Thứ Hai, 02/12/2024 23:41 CH
Đồng hành cùng những con tàu vươn khơi bám biển
Thứ Tư, 23/10/2024 11:00 SA

Cán bộ chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng hỗ trợ ngư dân làm thủ tục xuất bến tại cảng cá Đông Tác. Ảnh: LẠC HỒNG

Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng (Đồn Biên phòng Tuy Hòa) được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện và người ra vào địa bàn, bảo đảm ANTT tại cảng cá Đông Tác.

 

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ bình yên khu vực biên giới biển được mệnh danh là thủ phủ nghề câu cá ngừ đại dương của cả nước, những cán bộ chiến sĩ (CBCS) quân hàm xanh của trạm kiểm soát biên phòng (KSBP) này còn là chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân các làng biển, luôn đồng hành cùng những con tàu vươn khơi bám biển; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát

 

Chúng tôi có mặt tại Trạm KSBP Đà Rằng vào một ngày trung tuần tháng 10 biển động. Thời điểm hiện tại có 166 tàu thuyền với 1.112 ngư dân của TP Tuy Hòa đang khai thác hải sản trên biển, trong đó có 134 tàu cá đánh bắt xa bờ với 946 lao động. Tại cảng cá Đông Tác, hơn 70 tàu đã cập bến trong ngày và hàng chục tàu cá khác đang chuẩn bị tổn cho chuyến biển tiếp theo.

 

Đã thành chế độ công tác, cứ 8 giờ sáng mỗi ngày, CBCS của trạm lại thay phiên nhau liên lạc với bà con ngư dân trên các tàu cá xa bờ. Đó là công việc của những ngày trời yên, biển lặng. Còn khi thời tiết xấu hay có sự cố trên biển thì công việc này không kể ngày đêm, trạm luôn duy trì thông tin liên lạc 24/24 với thuyền trưởng hoặc chủ phương tiện, kịp thời hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền vào các âu tàu trú tránh bão, áp thấp… Quyển nhật ký theo dõi hành trình của tàu thuyền trên biển từ những cuộc đàm thoại, con số thứ tự đã vượt 3 chữ số.

 

Thượng úy Đỗ Hoàng Hiệp, Trạm trưởng Trạm KSBP Đà Rằng cho biết: Hiện nay, tổng số tàu thuyền do trạm quản lý là 588 phương tiện, trong đó có 345 tàu cá đánh bắt xa bờ. Địa bàn do trạm quản lý cũng là khu vực thường xuyên có số lượng tàu đánh cá, dịch vụ thủy sản của các địa phương khác đến neo đậu, làm ăn tương đối lớn. Do vậy, tình hình ANTT, an toàn hàng hải tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến việc quản lý người, phương tiện ra vào cảng cá.

 

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trạm đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tuy Hòa xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy trình nghiệp vụ. Trong đó, chú trọng lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên; giải quyết các thủ tục, vụ việc nhanh gọn theo đúng chức năng, nhiệm vụ của BĐBP và pháp luật quy định, đảm bảo trật tự, an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng, không để sơ hở, sót lọt. Trung bình mỗi năm trạm tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng và tạo điều kiện cho hơn 2.000 lượt phương tiện ra vào hoạt động trên địa bàn.

 

Bên cạnh đó, trạm chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Mỗi khi xuất cảng, các thuyền trưởng đều ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không vi phạm IUU.

 

Ông Lưu Xuân Việt, thường trực Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Đông Tác cho biết: Văn phòng thường xuyên phối hợp với trạm theo dõi, giữ liên lạc với các tàu cá đánh bắt xa bờ, lưu lại trên biển dài ngày, nắm chắc mọi hoạt động của chủ phương tiện. Khi phát hiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi liên lạc, kêu gọi, thông báo cho chủ phương tiện để kịp thời dừng hải trình và hành vi vi phạm. Đồng thời nhắc nhở, xử lý những chủ phương tiện không duy trì thường xuyên thiết bị giám sát hành trình, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trên địa bàn trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

 

Bà con ngư dân chuẩn bị tổn cho chuyến đánh bắt xa bờ. Ảnh: LẠC HỒNG

 

Điểm tựa của ngư dân mọi lúc, mọi nơi

 

Cùng với thực hiện chức năng nhiệm vụ chính là kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào cảng, Trạm KSBP Đà Rằng luôn chủ động và thường xuyên cập nhật, tìm hiểu và nắm chính xác hướng đi, sức gió của từng cơn bão có ảnh hưởng đến hoạt động của bà con ngư dân. Đồng thời rà soát nắm chắc số lượng tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt trên biển và xác định vùng đánh bắt, số lượng thuyền viên trên từng phương tiện, số điện thoại di động của các thuyền trưởng…

 

“Khi có được đầy đủ mọi thông tin, tôi phân công cán bộ, nhân viên của trạm trực 24/24 giờ trên máy thông tin vô tuyến (IC-M710) tần số dài để liên lạc với các phương tiện, kịp thời thông báo về hướng đi, sức gió, tọa độ nào là nguy hiểm, khu vực nào an toàn và hướng dẫn các thuyền trưởng nhanh chóng di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng có bão”, trung úy Đỗ Hoàng Hiệp chia sẻ.

 

Ông Lê Văn Quang ở phường 6, TP Tuy Hòa, chủ phương tiện kiêm thuyền trưởng tàu cá PY-92305TS nhớ lại: Ngày 6/6, khi tàu cá của chúng tôi đang khai thác hải sản ở vùng biển tỉnh Bình Thuận thì một thuyền viên trên tàu là anh Nguyễn Đức Thắng (SN 1980) bị sốt cao, co giật, có biểu hiện khó thở. Giữa biển cả mênh mông, tôi chỉ còn cách gọi điện về Trạm KSBP Đà Rằng và gia đình.

 

Nhận được thông tin, trạm trưởng Đỗ Hoàng Hiệp động viên tôi giữ bình tĩnh và hướng dẫn đặt anh Thắng nằm nghiêng, nới lỏng cúc áo, nhẹ nhàng nâng cằm lên rồi dùng chăn mỏng gối đầu giúp người bệnh thở dễ dàng hơn và hạn chế xảy ra chấn thương do ngoại cảnh trong lúc co giật. Đồng thời hướng dẫn tàu cá di chuyển nhanh về hướng đảo Phú Quý để cấp cứu người bệnh kịp thời.

 

Nhắc lại trường hợp này, thượng úy Đỗ Hoàng Hiệp cho biết: Trước tình huống đó, sau khi báo cáo ngay cho Ban Chỉ huy đồn biết, xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn thuyền trưởng cách giúp đỡ người bệnh, tôi gọi điện thoại trao đổi với Trạm trưởng Trạm KSBP Phú Quý (Đồn Biên phòng Phú Quý, BĐBP tỉnh Bình Thuận) nhờ hỗ trợ. Đến tối cùng ngày, tàu cá của ông Quang cập cảng Phú Quý và bệnh nhân được CBCS Đồn Biên phòng Phú Quý đưa vào cấp cứu kịp thời tại Trung tâm Y tế huyện đảo này. Nhờ đó, anh Thắng đã thoát hiểm, qua cơn nguy kịch.

 

Theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, chuyện ngư dân bị đau ruột thừa, sốt cao hay tàu bị nạn giữa biển khơi vẫn thường xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão. Mặt khác, cửa Đà Diễn nằm ở vùng bãi ngang, dòng chảy thay đổi liên tục, cửa thường bị cát bồi lấp, mỗi năm hàng chục tàu cá qua lại cửa biển này bị mắc cạn hoặc bị sóng đánh chìm. Mỗi khi tàu cá của ngư dân gặp nạn, CBCS của Trạm KSBP Đà Rằng đều kịp thời hỗ trợ bằng mọi cách. Trường hợp tàu bị mắc cạn nơi cửa biển, lập tức các anh có mặt để bốc chuyển hàng cho tàu nhẹ bớt rồi dốc sức cùng bà con ngư dân, có khi ngâm mình dưới biển suốt cả ngày để cứu tàu.

 

“Sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và tận tâm của CBCS Trạm KSBP Đà Rằng không chỉ giúp giảm bớt thiệt hại tài sản, của cải mà còn là nguồn động viên bà con ngư dân có thêm niềm tin để vươn khơi bám biển, cố gắng làm ăn, làm giàu cho mình, cho xóm làng và không quên trách nhiệm góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Lê Văn Giúp, ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) bày tỏ.

 

LC HNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek