Các gia đình người dân tộc Ê Đê ở Krông Pa (huyện Sơn Hòa), mỗi khi có lễ trọng như: Mừng tuổi trưởng thành cho con cháu; cúng thổi tai cho đứa bé mới chào đời; mừng nhà mới... đều mời ông Ma Nghin đến tổ chức lễ cúng theo tập tục của dân tộc mình.
Ma Nghin sinh ra và lớn lên ở buôn Lé A, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa đến nay đã hơn 70 mùa hoa gạo. Ông là người am tường các lễ thức của người Ê Đê.
Cha truyền con nối
Ma Nghin bộc bạch: “Hồi tôi mới 15, 16 tuổi theo cha là Ma H’Lú đi cúng các lễ hội như: Kết nghĩa anh em, đâm trâu xoay cột, cầu mưa, rước hồn lúa từ chòi ở rẫy về nhà, mừng tuổi con cháu trưởng thành... nên tôi học được những nghi lễ này. Cha tôi nay không còn nữa. Bà con thấy tôi biết được những tập tục của dân tộc mình, nên thường mời tôi đến giúp. Đây là phong tục tập quán lưu truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc chúng tôi”.
Ông Ma Thân, Trưởng buôn Lé A cho hay: Người Ê Đê tin vào các vị thần linh, sông, núi, đất, trời đã phù hộ cho dân làng được an yên, cho mỗi gia đình được may mắn, có cuộc sống đủ đầy. Vào dịp cuối năm khi công việc ruộng rẫy nhàn rỗi, hay tháng hai âm lịch khi cây gạo thay lá non xanh mởn, chuẩn bị mùa hoa mới, bà con thường tổ chức cúng tế, dâng lễ vật để tưởng nhớ các vị thần linh. Buôn làng và các gia đình đều nhờ Ma Nghin đứng ra lo liệu việc lễ nghi. Các lễ vật gồm cơm lúa mới, một con gà, ché rượu. Nhà nào khấm khá hơn thì cúng ba, bốn ché rượu, vài con gà hay một con heo ba, bốn chục ký. Trước cúng các vị thần linh, sau đó mời bà con lân cận đến chung vui.
Đồng bào Ê Đê quan niệm, khi người đã qua đời chưa làm lễ bỏ mả thì linh hồn của người đã khuất vẫn quanh quẩn trong làng buôn, trong gia đình. Vì lẽ đó, họ phải làm lễ bỏ mả để linh hồn người bên kia thế giới được đoàn tụ với tổ tiên, ông bà. Tất cả những lễ tục đó, bà con trong làng buôn đều mời Ma Nghin đến cúng. Già làng Oi Trường (Ma Noan), buôn Lé A cho biết: “Ông Ma Nghin giúp rất nhiệt tình, lại không tính toán chuyện tiền bạc, quà cáp. Cúng xong cùng ăn bữa cơm, uống rượu ché với gia đình là vui rồi”.
Gìn giữ bản sắc
Tháng 3 này, chúng tôi về xã Krông Pa, may mắn dự một buổi lễ cúng hòn đá bếp nhà mới ông Ma Muôn ở buôn Chơ. Ông Ma Nghin đến sớm trưng bày lễ vật gồm: Đầu, đuôi và 4 móng chân con heo; một nồi cơm gạo lúa đỏ; trầu cau và 2 ché rượu. Vợ chồng Ma Muôn ngồi bên bếp vừa đặt 3 hòn đá. Ma Nghin rót rượu ché ra tô đặt giữa bếp và khấn tế: Hỡi yàng Chư P’Răm/ Hỡi yàng Ea T’Lúi/ Nhà Ma Muôn vừa mới cất xong/ Quay về hướng mặt trời mọc/ Bếp ót kê ba viên đá/ Khấn xin các thần cho đá bếp vững bền lâu… Khấn xong bài cúng, chủ nhà Ma Muôn nhóm lửa. Lửa cháy bừng tỏa sáng, ấm áp. Mọi người đến dự ai cũng vui vẻ và cùng nhau nâng tô rượu ché chúc mừng.
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, độc đáo. Trong phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống, người Ê Đê theo tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh theo quan niệm của họ rất đa dạng và hiện hữu trong mọi sự vật, hiện tượng. Vì vậy, đời sống tinh thần của người Ê Đê rất phong phú. Trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người Ê Đê tiến hành các lễ nghi nông nghiệp theo vòng cây trồng và vòng đời của mỗi con người, từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, đến khi sinh ra, lớn lên rồi trở về với tổ tiên ông bà. Họ tin vào các đấng thần linh và đặt ra nhiều lễ thức nhờ sự trợ giúp, cầu cho mùa màng tốt tươi, tránh được hoạn nạn, không có người chết xấu, con cháu trưởng thành luôn mạnh khỏe để giúp ích cho gia đình và xã hội, buôn làng có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn bó hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên đã trở thành món ăn tinh thần độc đáo và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa nhìn nhận: Ông Ma Nghin được bà con tin yêu bởi ông đã giúp mọi gia đình, cho buôn làng về mặt tinh thần. Trong các lễ cúng tế, ông thực hiện theo tập tục tốt đẹp của người Ê Đê, không lợi dụng tín ngưỡng này dẫn đến mê tín dị đoan, trái với truyền thống của dân tộc. Việc làm của ông Ma Nghin đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tâm linh của người Ê Đê, cần trân trọng, khai thác và phát huy nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vật chất và tinh thần cho người dân ở địa phương”.
Cách đây gần 76 năm, trong thư gửi Đại hội Các dân tộc thiểu số tại Pleiku ngày 19/4/1946, Bác Hồ viết: “Giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc, sẽ phát huy sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời mỗi nét riêng của mỗi dân tộc anh em gồm tín ngưỡng phong tục tập quán, lễ hội... bổ sung cho nhau và làm phong phú cho nền dân tộc Việt Nam”. |
TRẦN LÊ KHA