Thứ Ba, 16/04/2024 18:20 CH
Đứng lên từ tận cùng nỗi đau
Bài 1: Chồng chất nỗi đau
Thứ Tư, 22/10/2014 00:00 SA

Nhân viên tiếp cận cộng đồng (áo trắng) phát tờ rơi truyền thông phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại TP Tuy Hòa - Ảnh: Y.LAN

Họ là những phụ nữ chất phác, chỉ biết làm việc và chăm lo cho gia đình. Ngày nọ, họ chết điếng khi biết mình bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Chồng chết; có người cũng chẳng còn con. Thế giới của họ sụp đổ. Có người tìm đến cái chết nhưng không thành. Rồi từ tận cùng nỗi đau, họ đứng lên…

 

“Tôi nghĩ cuộc đời mình chẳng còn gì nữa. Chồng đã chết, mình cũng nhiễm HIV, con đành cho người khác nuôi, vậy mình sống làm gì cho thêm đau khổ? Tôi tới cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, mua một gói thuốc trừ sâu. Trưa hôm sau, tôi thắp hương lên bàn thờ rồi uống hết gói thuốc trừ sâu. Tôi ra ngồi dưới gốc cây bên đường, niệm Phật cầu vãng sanh…” - chị B.T.H ở T.H kể lại khoảnh khắc đối diện với cái chết.

 

TAI ƯƠNG TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG

 

So với bạn bè cùng trang lứa, chị H lấy chồng muộn, khi đã ngoài 30 tuổi. Chồng chị cao ráo, ở làng bên, từng có thời gian vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống bằng nghề thợ hồ. Hai vợ chồng sống hạnh phúc trong căn nhà nhỏ. Ngày ngày, chị H làm thợ thủ công, còn chồng làm thợ hồ. Cuộc sống êm đềm trôi cho đến khi đứa con nuôi gần 2 tuổi của họ ngã bệnh.

 

Đưa bé vào bệnh viện, hai vợ chồng chị thay nhau chăm con. “Không biết do mắc mưa hay sao đó, ảnh cũng ngã bệnh, chữa hoài không hết. Bệnh viện lấy máu đi xét nghiệm, mới biết ảnh nhiễm HIV” - chị H kể.

 

Với chị, đây quả là tin sét đánh. Chị H mang máng biết rằng chưa có thuốc tiêu diệt virus HIV, người nhiễm chẳng khác nào mang án tử. Chị suy sụp vì lo lắng: Liệu mình có bị lây nhiễm?

 

Sau nhiều lần đắn đo lo sợ, chị H quyết định làm theo lời khuyên của bác sĩ: đi xét nghiệm máu. Đất như sụp dưới chân khi chị cầm trên tay kết quả dương tính. Trong tuyệt vọng, người phụ nữ chân quê oán giận chồng đã đưa “thần chết’ đến với mình.

 

Chồng chị trở về nhà cha mẹ ruột, ít lâu sau thì chết vì AIDS.

 

Cái chết đó càng khiến chị H khủng hoảng. Chị nghĩ rằng ngày mình lìa đời cũng đã cận kề. Vậy con mình sẽ ra sao?

 

Câu hỏi nhức nhối lòng người mẹ, và chị đi đến quyết định: Mang con cho người khác, để bé được chăm sóc, nuôi dưỡng, học hành đến nơi đến chốn. “Người ta khuyên tôi đưa con đến Trung tâm Bảo trợ xã hội, sẽ có người nhận nuôi. Nhưng vậy là mình chẳng bao giờ gặp lại con. Rồi không biết ai giới thiệu, có một đôi vợ chồng công chức ở huyện bên tìm đến, xin con tôi làm con nuôi sau khi biết bé hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi nói: Chồng tôi đã mất, tôi thì mắc bệnh nan y. Anh chị xin con thì cho tôi được quyền thăm con khi tôi còn sống, nếu không tôi không đồng ý. Họ chấp nhận.” - Chị H kể.

 

Sau khi đôi vợ chồng hiếm muộn bế đứa trẻ mà chị H đã xem như máu thịt của mình đi, chị thức trắng đêm và khóc. Hai ngày sau, chị đi thăm con. Đứa trẻ gặp lại mẹ thì rất mừng, nào biết cuộc đời mình mãi mãi rẽ sang hướng khác. Chị H ôm con vào lòng, cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn trào ra…

 

Người nhiễm HIV vẫn có thể làm việc, sống có ích cho bản thân, gia đình (ảnh có tính minh họa) - Ảnh: Y.LAN

 

KẾT LIỄU ĐỜI MÌNH

 

“Đi thăm con trở về, tôi nghĩ cuộc đời mình chẳng còn gì nữa. Chồng đã chết, mình cũng nhiễm HIV, con đành cho người khác nuôi, vậy mình sống làm gì cho thêm đau khổ? Tôi tới cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, mua một gói thuốc trừ sâu. Trưa hôm sau, tôi thắp hương lên bàn thờ rồi uống hết gói thuốc trừ sâu. Tôi ra ngồi dưới gốc cây bên đường, niệm Phật cầu vãng sanh…” - chị H kể lại khoảnh khắc đối diện với cái chết.

 

Dân gian có câu: Người tính không bằng trời tính. Người đàn bà nhiễm HIV muốn chấm dứt những ngày tháng tuyệt vọng, đau khổ bằng một gói thuốc trừ sâu, nhưng đâu có được. Ngay lúc đó, một người ở cùng xóm đi ngang qua, thấy chị H ngồi dưới gốc cây, liền hỏi: “Ủa, ngồi làm gì đó vậy?”. Chị H thiệt thà “khai”: “Em niệm Phật cầu vãng sanh”. Người kia kinh ngạc: “Sao tự nhiên lại cầu vãng sanh?”. Nước mắt trào ra, chị H nói: “Em đã uống thuốc trừ sâu rồi”.

 

Người hàng xóm tốt bụng vội kêu người tới giúp. Họ xốc chị H lên xe, đưa đến bệnh viện cấp cứu. “Tôi nóng cháy ruột cháy gan, được truyền nước thì bớt nóng, hết truyền thì trong bụng nóng không chịu nổi” - chị H nhớ lại. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, chị được xuất viện nhưng trong bụng vẫn nóng như có lửa đốt.

 

Nghe tin H tự tử, một người bạn đến thăm, bày chị cách giải độc: Rang một ký đậu xanh và một ký đậu đen, ngày ngày nấu nước uống. Chị H làm đúng như vậy, uống hết hai ký đậu thì ruột gan không còn thắt lại vì nóng.

 

VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

 

Vượt qua cửa tử, chị H dẹp bỏ ý nghĩ kết thúc cuộc đời mình và tự nhủ: Phải vì con mà sống. Nhưng người nhiễm HIV muốn sống một cách bình thường thật không đơn giản! Hàng xóm xầm xì bàn tán. Người ta sợ hãi căn bệnh thế kỷ, thế là kỳ thị, xa lánh luôn người nhiễm HIV. Trước khi tai họa ập xuống, chị H là thợ thủ công đắt khách và dạy nghề cho một số học trò. Đến khi biết chị nhiễm HIV, không ai đặt chân đến nhà chị.

 

Hiểu hoàn cảnh khó khăn của H, một người trong xóm cho chị mượn tiền mua vài con gà, con vịt về nuôi. Bằng cách đó, người đàn bà nghèo chắt chiu mà sống. Rồi chị được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Chỉ số CD4 (một trong những chỉ số quan trọng để chẩn đoán giai đoạn, đánh giá tiến triển của lây nhiễm) tăng dần. Chị khỏe ra, da dẻ hồng hào. Trong giai đoạn khủng hoảng suy sụp, trọng lượng cơ thể chị chỉ hơn 40kg, sau đó tăng dần lên gần 50kg. Năm 2012, người phụ nữ này trở lại với nghề thủ công. Chị kể: “Thấy tôi khỏe mạnh nên có một, hai người đến đặt hàng. Rồi dần dần những người khác tới. Bây giờ, tôi sống được bằng nghề của mình. Tôi dành dụm mua được 3 chỉ vàng, để dành sau này cho con”.

 

Dù đã đi đến tận cùng nỗi đau nhưng chị H vẫn còn may mắn là được mẹ và anh chị em thương yêu, đùm bọc. Những người làm công tác phòng chống AIDS ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên cũng quan tâm tư vấn, động viên chị vượt qua nghịch cảnh, tuân thủ phác đồ để việc điều trị đạt kết quả tốt. Và động lực lớn nhất để người phụ nữ sinh năm 1970 này đứng lên, bước về phía trước chính là đứa con. Chị kể: “Trước kia, mỗi lần tới thăm con, tôi xưng dì, gọi con là cháu. Nay bé đã 8 tuổi. Có lần, tôi may quần áo mới mang đến cho con. Bé hỏi: “Dì ơi, dì là gì của con? Dì nói cho con biết đi. Con thấy nhớ dì lắm”. Người mẹ không còn quyền nuôi con ôm đứa trẻ vào lòng, bật khóc “Con ơi!”.

 

Sau hơn 6 năm được phát hiện nhiễm HIV, chị B.T.H hiện vẫn khỏe mạnh. “Vì con, tôi sẽ giữ gìn sức khỏe để sống và làm việc, dành dụm tiền sau này cho con” - chị H mỉm cười chia sẻ nhưng mắt thì ngân ngấn nước.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thanh, Trưởng khoa Tư vấn - Chăm sóc - Điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên), nói: “Khi biết mình nhiễm HIV/AIDS, ai cũng sốc. Và không phải ai cũng có thể vượt qua nỗi đau do căn bệnh này gây ra. Chị B.T.H có hoàn cảnh rất đáng thương, chị ấy từng bỏ điều trị một lần. Sau đó được tư vấn, động viên, chị H đã điều trị trở lại. Bây giờ sức khỏe chị ấy tốt, công việc cũng đã ổn định”.

 

Bài 2: “Tôi nhiễm HIV nhưng không gục ngã”

 

YÊN LAN - VŨ HOÀNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mùa vàng trên cánh đồng Krông Pa
Thứ Bảy, 11/10/2014 08:00 SA
Săn cá ngừ… “hàng bay”
Thứ Bảy, 04/10/2014 11:00 SA
Sức hút “cầu nối” mang tên Sumo
Thứ Bảy, 13/09/2014 13:00 CH
Gặp chàng trai đi bộ xuyên Việt
Chủ Nhật, 07/09/2014 11:00 SA
Về với “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Bảy, 30/08/2014 09:50 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek