Thứ Sáu, 29/03/2024 22:53 CH
Lâm Dũ Xênh và câu chuyện từ lòng biển
Chủ Nhật, 31/08/2014 15:00 CH

Nhiều người bảo ông là nhà sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn đồ cổ số 1 ở Quảng Ngãi. Cũng không ngoa, bởi ông có một “gia tài” lớn với hơn 10.000 cổ vật, trong đó có những “món” độc nhất vô nhị mà nhiều nhà sưu tầm khao khát săn tìm.

 

Mười mấy năm nay, ông lặng lẽ gom góp những mảnh vỡ hoen dấu thời gian được ngư dân đưa lên từ lòng biển, mày mò phục chế và lắng nghe biết bao câu chuyện độc đáo về văn hóa. Ông cũng đã tặng nhiều cổ vật cho các bảo tàng. Nhà sưu tầm kỳ lạ đó là Lâm Dũ Xênh - Phó chủ tịch CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh Quảng Ngãi.

 

* Điều gì khiến một lương y như ông say mê sưu tầm cổ vật và trở thành nhà sưu tầm có tiếng ở miền Trung?

 

Nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh - Nguồn: PLO

- Tôi là thầy thuốc, biết chữ Hán, chữ Nôm, đọc sách xưa nên có suy nghĩ hoài cổ. Những quyển sách xưa, sự hoài cổ như một cơ duyên đưa tôi đến với việc sưu tầm cổ vật để gìn giữ những nét đẹp xưa. Điều khiến tôi mê mẩn nhất là những nét văn hóa cổ xưa ở các làng xóm, địa phương. Và tôi thích sưu tầm đồ cổ.

 

* Được biết mười mấy năm qua, ông lặng lẽ gom nhặt mảnh vỡ cổ vật ở các làng chài ven biển rồi mời chuyên gia phục chế. Lẽ nào những mảnh vỡ ấy lại “kể” với ông nhiều điều và có sức hấp dẫn hơn cả các cổ vật còn nguyên vẹn?

 

- Gia đình tôi đã mấy đời sống với dân biển, từ thời ông nội tôi cho đến bây giờ. Mảnh vỡ gốm sứ cổ ở vùng biển miền Trung - đặc biệt là vùng biển Quảng Ngãi - rất phong phú. Ngư dân đi đánh bắt tôm, cá… khi lặn xuống biển hay gặp những mảnh vỡ đó. Tôi nghĩ: Tại sao mình không sưu tầm và lưu giữ, như giữ lại nét văn hóa đặc trưng của vùng biển miền Trung quê mình? Đó là những vật chứng cho thấy dân vùng biển miền Trung đã giao thương với các nước từ rất lâu rồi, không phải chỉ mấy trăm năm nay.

 

Tôi vừa sưu tầm vừa học và đi giao lưu, đến các bảo tàng, học hỏi những nhà nghiên cứu về văn hóa. Có một người thầy giúp tôi hệ thống các mảnh vỡ đặc biệt đó. Vừa qua, các thầy ở trường đại học bên Nhật sang Việt Nam, cũng giúp tôi tiếp tục nghiên cứu các mảnh vỡ.

 

* Những nhà sưu tầm khác tìm kiếm, săn lùng và sở hữu cổ vật. Còn ông thì đã nhiều lần tặng những cổ vật rất có giá trị mà mình sưu tầm được cho các bảo tàng, trung tâm văn hóa... Vì sao ông lại hào phóng vậy?

 

- Không phải hào phóng đâu.

 

Tôi nghĩ nên làm điều gì có ích cho nơi mình đang sống, cho xã hội, dù điều mình làm được rất nhỏ nhoi. Việc tôi tặng cổ vật cho bảo tàng cũng là một cách bảo tồn. Mình có duyên được đi khắp nơi, hiểu thêm về văn hóa. Có những hiện vật mà các bảo tàng, trung tâm văn hóa cần, còn các nhà sưu tập thì có nhiều. Tôi nghĩ muốn lưu giữ lâu hơn thì nên tặng cho bảo tàng. Lưu giữ ở nhà thì phạm vi chỉ gói gọn trong gia đình, trong địa phương, còn nếu tặng cho bảo tàng thì hiện vật sẽ được giới thiệu với các em học sinh, với bạn bè ở xa và du khách nước ngoài để họ hiểu thêm về văn hóa, bản sắc của dân tộc Việt Nam.

 

* Thân thiết với một số nhà sưu tầm cổ vật ở Phú Yên, ông cảm nhận như thế nào về công việc thầm lặng của bạn bè mình ở vùng đất này?

 

- Phú Yên từng có làng gốm rất nổi tiếng, sản phẩm của làng gốm này được đưa đi khắp nơi, cho những người có địa vị trong xã hội sử dụng. Ở Phú Yên có những người rất tâm huyết với việc giữ gìn gốm cổ Quảng Đức như anh Trần Thanh Hưng, chú Đoàn Phước Thuận. Đó là điều rất đáng trân trọng.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek