Ở xã Sơn Phước, huyện miền núi Sơn Hòa, anh Đỗ Minh Cảnh (SN 1981), Chủ tịch Hội Cựu chiến ninh (CCB) xã, là tấm gương sáng trong phong trào hoạt động công tác hội và thi đua phát triển sản xuất của địa phương.
Tích cực trong công tác hội
Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội CCB xã, anh Cảnh vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ xoay vòng được hơn 22 triệu đồng. Số tiền này được luân chuyển cho hội viên khó khăn trong các chi hội mượn để phát triển sản xuất. Trong năm 2021, bản thân anh đã tham mưu lãnh đạo UBND xã phân bổ nguồn vốn xóa nhà ở tạm từ chương trình hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hỗ trợ 2 hội viên CCB nghèo ở buôn Ma Gú với số tiền 50 triệu đồng/nhà. Anh tích cực vận động hội viên đoàn kết, hăng say lao động sản xuất, giúp nhau về vốn, cây, con giống, kỹ thuật canh tác và chăm sóc, thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, anh đã thực hiện 6 đợt tuyên truyền bằng loa di động tại 5 thôn, buôn để phổ biến, truyền tải các thông tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của tỉnh và địa phương đến hội viên CCB và bà con thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch như thông điệp 5K và cài đặt sử dụng ứng dụng Bluezone, khai báo y tế; vận động hội viên tham gia tổ COVID cộng đồng; nắm rõ nhân khẩu trên địa bàn phụ trách, nắm danh sách cụ thể những trường hợp đi, đến, về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, kịp thời phát hiện, thông tin, báo cáo cấp ủy, chính quyền và cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời; rà soát các đối tượng khó khăn đề nghị chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lúc khó khăn dịch bệnh.
Bản thân anh còn kêu gọi, vận động hội viên CCB, gia đình, người thân và các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng “Bếp ăn từ thiện” của xã để nấu những suất ăn hỗ trợ người dân trong khu cách ly và lực lượng bảo vệ khu cách ly với nhiều nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá trên 12 triệu đồng. Riêng gia đình anh cho bếp ăn mượn xoong nồi và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ 59 suất ăn sáng cho lực lượng bảo vệ và người dân trong khu cách ly; trực tiếp kết nối và tiếp nhận hỗ trợ 60kg rau củ quả, 110kg cá nục, 30kg gạo từ Ủy ban MTTQ huyện Sơn Hòa hỗ trợ cho bếp ăn; tham gia cùng các tổ chức đoàn thể duy trì bếp ăn thiện nguyện của xã hơn 2 tháng và hỗ trợ ngày 2 bữa ăn (trưa, chiều) cho các công dân về cách ly tập trung và các thành viên lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tích cực lao động sản xuất
Không chỉ làm tốt công tác hội, anh còn được biết đến là tấm gương CCB chịu khó tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Xuất thân trong gia đình nông dân, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn Phước, anh Cảnh hiểu rõ về khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Được học tập và trải qua các lớp đào tạo về nông nghiệp, có cơ hội tham quan rất nhiều mô hình làm kinh tế ở các địa phương, anh mong muốn phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp trên chính mảnh đất của quê hương.
Anh đã mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng để đầu tư trồng mía và chăn nuôi thêm bò 3b (giống bò siêu thịt có giá trị kinh tế cao). Số tiền trên cùng với vốn của gia đình, anh mua 2 con nghé 3b để nuôi bò thịt với giá 42 triệu đồng; đầu tư trồng 1,8ha mía và 0,3ha cỏ sữa để làm nguồn thức ăn cho bò. Với diện tích mía phát triển tốt, ước đạt khoảng 140 tấn/năm và bò cũng phát triển ổn định, xuất bán với giá 100 triệu đồng/2con, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Ngoài trồng mía và chăn nuôi bò, anh còn tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc bươu trên youtube và quyết định thử nghiệm đầu tư nuôi loại ốc này. “Tận dụng thời gian nhàn rỗi vào cuối buổi chiều và các ngày nghỉ trong tuần, tôi tìm mò o về làm khung bể nuôi, nuôi bằng bạt nhựa với diện tích ban đầu là 48m2 mặt nước, có mái che ở phía trên và một bể 33,25m2 để nuôi bèo tấm. Sau đó tôi mua 1kg trứng ốc giống Campuchia và 1kg trứng ốc giống ở miền Bắc về ươm nuôi. Kết quả sau 15 ngày ấp trứng, tỉ lệ nở đạt 90% cho ra khoảng 18.000 con giống, sau 10 ngày tuổi thì cho ra bể nuôi”, anh Cảnh cho biết.
Trời không phụ công người và nhờ anh đã nắm vững được kỹ thuật nên ốc dần phát triển, sinh trưởng tốt. Với số lượng con giống nói trên, đến tháng 3/2022 thì ốc đủ 6 tháng tuổi, sẽ bắt đầu sinh sản để tiếp tục gây giống và có thể xuất bán thương phẩm với trọng lượng ước khoảng 25-40 con/kg, tổng trọng lượng đàn ốc ước đạt từ 400-700kg, nếu bán với giá thấp nhất so với thị trường hiện nay là 80.000 đồng/kg thì sẽ thu về từ 32-56 triệu đồng.
CCB Đỗ Minh Cảnh luôn nêu cao phẩm chất của người lính Cụ Hồ, không ngại khó khăn, vất vả, luôn hết lòng với công tác hội, góp phần đưa Hội CCB xã Sơn Phước trở thành tổ chức hội cơ sở trong sạch vững mạnh xuất sắc. Anh còn là người ham học hỏi, triển khai mô hình nuôi ốc bươu đen bằng bể bạt. Nếu thành công thì đây là mô hình có thể nhân rộng để hội viên CCB và người dân phát triển kinh tế.
Ông Bùi Văn Chót, Chủ tịch Hội CCB huyện Sơn Hòa |
ĐẶNG SỸ