Thứ Tư, 24/04/2024 05:22 SA
Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim:
Khán giả cũng có lỗi
Chủ Nhật, 21/09/2014 14:00 CH

Cảnh trong phim “Thần tượng” - Ảnh: Internet

Những năm qua, ngoài vài “làn gió mới” thi thoảng xuất hiện, phim truyện điện ảnh Việt Nam vẫn còn quá nhiều điều khiến những người đam mê nghệ thuật thứ bảy ưu tư. Sự “lấn lướt” của phim tư nhân tại các rạp và các lễ trao giải Cánh diều, Bông sen là điểm sáng của việc xã hội hóa, song bên cạnh đó cũng có những khoảng lặng cùng tiếng xì xào.

 

Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn phó giáo sư - tiến sĩ Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam về lối đi của nền điện ảnh.

 

* Trong những năm gần đây, phim truyện điện ảnh của tư nhân không chỉ “làm mưa làm gió” ở các rạp mà còn “áp đảo” tại sân chơi của hội, Cục Điện ảnh. Giải Cánh diều vàng năm 2012, 2013 đều thuộc về phim tư nhân. Ông nghĩ gì về sự lấn át của phim tư nhân trước phim nhà nước?

 

- Chúng ta dần dần phải đi đến chỗ không phân biệt phim nhà nước hay phim tư nhân, bởi vì các hãng phim nhà nước bắt đầu cổ phần hóa. Và trong cuộc cạnh tranh “đơn đặt hàng”, tiền tài trợ làm phim của nhà nước, các hãng phim đều bình đẳng.

 

Hiện nay, phim nhà nước khai thác các đề tài cần tuyên truyền nhưng chưa đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, thành ra có sự khập khiễng giữa điều mình muốn làm với điều mà dân cần. Nếu nhà nước làm phim để giáo dục tuyên truyền thì khi chiếu không thu tiền, cứ đưa đi chiếu rộng rãi ở các nơi, người dân xem, tiếp thu các thông tin cần thiết. Như vậy, nhà nước đạt mục đích tuyên truyền, người dân cũng thỏa mãn.

 

Sau khi có chủ trương xã hội hóa, tư nhân làm phim rất nhiều, mỗi năm có hơn 10 phim, chủ yếu là ở TP Hồ Chí Minh. Phim của tư nhân rất phong phú về đề tài và đủ thể loại: tâm lý xã hội, hành động, kinh dị, dã sử…; một số phim có sự kết hợp giữa các thể loại như: tâm lý - hài, hành động - tâm lý… Trước đây, có một giai đoạn tư nhân làm phim thương mại đơn thuần, cách thể hiện cũng vậy. Nhận thấy điều đó như lửa rơm, bùng lên rồi tắt rất nhanh, họ đã rút kinh nghiệm. Phim tư nhân bây giờ kết hợp yếu tố nghệ thuật với thương mại, có một số phim xuất sắc, gần đây nhất là phim Thần tượng đề cập đến showbiz. Không chỉ có những chi tiết rất thật trong đời sống, phim Thần tượng có ý tưởng, có thông điệp. Xu hướng kết hợp giữa nghệ thuật với thương mại đang được chú trọng và thắng thế. Điều quan trọng là cách thể hiện, ngôn ngữ điện ảnh… tiến bộ hơn trước rất nhiều. Phim của ta hồi trước rất chậm rãi, bây giờ họ xử lý không gian và thời gian đều theo cách mới, tiết tấu nhanh, lôi cuốn hơn. Một số phim đã có mặt trên thị trường thế giới, đấy là tiến bộ rất lớn.

 

* Nhiều ý kiến cho rằng các đạo diễn Việt kiều đã thổi làn gió mới vào phim truyện điện ảnh. Song bên cạnh những tác phẩm để lại dấu ấn, phim tư nhân có quá nhiều “thảm họa”, thậm chí “phim thảm họa” còn “mạnh dạn” tranh giải. Lỗi này phải chăng chỉ do thị hiếu người xem, chỉ thuộc về người xem?

 

- Lỗi của người xem cũng lớn lắm. Hiện nay, thị hiếu lệch rất nhiều. Xem phim ở rạp chủ yếu là thanh thiếu niên; trí thức lớn tuổi và những người nội trợ ít đến rạp. Các bạn trẻ thích gì thì xem đó. Các nhà làm phim muốn “câu” họ nên khai thác những đề tài, nội dung rất “kỳ lạ”. Khán giả trẻ đến xem, quen dần và đi theo hướng đó. Hiện nay, phim kinh dị đang nở rộ, các hãng đua nhau làm phim kinh dị. Thể loại phim này là con dao hai lưỡi, nó thử thách sự chịu đựng, tính “gan lỳ” của khán giả, thỏa mãn trí tò mò nhưng phá hủy thẩm mỹ. Mà càng đi ngược thẩm mỹ thì càng kinh dị.

 

Một số bộ phim của tư nhân không chỉ giải trí đơn thuần, thương mại đơn thuần mà còn đưa vào những thứ không có lợi cho người xem, đi ngược lại với cách giáo dục đạo đức. Phim hài thì chọc cười vô bổ chứ không có chiều sâu, không đả kích châm biếm cái xấu, nêu gương cái tốt.

 

Nhìn chung, phim truyện điện ảnh hiện nay hay dở, tốt xấu đan xen nhau. Lực lượng phê bình chuyên nghiệp rất mỏng, họ hầu như không lên tiếng vì chán, vì viết bài thì cũng ít có nơi đăng. Báo chí thì không nói đến nơi đến chốn, hình như phóng viên không có đủ kinh nghiệm trong chuyện này nên viết một chiều, có tính chất giới thiệu phim thành ra không có tác dụng.

 

* Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh từng nói rằng vấn đề đáng bàn nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay là con người, là đào tạo. Muốn thay đổi toàn diện thì phải cử người đi đào tạo ở những nước có nền điện ảnh phát triển. Phó giáo sư nghĩ sao về điều đó?

 

- Đúng như thế. Con người quyết định tất cả. Có thể lấy Hàn Quốc để ví dụ. Cách đây 2 đến 3 thập niên, điều kiện và trình độ của họ kém hơn Việt Nam. Sau đó, họ cử người ra nước ngoài học tập. Chỉ một số ít ở lại, những người khác quay về, trở thành người đào tạo cho thế hệ sau, trở thành những nhà làm phim nổi tiếng.

 

Ở Việt Nam, vấn đề đào tạo có nhiều bất cập. Chương trình cũ, không đáp ứng yêu cầu; những môn không cần thiết thì chiếm nhiều thời gian trong khi thực hành lại rất ít, điều kiện thực hành không có, thiết bị cũng thiếu. Mặt khác, đội ngũ hiện nay không đồng bộ, một số khâu rất cần thiết nhưng không có người làm như hóa trang, rất thiếu những người chuyên nghiệp. Cho nên việc cử vài trăm người ra nước ngoài học để về đủ lực lượng làm phim là rất cần thiết. Tôi đã nhiều lần đề xuất điều này với Chính phủ. Bây giờ đưa vào quy hoạch và chiến lược phát triển điện ảnh, hy vọng sẽ thực hiện được từng phần.

 

* Xin cảm ơn phó giáo sư - tiến sĩ!

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek