Thứ Sáu, 29/03/2024 03:40 SA
Người giữ hồn Chapi
Thứ Bảy, 01/11/2014 09:20 SA

Với bài hát Giấc mơ Chapi, nhạc sĩ Trần Tiến đã đưa cây đàn Chapi đến với công chúng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều người nghe nhạc không hình dung nổi cây đàn này như thế nào, ở đâu. Và cũng ít ai biết rằng, hiện nay chỉ còn một nghệ nhân duy nhất ở Ninh Thuận biết làm và gảy đàn Chapi. Đó là Chamaléa Âu, người cuối cùng lưu giữ và bảo tồn loại đàn quý hiếm này.

 

ĐI TÌM “ÔNG CHAPI”

 

Tiến sĩ Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Ninh Thuận nhận định: “Chamaléa Âu là nghệ nhân Raglai khảy đàn Chapi hay nhất ở Ninh Thuận. Chúng tôi sẽ ghi âm lại tất cả các làn điệu mà Chamaléa Âu đang thuộc, với hy vọng có thể bảo tồn những điệu đàn Chapi đang mai một”.

Đến Ninh Thuận, tôi quyết tâm vượt gần 50km từ TP Phan Rang - Tháp Chàm lên tận vùng sơn cước Ma Nới, huyện Ninh Sơn để gặp cho được ông già duy nhất biết làm và chơi đàn Chapi. Ông là Chamaléa Âu nhưng cuộc đời ông đã gắn liền với nhạc cụ Chapi nên nhiều người gọi là “ông Chapi” cho gần gũi. Từ phố ngược theo quốc lộ 27, tôi rẽ sang con đường bê tông, chạy qua nhiều đồi núi, rẫy sắn, bắp, rừng keo lá tràm và những cánh rừng nguyên sinh nối dài. Tôi vừa đi vừa nghĩ, đường đến nhà Chamaléa Âu chắc còn xa và heo hút lắm. Xe cứ chạy, bóng nắng ngắn dần. Rồi chúng tôi cũng đến được thôn Do của xã Ma Nới, nơi gia đình “ông Chapi” đã sinh sống bao đời.

 

Nhà Chamaléa Âu ở sau trường học, cách mặt đường thôn chừng vài mươi mét. Một ngôi nhà ngói, tường xây, nền gạch, diện tích chừng 20m2; trong nhà không có gì sang trọng nhưng trên tường có treo nhiều loại nhạc cụ và có rất nhiều giấy khen ghi tên ông.

 

Như một phản xạ, ông biết chúng tôi đến là để gặp ông, để tìm hiểu về cây đàn Chapi. Chân đi, miệng cười, tay ông chỉ ra phía góc sân, nơi có lỉnh kỉnh đồ đạc và rất nhiều những ống tre khô nằm ngổn ngang. “Đó, đó, tôi đang làm Chapi đó”. Nói rồi, ông vội ngồi bệt xuống nền nhà, miệng bập điếu thuốc, tay cầm một cây đàn Chapi đang làm dở, nói: “Các anh cứ ngồi xuống. Đợi lát nữa, tôi làm xong cái này rồi tôi gảy cho mà nghe”.

 

Vừa làm, Chamaléa vừa kể về cuộc đời mình. Ông sinh năm 1955, người dân tộc Raglai. Tổ tiên và cuộc đời ông đã sống ở vùng đất này không biết bao nhiêu mùa lúa rẫy. Hồi đó, cũng như bao thanh niên mới lớn trong làng, Chamaléa là bộ đội ở vùng chiến khu tỉnh Ninh Thuận, từng kề cận với cái chết. Rồi đất nước thống nhất, Chamaléa sống với bà con ở vùng núi rừng nhiều năm, lao động, cưới vợ sinh con và gắn bó với cây đàn Chapi cho đến nay.

 

Chamaléa Âu đang làm đàn Chapi - Ảnh: T.TRỰC

 

GIỮ GIẤC MƠ CHAPI

 

Ngày xưa, nếu như những người Raglai giàu có thường có nhạc cụ mã la (một loại cồng chiêng gồm bộ bốn cái) để gõ trong tất cả các nghi lễ của làng thì người Raglai nào nghèo cũng có cây đàn Chapi. Loại nhạc cụ bộ dây này phỏng theo thanh âm của cả bộ mã la.

 

Chamaléa Âu tâm sự: “Ngày đó cả vùng núi này, ai cũng biết làm và chơi Chapi. Nhất là những đêm trăng sáng, ngày mùa, ngày nắng nhiều mưa ít, mất mùa, dân làng trai gái tập trung gảy cho nhau nghe rồi cùng tiếng Chapi mà vượt qua gian khó. Đàn Chapi đã gắn với người Raglai chúng tôi không biết bao nhiêu đời. Thế nhưng, cách đây chừng hơn 10 năm, đời sống phát triển, buôn làng đổi thay thì cây đàn Chapi bị bỏ rơi”.

 

Thấy được những mặt trái của sự phát triển nên Chamaléa đã có ý thức bảo tồn cây đàn này. Người truyền cho Chamaléa Âu niềm đam mê đối với cây đàn Chapi chính là người cậu ruột Chamaléa Lơ. “Cậu tôi bảo tôi phải học làm và chơi đàn Chapi vì nó là hồn vía của dân tộc mình. Làm Chapi không khó, chỉ cần có kinh nghiệm thôi; còn chơi Chapi mới khó”. Thế là sau gần 3 năm, ông đã làm được những cây đàn nhìn ưa con mắt và chơi những điệu đàn nghe được cái tai. Từ đó đến nay, Chamaléa được xem là người gắn bó cây đàn Chapi của người Raglai nhất vùng đất này.

 

Mỗi ngày, mỗi mùa, dù ruộng rẫy còn nhiều việc chưa xong nhưng Chamaléa vẫn gần gũi với cây đàn. Ông cho biết: “Nếu đã chuẩn bị tre và dụng cụ đầy đủ thì chỉ cần một buổi, tôi có thể làm xong một cây đàn”. Ngồi trong sân nhà, Chamaléa chỉ tay lên ngọn núi Chư Prông bên kia dãy ruộng bậc thang cao ngất: “Trên đó có bụi tre gai mọc bên bờ suối, cây rất to. Từ nhà lên đó chặt được cây tre vác về mất cả buổi sáng”. Được tre về rồi, dùng cưa cắt từng ống, phơi nắng, để dành trên gác, khi nào cần thì lấy ra làm.

 

Dụng cụ để làm đàn Chapi gồm có rựa, một mũi mác nhọn, một cái đục. Vừa làm đàn, Chamaléa vừa giảng giải: “Trước khi làm phải cưa bằng hai đầu ống tre, mỗi cái đàn là một ống tre hai đầu kín lỗ. Dây đàn được thiết kế trên ống tre bằng cách dùng mũi mác lẩy cật tre lên thành 4 cặp dây, 2 dây của một cặp cách nhau khoảng 2cm. Đầu mỗi dây đặt chốt tre nhỏ để dây cao hơn thân đàn, khoét thủng 2 đầu mắt tre để tạo âm vang và cuối cùng là công đoạn cân chỉnh âm sao cho tiếng đàn có hồn”.

 

Trong thời gian chừng 50 phút, Chamaléa đã hoàn thành cây đàn đang làm dở. Khi cân chỉnh âm thanh, Chama cho chúng tôi biết, đây là dây mẹ, này là dây cha, dây con lớn, dây con út; dây mẹ thì trầm, dây con thì thanh… Nói xong, ông hứng khởi đứng lên ôm cây đàn biểu diễn cho chúng tôi nghe. Hai chân nhịp nhàng, hai ngón tay cái sần sùi bật vào 4 cặp dây đàn, từng âm thanh trầm đục không nhanh, không chậm vang lên như nhịp đời của những người Raglai. Theo lời Chamaléa, đàn Chapi không ký âm được, chỉ mô phỏng theo điệu gần với đời sống của buôn làng; đó là điệu con ếch trong những đêm mưa đầu mùa, điệu con chim, điệu than thở… Nghe những âm thanh trầm bổng dìu dặt vang lên giữa núi rừng, người nghe hiểu đó là tiếng lòng, là tâm sự của người Raglai.

 

Khi được hỏi, vì sao ông gắn bó với cây đàn này thì ông trả lời nhanh, “tôi muốn bảo tồn vốn riêng của dân tộc mình”. Ông còn than thở, “hiện nay, nhiều thanh niên dân tộc Raglai không mặn mà với cây đàn của dân tộc mình. Thậm chí nhiều em nghe bài hát Giấc mơ Chapi mà cứ ngỡ cây đàn đó của dân tộc khác ở Tây Nguyên. Nếu cứ đà này thì loại nhạc cụ dân dã có nguy cơ bị xóa sổ là cái chắc”.

 

NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG

 

Năm 2014 này, Chamaléa Âu đã tròn 60 tuổi. Gia đình ông có cả thảy 8 người con: 4 trai 4 gái; đã lập gia đình 2 trai 2 gái, đứa con út nay được 9 tuổi đang học lớp 3. Chama sống bằng nghề làm rẫy nhưng nhờ sự yêu quý và gắn vó với cây đàn nên ông là người nổi tiếng. Đã có biết bao nhà nghiên cứu, nhà báo, nhạc sĩ... tìm về Ma Nới để được gặp ông. Ông tiếp nhiều người, lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình khi họ có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa của người Raglai.

 

Đến nay, Chamaléa không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu cây đàn, cho tặng ai bao nhiêu cây, tiếp bao nhiêu người đến nhà và cũng không nhớ có bao nhiêu lần xách đàn Chapi rời làng đi diễn, từ các xã, huyện trong tỉnh đến những tỉnh trong khu vực và cả Thủ đô Hà Nội. Sau những lần đi diễn, Chamaléa trở về với công việc thường ngày. Còn kỷ niệm ghi dấu những lần đến với công chúng ấy là những tấm bằng khen, bằng chứng nhận của tỉnh, của Trung ương treo đầy trên tường nhà.

 

Có một điều mà Chamaléa tự hào nhất trong đời mình là đã gặp được nhạc sĩ Trần Tiến trong dịp Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai năm 2013 tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận). “Bài hát Giấc mơ Chapi do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác cách đây hơn 20 năm nhưng đến nay tôi mới gặp được ông. Điều tôi vui nhất là ông nhạc sĩ này đã nói đúng cái bụng của người Raglai chúng tôi: “Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình/ Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/ Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai…”.

 

Vui vì được nhiều người biết đến nhưng sâu thẳm trong lời tâm sự, chúng tôi thấy Chamaléa buồn: “Tôi buồn và tiếc nuối cho đàn Chapi lắm. Dân làng thời nay đã quen với tiếng nhạc xập xình, trai gái yêu nhau cũng không mến nhau bằng tiếng đàn như hồi xưa. Thế nên, chẳng còn ai để ý đến đàn Chapi. Đúng là giấc mơ Chapi bây giờ chỉ là giấc mơ mà thôi”.

 

Theo nhạc sĩ Trần Tiến, năm 1993, khi đến vùng núi cao Ninh Sơn, ông đã gặp một đôi vợ chồng người Raglai, họ sống đơn sơ trong một mái nhà, trong đó có cây đàn Chapi. Lần đầu thấy Chapi, nghe câu chuyện của họ, Trần Tiến muốn mua lại cây đàn nhưng họ không bán, họ bảo: “Nếu anh thích, tôi tặng anh cây đàn này”. Bài hát ra đời từ cảm xúc dạt dào đó. Giấc mơ Chapi được hát lần đầu tiên trên sân khấu là tại Pháp và Hà Lan, do tác giả trình bày. Khi về nước, Y Moan là ca sĩ đầu tiên hát Giấc mơ chapi và cũng là người hát thành công nhất.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Chồng chất nỗi đau
Thứ Tư, 22/10/2014 00:00 SA
Kỳ cuối: Về hạ nguồn Ngân Sơn
Thứ Hai, 20/10/2014 14:00 CH
Kỳ 2: Thác Rọ Heo trên sông Cái
Chủ Nhật, 19/10/2014 08:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek