Thứ Năm, 28/03/2024 20:57 CH
Sư đoàn 305 - 60 năm thành lập và trưởng thành
Thứ Sáu, 15/08/2014 10:08 SA

Cựu binh Sư đoàn 305 thăm hỏi đồng đội thương binh - Anh hùng Lê Thành Cượng (thứ tư từ trái sang) - Ảnh: H.MY

Cách đây 60 năm, ngày 19/8/1954, Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có quyết định thành lập Đại đoàn 305 Liên khu 5 nhân ngày Quốc khánh 2/9/1954, tại sân vận động xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bộ Tư lệnh đại đoàn tổ chức lễ ra mắt trước hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương.

 

Đại đoàn 305 ra đời trong bối cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20/7/1954), hòa bình được lập lại ở Đông Dương; miền Bắc được hoàn toàn giải phóng; miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào giới tuyến quân sự tạm thời; đất nước tạm thời bị chia cắt làm 2 miền.

 

Đại đoàn 305 ra đời sau các đại đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Song trong cơ cấu tổ chức lãnh đạo và chỉ huy của đại đoàn gồm những đồng chí đảng viên, cán bộ trung kiên và tài năng đã từng hoạt động và chiến đấu trên chiến trường ác liệt. Được cử giữ cương vị lãnh đạo chỉ huy đại đoàn, sư đoàn, lữ đoàn 305 là các đồng chí chỉ huy quân sự: Nguyễn Đôn, Nguyễn Bá Phát, Võ Thứ, Giáp Văn Cương, Nguyễn Minh Châu, Phan Hàm, Hà Vi Tùng, Phạm Duy Minh, Nguyễn Trọng Xuyên, Nguyễn Chí Điềm, Phạm Kha, Phạm Dược, các đồng chí chính ủy: Nguyễn Quyết, Nguyễn Đường, Nguyễn Linh, Nguyễn Nam Khánh, Nguyễn Hữu Thành, Lê Đình Yên, Nguyễn An Tường, Võ Cứ, Nguyễn Lợi, Nguyễn Trinh Anh, Lê Tư,… chiến sĩ hầu hết là con em của nhân dân các dân tộc Nam Trung Bộ.

 

Một đội ngũ cán bộ các cấp và gần 3.000 đảng viên được tôi luyện trong chiến đấu và công tác vận động quần chúng, được tập hợp trong đội hình đại đoàn làm lực lượng nòng cốt xây dựng đơn vị, thành phần các đơn vị trực thuộc của đại đoàn đều là các đơn vị chủ lực của Liên khu 5 đã từng đánh giỏi, thắng lớn trên chiến trường liên khu 5, có bề dày truyền thống vẻ vang, là những đơn vị anh hùng trong kháng chiến chống Pháp (E108, E96, E803).

 

Trước khi về trong đội hình Đại đoàn 305 trong chiến dịch Xuân - Hè (1953-1954), trên chiến trường Liên khu 5, những đơn vị này đã cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương có những trận đánh oanh liệt, lập công xuất sắc, chiến thắng giòn giã. Trung đoàn 108 với trận đánh tiêu diệt khu Mang Đen mở màn cho chiến dịch thắng lợi, tập kích tiểu khu Pleicu. Triệt phá đường 19, bẻ gãy đầu cầu đèo Thượng An ở An Khê, tiêu diệt Trung đoàn 42 ngụy và Binh đoàn cơ động 100 của Pháp trong trận Chư - Rhé (đường 14) noi gương anh hùng liệt sĩ Trần Đức, Nguyễn Đô Lương (chiến sĩ Trung đoàn 108), liệt sĩ Võ Cát trong trận Mang Đen (28/1/1954) đã dũng cảm đạp rào kẽm gai áp bộc phá diệt lô cốt địch, mở cửa khẩu, dẫn đầu xung kích xông lên diệt cứ điểm, buộc địch giương cờ trắng đầu hàng. Gương anh dũng hy sinh ấy chưa bao giờ phai mờ trong ký ức cựu chiến binh Đại đoàn 305.

 

Trung đoàn 96 với truyền thống chiến đấu của Trung đoàn Thái Phiên, những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã chiến đấu kiên cường bảo vệ TP Đà Nẵng, cắt đèo Hải Vân, vây hãm quân Pháp một tháng trong thành phố. Chiến công đầu đó đã vinh dự được đại diện chính phủ trung ương tại miền Nam Phạm Văn Đồng tặng cờ “Giữ vững” cho trung đoàn.

 

Được tái lập tháng 3/1954, các đơn vị của trung đoàn đã quần bám đánh địch, ngăn chặn địch tấn công mở rộng chiếm đóng ở Quy Nhơn trong chiến dịch Át-lăng của Pháp.

 

Ngày 24/6/1954, quân Pháp rút bỏ An Khê. Tuy với tương quan lực lượng: dịch 4 ta 1, trung đoàn đã quyết tâm đánh tiêu diệt địch tài đèo Dak Pơ.

 

Toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 của Pháp từ Nam Triều Tiên kéo về tăng cường cho chiến trường Đông Dương cùng toàn bộ lực lượng ngụy của tiểu khu An Khê đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Một trận đánh có hiệu suất chiến đấu khá cao, được Hồ Chủ tịch gửi thư khen Liên khu 5 và tặng Trung đoàn 96 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, được vinh dự nhận cờ luân lưu Quyết chiến, Quyết thắng của Bộ Tư lệnh Liên khu 5.

 

Trung đoàn 201 vốn có bề dày thành tích hoạt động trên chiến trường địch hậu Gia Lai - Bắc Tây Nguyên, tuy được tái lập 5/1954 song các tiểu đoàn trực thuộc 59, 20, 89 là những đơn vị trưởng thành chiến đấu và công tác ở các mặt trận địa phương. Tiểu đoàn 59 nối tiếp chiến công diệt cứ điểm đồn Nhất ở Hải Vân, Trường Giảng ở Điện Bàn, đầu đèo Thượng An ở An Khê năm 1953, Tuy Bình trong Xuân - Hè (1953-1954). Đơn vị đã sản sinh người chiến sĩ thi đua xuất sắc của Liên khu 5: liệt sĩ Trần Xưng.

 

Tiểu đoàn 20 nổi danh với trận đánh thần kỳ đêm 20/7/1954, tiêu diệt chiến đoàn Âu - Phi ở Bồ Bồ (Quảng Nam).

 

Tiểu đoàn 89 - đơn vị đã lập nhiều thành tích trong nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do ở Quảng Ngãi, trong công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở ở vùng căn cứ địa Sơn Hà (Tây Quảng Ngãi), Bắc Kon Tum, tiêu diệt cứ điểm Mang Bút trong trận mở màn chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954.

 

Các đơn vị binh chủng: pháo binh, công binh, thông tin, trinh sát đặc công luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp tác chiến, nên thành tích gắn liền với chiến công và chiến thắng của các đơn vị bộ binh.

 

Chiến thắng, thành tích, chiến công của các đơn vị được hòa quyện tạo nên truyền thống vẻ vang của đại đoàn.

 

Năm 1956, Đại đoàn 305 được đổi tên thành sư đoàn để thống nhất tổ chức trong quân đội chính quy.

 

Năm 1959, Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức biên chế Lữ đoàn 305 gồm các tiểu đoàn: 19, 50, 79, 59, pháo binh, công binh, thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu cơ động sẵn sàng chiến đấu. Đại bộ phận lực lượng các trung đoàn chuyển ra làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, một bộ phận sư đoàn bổ sung cho Quân khu 4.

 

Năm 1961, Sư đoàn 305 chuyển thành Lữ đoàn dù 305 nhằm đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cơ động chi viện cho chiến trường.

 

Năm 1967, xây dựng phát triển binh chủng đặc công nhằm tăng cường lực lượng chiến đấu đặc biệt bổ sung cho chiến trường.

 

Ngày 12/4/1994, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn 305 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 gồm các trung đoàn 108, 201, 803.

 

Sư đoàn 305 đã tích cực hỗ trợ nông dân đấu tranh trong cải cách ruộng đất. Với vai trò của quân đội làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của nông dân, các đơn vị trong đại đoàn đã tham gia lực lượng bảo vệ các điểm đấu tố của giai cấp nông dân với địa chủ, một số cán bộ chiến sĩ được chọn tham gia vào các đội công tác xây dựng cốt cán cho cơ sở đảng và chính quyền ở các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ.

 

Mùa thu 1957, lũ lớn trên sông Hồng làm đê Mai Lâm bị vỡ. Trung đoàn 108 và Tiểu đoàn công binh được lệnh cơ động 70km từ Phú Thọ - Mai Lâm để chống lũ, hàn đê bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân được chính phủ biểu dương, nhân dân phấn khởi càng thêm tin yêu bộ đội.

 

Giữa năm 1958, Sư đoàn 305 nhận nhiệm vụ lao động xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, sư đoàn đã huy động 2.000 quân của các đơn vị tham gia công trình. Gần 2 tháng lao động trên công trường xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải.

 

Tháng 10/1957, từ Thái Bình, đại đoàn chuyển lên Phú Thọ đóng quân trong nhà dân - với ý thức tự lực tự cường, các đơn vị đã tổ chức khai thác vật liệu tại chỗ. Từ Lâm Thao, Hạc Tri, Phù Ninh, Bạch Hạc,… hàng trăm khu doanh trại khang trang mọc lên xen các rừng cọ, đồi ché vùng đất trung du Phú Thọ, bảo đảm cho bộ đội toàn sư đoàn ổn định nơi ăn, chốn ở, tạo điều kiện cho huấn luyện và xây dựng nếp sống chính quy của quân đội.

 

Trung đoàn 108 xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, Thái Nguyên, Trung đoàn 96 xây dựng nông trường cao su, cà phê Đồn Vàng - Phú Sơn; Trung đoàn 210 xây dựng nông trường Vân Lĩnh.

 

Sư đoàn 305 làm tốt công tác huấn luyện, xây dựng quân đội chính quy, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam.

 

Hàng trăm cán bộ của sư đoàn được chọn đi đào tạo ở Trường sĩ quan Lục quân, sau 3 năm học tập đã về lại sư đoàn, được bổ sung làm nòng cốt huấn luyện chính quy cho các đơn vị. Sư đoàn tổ chức diễn tập có thực binh, hình thức chiến thuật vận động tiến công và phòng ngự đồi núi được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

 

Phong trào thi đua được phát triển toàn diện, không những trong huấn luyện quân sự, lao động sản xuất, tăng gia tự túc, mà còn phát triển các hoạt động thể thao, văn hóa.

 

Hai đội bóng đá và bóng chuyền được xây dựng từ những cầu thủ quân nhân của các đơn vị tập hợp lại, vừa tập luyện vừa lao động để có tiền bồi dưỡng, sắm giày và trang phục, từ chân đất đã tiến lên trình độ A1 toàn quốc, sánh vai, đọ sức trên các sân cỏ miền Bắc với các đội bóng mạnh như: Thể công, Hoàng Diệu Hà Nội, Công an, Cảng Hải Phòng, Bưu điện, Đường sắt,… Tổ chức những trận đấu phục vụ cho bộ đội, nhân dân Phú Thọ và các địa phương.

 

Những chiến sĩ văn nghệ không chuyên cũng được tập hợp xây dựng đội văn công sư đoàn - với phương thức tự diễn, phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ chiến sĩ, làm nòng cốt phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trong sư đoàn.

 

Tháng 11/1958, Đại hội đại biểu Đảng bộ Sư đoàn 305 lần thứ nhất được tổ chức tại Gò Gai, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), 120 đại biểu đại diện gần 3.000 đảng viên về dự, 13 ủy viên ban chấp hành Đảng bộ được đại hội bầu ra. Đại hội thành công đã tăng cường đoàn kết nhất trí, nâng cao được vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong Đảng bộ sư đoàn.

 

Thực hiện chủ trương phong quân hàm trong quân đội, tháng 11/1958 Bộ Tư lệnh tổ chức lễ trao quân hàm sĩ quan các cấp cho cán bộ trong sư đoàn, đánh dấu sự phát triển chính quy hóa quân đội.

 

Ngày 10/10/1959, tổ chức sư đoàn được giải thể chuyển sang xây dựng Lữ đoàn bộ binh cơ động theo quyết định của Bộ Quốc phòng.

 

Tháng 1/1961, thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Lữ đoàn 305 chuyển sang xây dựng bộ đội dù đổ bộ đường không - nhằm đáp ứng yêu cầu cơ động sẵn sàng chiến đấu cao.

 

Năm 1967, Lữ đoàn dù 305 chuyển sang xây dựng binh chủng đặc công. Từ những năm 1959 cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam bước qua giai đoạn mới, theo yêu cầu của chiến trường, lần lượt các cán bộ và đơn vị của Sư đoàn 305 được bổ sung vào miền Nam chiến đấu, một bộ phận cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn được biên chế vào Tiểu đoàn 19 để huấn luyện và trang bị phương tiện bổ sung cho chiến trường Khu 5 - Tiểu đoàn 50 bổ sung cho chiến trường Khu 6.

 

Sau 7 năm xây dựng ở miền Bắc, được về lại miền Nam quê hương chiến đấu, thỏa mãn ước mong của gần 700 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 19. Sau 3 tháng ròng rã hành quân vượt Trường Sơn tự mở đường mà tiến, đánh địch mà đi đến tháng 7/1961, Tiểu đoàn 19 về đến đất quê hương Khu 5 - được Quân khu 5 lấy cán bộ, chiến sĩ D19 làm nòng cốt xây dựng phát triển thành 2 tiểu đoàn với phiên hiệu D90, D95, D90 làm nòng cốt xây dựng Trung đoàn 1 Ba Gia thuộc Sư đoàn 2 sau này.

 

D95 làm nòng cốt xây dựng Trung đoàn 2 An Lão thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng sau này.

 

Trên chiến trường miền Nam, các đơn vị này đã lập được nhiều chiến công trong chiến đấu đánh Mỹ: Ba Gia - Vạn Tường (e1/F2); An Lão - Đèo Nhông (e2/F3) trong các chiến dịch lớn: Đường 9 Nam Lào, Xuân 1968, Xuân 1975, Giải phóng Tam Kỳ - Đà Nẵng, Bình Định, Phan Rang, Vũng Tàu được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong truyền thống vẻ vang của các đơn vị: e1/F2, e2/F3 đều có dấu ấn truyền thống của Sư đoàn 305.

 

Để phát huy truyền thống sư đoàn, ngày 12/4/1994, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập sư đoàn dự nhiệm với phiên hiệu truyền thống 305 gồm: 3e:108, 210, 803.

 

Điểm lại quá trình tồn tại và phát triển của sư đoàn, trải qua những biến động về tổ chức, tuy phiên hiệu - sư đoàn có thay đổi, thậm chí có lúc không còn trong danh sách đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam, song cán bộ, chiến sĩ đã từng sống chiến đấu, trưởng thành gắn bó với truyền thống sư đoàn vẫn tồn tại, chiến đấu, trưởng thành ở các đơn vị kế thừa.

 

Trong số trên 10 ngàn cán bộ, chiến sĩ có mặt ở Đại đoàn 305 từ ngày 19/8/1954 đã từng dùng mồ hôi công sức, xương máu của mình đóng góp vào thành tích xây dựng, công tác, chiến đấu của sư đoàn đã tô thắm bản chất cách mạng, truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay, những người còn sống vẫn luôn ghi nhận trong ký ức về một quá khứ hào hùng và vẻ vang của mình.

 

Với ý tưởng: “Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại làm đẹp cho đời” (lời đồng chí Phạm Văn Đồng), cựu chiến binh Đại đoàn 305 muốn có được một kỷ vật để lưu niệm như một dấu ấn về một thời quá khứ của mỗi người.

 

Theo đề nghị của Ban liên lạc Sư đoàn 305 đứng đầu là đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh và Đại tướng Nguyễn Quyết, Bộ Quốc phòng, Viện Huân chương cho ra đời Kỷ niệm chương Sư đoàn 305 “Đoàn kết - chiến đấu - công tác - sản xuất” để tặng cho những cựu chiến binh có công đóng góp vào truyền thống vẻ vang của Sư đoàn 305 trong thời kỳ từ 19/8/1954 đến 19/8/1959. Và Ban liên lạc cựu chiến binh Đại đoàn 305 cũng có ý tưởng góp vào việc nghiên cứu biên soạn tái hiện lịch sử truyền thống Đại đoàn 305 trong công trình khoa học lịch sử về lực lượng vũ trang nhân dân Quân khu 5 Nam Trung Bộ.

 

Đại tá Võ Văn Ký

Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 305 tại Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những ngày ở lại
Thứ Bảy, 09/08/2014 10:00 SA
Vĩnh biệt một bậc lão thành
Thứ Bảy, 09/08/2014 08:27 SA
Rạng ngời khí tiết cách mạng
Thứ Tư, 06/08/2014 10:10 SA
Chiến trường Tuy Hòa mùa khô 1966
Thứ Sáu, 01/08/2014 09:51 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek