Với hơn 50ha keo lai, cộng với chăn nuôi gia súc, ông Lê Hoài Phong (SN 1969) có thu nhập khá, là nông dân sản xuất giỏi, tiêu biểu của xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân.
Ông Phong nhớ lại: Năm 1990, gia đình tôi canh tác mía nhưng nhận thấy giá mía đường bấp bênh, chi phí chăm sóc và thu hoạch lại cao, lợi nhuận mang lại ít, nên tôi quyết định chuyển đổi cây trồng. Với nền đất bằng, êm không sỏi đá thìcây keo là một lựa chọn thích hợp.
Vào thời điểm đó, ý tưởng của ông Phong là hết sức táo bạo, bởi việc chuyển đổi từ cây hàng năm sang cây công nghiệp lâu năm với chi phí đầu tư cao, nghe đến ai cũng lắc đầu. Đã quyết, ông Phong bàn bạc với gia đình vay ngân hàng gần 100 triệu đồng đầu tư mở rộng diện tích và mua cây giống. Những ngày đầu khởi nghiệp, ngoài 12ha đất của gia đình, ông Phong còn mua thêm đất của bà con trong vùng để canh tác. Vừa sản xuất, vừa khai hoang, đến thời điểm hiện tại, trang trại của ông Phong cótổng diện tích trên 50ha vắt dài từ vùng 13 về giáp vùng 12, xã An Nghiệp (huyện Tuy An).
Với diện tích này, ông Phong phân khu để trồng luân phiên cây keo lai và dành khoảng 2ha chăn nuôi gia súc, gia cầm. Lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm ông Phong đều có diện tích keo được khai thác và tái đầu tư. Sau 5 năm, ông đã biến vùng đất hoang hóa thành vùng đồi xanh mướt, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chúng tôi đến trang trại của ông Lê Hoài Phong, khi ông vừa thu hoạch xong 12ha keo lai. Ông Phong cho biết: “Với giá bán khoảng 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí trồng lại, tôi lãi gần 1 tỉ đồng”. Không những trồng keo, ông Phong và vợ còn mở thêm trang trại chăn nuôi heo rừng lai, với tổng đàn lên đến hơn 70 con, mỗi năm ông thu về khoảng 70 triệu đồng từ đàn heo. Song song đó, vợ chồng ông còn gầy thêm đàn bò nái, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng.
Ông Phan Xuân Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang 3 nhận xét: “Có thể nói, anh Phong là một trong những người tiên phong làm về mô hình trang trại nông lâm kết hợp trên địa bàn xã. 3 năm liền, anh Lê Hoài Phong được vinh dự là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh”.
Đến với trang trại của ông Lê Hoài Phong mới cảm nhận hết được không gian của núi rừng, tiếng chim hót, tiếng suối chảy và cơ ngơi cả đời của người nông dân gắn với đất rừng. Với sự rắn chắc, nhanh nhẹn của người học võ, ông Phong cùng với vợ vẫn đi đi về về giữa nhà và trang trại. Bà Đặng Thị Nhung (vợ ông Phong) chia sẻ: “Lúc trước có công ty đến hỏi mua lại trang trại của gia đình với giá khá cao để sản xuất năng lượng mặt trời, nhưng ông nhà tôi không chịu bán. Chúng tôi nghĩ bây giờ còn khỏe, làm được ngày nào hay ngày đó, bán đi rồi là buồn tay buồn chân, không yên”.
Với giọng cười hào sảng, ông Phong nói: “31 năm thực hiện mô hình trang trại là một quãng đường rất dài, sự thành công của gia đình tôi là minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo trong lao động”.
31 năm thực hiện mô hình trang trại là một quãng đường rất dài, sự thành công của gia đình tôi là minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo trong lao động.
Ông Lê Hoài Phong |
BÍCH NGÂN