Thứ Sáu, 29/03/2024 22:01 CH
Phát huy di sản văn hóa Duyên hải Nam Trung Bộ
Thứ Năm, 18/12/2014 08:16 SA

Đền thờ Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa), di tích lịch sử nổi tiếng của Phú Yên - Ảnh: P.V

Duyên hải Nam Trung Bộ là cái nôi hình thành và phát triển của nhiều nền văn hóa lâu đời như Chăm Pa cổ. Đến nay, trải khắp các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ đâu đâu cũng có di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, công tác quảng bá, bảo tồn và phát huy vẫn là vấn đề làm các nhà văn hóa trăn trở.

 

TIỀM NĂNG DI SN VĂN HÓA

 

Tại hội thảo khoa học Báo chí với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc diễn ra tại Bình Định, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trên cả nước đã bàn luận sôi nổi về mảng văn hóa khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Theo đó, các học giả cho rằng, Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng đất có nhiều tiềm năng di sản văn hóa. Vùng đất này mang đậm nét văn hóa Chăm Pa cổ. Đây chính là nét văn hóa chung, tiêu biểu làm nên tính độc đáo của cư dân khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ với khối lượng di sản văn hóa đồ sộ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong đó, hệ thống đền tháp chính là các điển hình cho nền văn hóa này. Dọc theo dải đất Nam Trung Bộ, hệ thống đền tháp Chăm hiện hữu ở rất nhiều nơi. Trong đó, có rất nhiều công trình đền tháp đẹp như: Bánh Ít, Dương Long (Bình Định), Tháp Nhạn (Phú Yên), Ponagar (Khánh Hòa), Poklong Garai (Ninh Thuận)... Các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ trong văn hóa Chăm Pa vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn tại các bảo tàng trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Bất kỳ ai cũng dễ dàng chiêm ngưỡng hàng ngàn hiện vật điêu khắc mỹ thuật, hiện vật điêu khắc đá, gốm Chăm Pa cổ độc đáo từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII tại các bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng; Bảo tàng Bình Định, Bảo tàng Phú Yên…

 

Vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ còn có các di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến thời kỳ cư dân Việt đi mở nước ở thời kỳ cận đại. Đó là hệ thống thành lũy chạy dài hơn 100km xuyên 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong đó, tiêu biểu có Di tích thành lũy cảng biển trên bán đảo Phương Mai là công trình quân sự phòng thủ cảng biển thời Tây Sơn và hệ thống Di tích kinh đô triều Tây Sơn trên đất Bình Định.

 

Từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, nơi nào cũng có các danh thắng mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh. Đó là danh thắng Bà Nà, làng mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng (Đà Nẵng); Di sản văn hóa Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, Núi Ấn - Sông Trà, mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi); Bảo tàng Quang Trung, Khu di tích Ghềnh Ráng, đồi Thi nhân, mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử (Bình Định); Di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô, Gành Đá Đĩa, Bãi Môn, Mũi Điện (Phú Yên)… trở thành tài sản vô giá của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

 

Tháp Nhạn, danh thắng nổi tiếng của Phú Yên - Ảnh: T.DIỆU

 

BÁO CHÍ - KÊNH QUẢNG BÁ HIỆU QUẢ

 

Theo tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, thực tế cho thấy các sản phẩm văn hóa được quảng bá trên các kênh truyền hình lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, các trang báo điện tử có uy tín trên cả nước đều tạo được tiếng vang và thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Việc quảng bá sản phẩm văn hóa trên các kênh này là giải pháp tối ưu nhất để phát huy tiềm năng di sản trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Thực tế còn cho thấy có rất nhiều địa phương chưa chú trọng đến việc quảng bá các di sản văn hóa. Thêm vào đó có nhiều bài viết còn manh mún, mang tính địa phương. Trong khi đó để phát huy di sản văn hóa khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ cần có các bài viết chuyên sâu làm bật lên nét chung, nét riêng trong văn hóa các địa phương này.

 

Theo tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, các địa phương trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ cần hình thành mạng lưới văn hóa gắn với phát triển du lịch. Các nhà quản lý văn hóa các địa phương cần phối hợp với các đơn vị du lịch tổ chức hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chiến lược hành động trong tương lai, trong đó chú trọng đến các vấn đề tạo ra các sản phẩm văn hóa tiếp thị xuyên các tỉnh, thành; đầu tư quảng bá di sản văn hóa, lịch sử ở các địa phương; nghiên cứu nhu cầu nhân lực, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa để đào tạo lực lượng chất lượng cao và cải thiện thu nhập cho nhân viên.

 

Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ sớm trở thành vùng đất phát triển du lịch văn hóa nếu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa báo chí và các ngành có liên quan.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek