toàn bộ anh em công nhân lên chỗ an toàn, thiếu tá Tuấn cho ca nô quay lại đón những người dân chăn bò bị kẹt lũ giữa bãi bồi. Song lúc này, cái khó không chỉ là việc cứu người kẹt lũ ra khỏi nguy cấp mà còn phải cứu cả trâu, bò của họ. “Nhiều người đã khóc xin, năn nỉ chúng tôi ráng kéo giùm trâu bò của họ đến nơi an toàn.
Tài sản cả gia đình có bấy nhiêu, nếu để mất hết coi như trắng tay, không biết lấy gì để họ làm kế sinh nhai”, anh Tuấn nói.
Không thể chần chừ lâu hơn vì lũ càng lúc càng lên rất nhanh. Đám lau sậy trên bãi đã ngập lút. Anh Tuấn hướng dẫn anh em dùng dây neo, cột nhanh những con bò. Cột xong, ca nô lại xé sóng chạy trước, phía sau, những con bò vượt nước lũ bơi theo. Không thể ngờ, cuối cùng, chúng tôi đã thành công. 3 người cùng gần chục con bò bị kẹt giữa dòng nước lũ sông Đà Rằng hôm ấy đã vào bờ an toàn.
Đó chỉ là một trong cả chục lần thiếu tá Lê Vũ Tuấn trực tiếp lái tàu vượt sóng cứu dân. Chính sự nhạy bén, linh cảm và kinh nghiệm nghề nghiệp đã giúp anh liên tục đưa ra các quyết định đúng hướng để cứu nạn thành công. Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu chúng tôi không có mặt kịp thời thì biết bao tang thương chắc chắn đã ập xuống. Nhìn những gia đình vốn đã nghèo khó, nhọc nhằn lại oằn mình bởi nỗi đau mất người thân, không còn tài sản, lòng mình không thể an yên được”.
Thiếu tá Lê Vũ Tuấn cùng đội tàu làm công tác chuẩn bị trước khi đi ứng cứu người dân vùng lũ. Ảnh: PHƯƠNG OANH |
Sống giữa lòng dân
18 năm làm lính Hải đội, chưa có mùa mưa lũ nào thiếu tá Lê Vũ Tuấn không có mặt ở những vùng rốn lũ. Chúng tôi nhiều lần chứng kiến anh trực tiếp điều khiển ca nô, chỉ huy anh em trong đội đi đến tận cùng những làng quê xa xôi ở huyện Phú Hòa để tiếp ứng mì ăn liền, nước uống cho người dân bị cô lập trong lũ. Cũng có khi giữa mùa mưa lụt giá rét, về vùng rốn lũ Tuy An, nhiều lần thấy anh ngâm mình cả ngày dưới dòng nước lạnh buốt, cõng những em bé, các cụ già từ những ngách, ngõ sâu trong các thôn xóm ra vùng an toàn. Đồng đội khen Lê Vũ Tuấn vì sự vững vàng trên sóng nước thì càng nể phục anh bởi sự chín chắn trong suy nghĩ, tính kiên trì cùng tấm lòng bao dung và thương người vô hạn.
Đại úy Trần Ngọc Cư, người đồng đội của thiếu tá Tuấn cho biết: Rất nhiều lần gặp gió bão quăng quật hay nước lũ cuồn cuộn đổ về, nhận lệnh đưa tàu đi cứu ngư dân mắc kẹt trên lồng bè nuôi thủy sản, anh em phải vượt sóng hết sức nguy hiểm mới ra được nơi cứu người. Vậy nhưng, khi tàu tiếp cận, có người còn giằng co, đuổi các anh đi để khỏi bị gây phiền. Họ nói, nếu đưa được khối tài sản hàng trăm triệu đồng dưới lòng biển của họ vào nơi an toàn, họ mới vào.
“Gió ào ạt, biển dội sóng ầm ầm, nhìn bà con kiên quyết “cố thủ” nơi lồng bè, chúng tôi ai cũng lo lắng. Nhiều anh em chờ đợi, thuyết phục lâu quá đến mức nổi nóng, mất hết cả kiên nhẫn. Trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, Tuấn dặn chúng tôi, dù thế nào cũng không thể bỏ bà con. Vậy là, anh kiên trì, thuyết phục, phân tích thiệt hơn, “người còn của còn”, mặt khác động viên anh em cố gắng. Nhờ kiên nhẫn mà đội công tác chúng tôi đã đưa được bà con bị lũ cô lập vào nơi an toàn. Có năm, sau khi thuyết phục để đưa được các chủ bè vào nơi an toàn, hôm sau ra biển, chúng tôi thấy rùng mình khi toàn bộ khu vực nuôi trồng thủy sản đã bị bão đánh tan hoang đêm qua”, anh Cư nói.
Theo anh Tuấn, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, phải nâng cao khả năng ứng phó cho anh em trong đội mới có thể đảm trách tốt nhiệm vụ. Ngoài việc trau dồi, học hỏi kinh nghiệm của ngư dân giỏi trong vùng và đồng đội đi trước, anh còn tổ chức huấn luyện thủy nghiệp cho chiến sĩ dưới quyền. Tất cả chiến sĩ trong đội tàu của anh bây giờ đều vững vàng trên sóng nước. Khi ra biển, anh em đã biết quan sát nơi nào có luồng nước xoáy và thuần thục từng động tác, biết sửa chữa máy tàu từ đơn giản đến phức tạp, cách ứng phó mọi tình huống từ cứu người đến cứu kéo, lai dắt tàu bị nạn. Mặt khác, “ở vị trí nào sẽ biết mình làm gì khi tàu chạy, tàu lùi; chẳng hạn ở trước mũi phải biết quan sát dây neo các phương tiện phía trước, ở sau mũi phải biết xem khi tàu mình chạy, có vật gì rơi xuống biển, rồi biết cả việc cột dây kéo tàu thuyền, lai dắt tàu như thế nào để không bị đứt hay va đập”, đại úy Cư chia sẻ.
Hỏi anh điều muốn chia sẻ trong suốt 18 năm có mặt trên những hành trình vượt lũ cứu dân, anh Tuấn thổ lộ: “Có đến với người dân trong mùa mưa lũ, sống trong cuộc sống của bà con, mình mới hiểu thêm được nhiều điều để rồi biết cảm thông, biết sẻ chia với bà con. Cứ đặt mình trong hoàn cảnh của người dân thì mới hiểu hết nỗi xót xa, buồn đau trước những mất mát mà họ phải chịu. Mong sao hàng năm trời yên bể lặng, ngư dân được mùa bội thu, an toàn nơi biển cả là điều hạnh phúc nhất của người lính biên phòng chúng tôi”.
PHƯƠNG OANH