BSCKI Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, có hơn 30 năm gắn bó với ngành Y.
Nỗ lực phấn đấu
Năm 1990, tốt nghiệp Trường đại học Tây Nguyên chuyên ngành ngoại - sản, bác sĩ Vũ Ngọc Dững được phân công công tác tại Bệnh viện 333 Đắk Lắk. Năm 1991, anh xin về tỉnh nhà và được bố trí làm Trưởng Khoa Sản Bệnh viện huyện Tuy An. Năm 2000, bác sĩ Dững được điều về làm Trưởng Phòng Truyền thông thuộc Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh.
Năm 2008, tỉnh giải thể Ủy ban DS-KHHGĐ và thành lập Chi cục DS-KHHGĐ. Trải qua nhiều vị trí công tác như: truyền thông, tư vấn, cải cách hành chính, ISO, quản lý tài sản công, công tác thanh tra chuyên ngành, sau đó được phân công phụ trách lĩnh vực DS-KHHGĐ, bác sĩ Dững không quản ngại khó khăn. Là đàn ông nhưng bác sĩ Dững tham gia quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai, cấp thuốc thiết yếu điều trị bệnh phụ khoa và KHHGĐ, theo dõi, quản lý đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Dù phụ trách lĩnh vực nào, anh cũng luôn tâm niệm yêu nghề là cống hiến vì thế phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau 8 năm trên cương vị phó chi cục, năm 2016, bác sĩ Dững được bổ nhiệm chi cục trưởng. Khối lượng công việc nhiều, biên chế vẻn vẹn 8 người, bác sĩ Dững cùng cán bộ, nhân viên chi cục tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hàng năm đều đạt và vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch giao.
Việc truyền thông, vận động về lĩnh vực DS-KHHGĐ, nâng cao nhận thức cộng đồng, để người dân có thái độ hành vi đúng là việc không hề dễ. Bác sĩ Dững nhớ lại: Thời điểm những năm 90, khi có chiến dịch tiêm chủng mở rộng, tôi được phân công thực hiện tại một số địa bàn vùng biển, phụ trách xã An Ninh Đông.
Do nhận thức của người dân địa phương còn hạn chế nên họ nhất định không chịu đưa con đi tiêm chủng. Không quản ngại khó khăn, ngày nào tôi cũng kiên trì đến từng nhà tuyên truyền vận động, kết quả là ở địa bàn tôi phụ trách, 100% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.
Lần khác làm truyền thông tại xã An Phú, đây là xã có dân số đông nhưng tỉ lệ các cặp vợ chồng trẻ thực hiện biện pháp tránh thai còn thấp. Để đạt chỉ tiêu, tôi kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền, giải thích để họ hiểu và chịu thực hiện biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp, đồng thuận thực hiện mô hình ít con để có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết quả, An Phú nhiều năm liền là xã có các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai cao nhất, hiệu quả nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, chuyên trách dân số xã An Mỹ, với đặc thù là xã ven biển, toàn xã có 5 thôn, 3.364 hộ, 12.961 nhân khẩu. Đây là xã vùng biển, nhiều người dân sống bằng nghề biển nên việc sinh con trai để có lao động chính đi biển rất cần thiết. Chính đặc điểm này mà công tác DS-KHHGĐ ở các xã vùng biển rất khó đạt được chỉ tiêu.
Nhờ có sự hướng dẫn chu đáo tận tình của bác sĩ Dững và lực lượng cộng tác viên mà những năm qua, công tác DS-KHHGĐ của xã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỉ lệ sinh con thứ ba toàn xã giảm còn 3,5%; tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hơn 70%; tỉ suất sinh giảm còn 4,53‰; nhận thức của người dân được nâng cao.
Xác định lực lượng cộng tác viên dân số ở cơ sở là cánh tay nối dài của Chi cục DS-KHHGĐ, do vậy, bác sĩ Dững dành nhiều thời gian trực tiếp hướng dẫn kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông; cách thức vận động đối tượng; trang bị các phương pháp truyền thông thường dùng đối với cán bộ dân số ở cơ sở như: tìm hiểu (đối tượng), lắng nghe, quan sát, truyền đạt; cách xử lý về các mặt tâm lý, hành vi, tình cảm và trí tuệ sao cho phù hợp với từng tình huống; các phương pháp tư vấn và nội dung của công tác tư vấn KHHGĐ...
Khẳng định mình
Không chỉ nỗ lực phấn đấu, bác sĩ Dững còn khẳng định mình bằng những đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chuyên môn. Anh đã có 11 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực DS-KHHGĐ, như: “Điều tra thực trạng cung cấp và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại tỉnh Phú Yên”; “‘Đánh giá công tác quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn năm 2009”; “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh giai đoạn 2011-2015”; “Nghiên cứu tình tình thực hiện KHHGĐ và các yếu tố liên quan đến việc sinh con thứ ba trở lên của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Phú Yên”; “Nghiên cứu một số phong tục tập quán ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Phú Yên”...
Ngoài ra, bác sĩ Dững còn tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Tỉ suất tử vong sơ sinh trong cộng đồng tỉnh Phú Yên” giai đoạn 2016-2018 do BSCKI Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế làm chủ nhiệm… Mỗi đề tài đều xuất phát từ tâm huyết và kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn của anh. Đề tài thực hiện xong được áp dụng vào thực tế mang lại kết quả tốt, đóng góp thiết thực cho ngành Dân số của tỉnh.
Để triển khai các hoạt động về nâng cao chất lượng giống nòi, bác sĩ Dững đã tích cực học tập kinh nghiệm các tỉnh, viết đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tham mưu Sở Y tế, UBND tỉnh phê duyệt, triển khai hiệu quả. Toàn tỉnh hàng năm đã khám sàng lọc các bệnh về dị tật bẩm sinh cho hơn 4.500 phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi.
Đồng thời, bác sĩ Dững trực tiếp làm việc với Ban Giám đốc Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (Trường đại học Y Dược Huế) mời các giáo sư, tiến sĩ về Phú Yên để tổ chức lớp tập huấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các bác sĩ tuyến tỉnh và huyện. Ngoài ra, anh còn trực tiếp xuống các địa phương hướng dẫn cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã cách lấy máu gót chân để sàng lọc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Công tác DS-KHHGĐ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân, mỗi gia đình, cũng như sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện với mục tiêu cụ thể là kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý, giải quyết những vấn đề về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong thành tích chung đó có sự đóng góp nổi bật của bác sĩ Vũ Ngọc Dững. Ghi nhận những thành tích này, các cấp, ngành đã trao cho bác sĩ Dững nhiều bằng khen, giấy khen, cao nhất là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
BSCKII, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế |
THÙY TRANG