Chủ Nhật, 15/09/2024 09:20 SA
Lo ngại khi keo lấn sắn, mía
Chủ Nhật, 04/08/2024 13:00 CH

Rừng keo cạnh ruộng lúa ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Dọc quốc lộ 19C từ huyện Đồng Xuân lên Sơn Hòa rồi qua Sông Hinh, rừng keo bạt ngàn trên đồi núi, bờ sông. Những vùng đất rộng gần 100ha, trước đây trồng sắn, mía, nay phủ xanh cây keo; rồi chỗ đất khô cằn ngày trước bỏ hoang giờ cũng thành rừng keo.

 

Nông dân chạy theo cây keo, bởi keo là cây dài ngày, 4 năm sau thu hoạch. Trong khoảng thời gian đó, mỗi năm chỉ cần thăm một lần, bỏ phân cho cây phát triển.

 

Keo leo dốc

 

Ông Nguyễn Thanh Út ở thị trấn La Hai, chạy xe máy theo quốc lộ 19C thăm rừng keo ở Lỗ Vàng, xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) cho hay: Khu vực Lỗ Vàng và Long Nguyên của xã Xuân Long rộng gần 100ha, trước đây nổi tiếng là vùng trồng mía, sắn, giờ thay vào đó là keo leo dốc lên tận đồi cao.

 

Ông Út nhớ lại thời nấu đường phuy. Vùng gò đồi rộng lớn giáp ranh giữa xã Xuân Long và Xuân Lãnh với những sở đất rộng vài chục héc ta, năm đầu trồng mía tơ, năm đến để lưu gốc 1 năm, sau đó chuyển sang trồng sắn, rồi qua trồng mía. Nghĩa là vòng tròn nông nghiệp, trong 3 năm thì 2 năm mía, 1 năm sắn, không có cây trồng khác chen vô. Thế nhưng hơn 10 năm nay, vùng đất này chỉ trồng keo gối đầu năm này qua năm khác.

 

Ông Bùi Văn Tính ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Nói đâu xa, dọc theo quốc lộ 19C, khu vực giáp ranh xã Xuân Phước với xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), trước đây mía bạt ngàn giờ chỉ còn lại vài đám gần đường, còn cây sắn thì khu vực này không còn ai trồng nữa. Hai bên đường là những rừng keo, ngày nào cũng có xe tải chở gỗ keo ra vào.

 

Ông Tính có người bà con ở huyện Sông Hinh. Hằng năm, ông chạy xe máy trên quốc lộ 19C từ huyện Đồng Xuân lên Sơn Hòa rồi qua Sông Hinh thăm nhà họ hàng. “Từ xã Sơn Định xuống Sơn Hội, Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) rồi qua xã Đức Bình Đông, Ea Trol (huyện Sông Hinh), với điều kiện thổ nhưỡng và bằng ý chí, sức lao động của con người lúc đó, những đồi núi rộng lớn đến bờ suối đều phủ đầy mía. Sau vài vụ thu hoạch, đất rẫy bị rửa trôi bạc màu nên nông dân chuyển sang trồng keo. Bây giờ qua lại vùng này, sắn, mía trồng dưới đất bằng, còn keo leo dốc, nhưng có một số vùng keo trồng dưới đất bằng, lấn sắn, mía”, ông Tính kể.

 

Theo bà Trần Thị Hiền ở xã Đức Bình Đông, bây giờ cây keo không chỉ trồng trên đất gò đồi mà cả đất bằng. Bởi, trồng keo một lần rồi để đó đi làm chuyện khác như vào công ty làm công nhân, thợ hồ, sau đó 4 năm thu hoạch rừng keo. Trong khoảng thời gian đó thì mỗi năm chỉ cần đi thăm một lần, bón phân cho cây phát triển. Còn mía, sắn là cây hằng năm, năm nào cũng phải cày bừa, cuốc cỏ, chăm sóc rồi thu hoạch. Thế nhưng có năm được mùa mất giá, được giá mất mùa, gặp chỗ đất xấu đầu tư phân bón nhiều, tính ra lỗ nên nông dân không mặn mà.

 

Trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp

 

Cũng trên quốc lộ 19C từ xã Xuân Long lên xã Xuân Lãnh, một bên là gò đồi, một bên là dọc theo bờ sông Cô (bắt nguồn từ xã Đa Lộc chảy xuống Xuân Lãnh, Xuân Long) có những triền soi, nông dân trồng keo, thay vì trồng cây hằng năm như trước đây.

 

Tương tự, tại khu vực bờ sông Trà Bương, đoạn giáp ranh xã Xuân Phước và Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), vùng đất ven sông trước đây trồng hoa màu thì nay trồng keo. Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Xuân Quang 3 cho hay: Tôi có đám đất ven sông Trà Bương trồng sắn, mía. Năm rồi, hai bên người ta trồng keo chỉ còn đám đất của tôi ở giữa. Khi cây keo lên cao, đám đất bị rập (che khuất ánh sáng mặt trời), nên tôi bỏ trồng sắn mía theo keo. Đất ven sông bây giờ không còn một tấc bỏ hoang, luôn có rừng keo cạnh bờ sông.

 

Thống kê của Sở NN&PTNT, niên vụ sắn 2024-2025, theo kế hoạch trồng 26.000ha, thực tế diện tích trồng chỉ 22.586,5ha; những năm qua, diện tích mía cũng giảm gần 1.000ha. Phong trào trồng keo tuy mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, trồng keo tự phát mà cần tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

 

Trước tình trạng nông dân trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp, dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu sắn, mía, Sở NN&PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương vận động nông dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp. Cây keo lai vốn dễ trồng, chi phí đầu tư thấp nên nhiều người dân tìm đến loại cây này. Sở NN&PTNT nhận định thời gian qua việc xử lý tình trạng trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp chưa kịp thời, dứt điểm gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek