Thứ Tư, 24/04/2024 17:23 CH
Kỳ thú đường hầm điêu khắc và ngôi nhà chủ quyền
Thứ Bảy, 16/08/2014 11:00 SA

Ngôi nhà chủ quyền Việt Nam với tấm bản đồ hình chữ S và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: V.TÀI

Hàng chục ngàn khối đất đỏ bazan được đào khoét tạo nên một đường hầm lộ thiên dài 1,2km và từ đây, một TP Đà Lạt thu nhỏ với muôn hoa, ngàn thông cùng nhiều dinh thự nổi tiếng được điêu khắc từ chính loại đất này. Khu du lịch Suối Lạnh nằm ẩn mình giữa rừng thông thơ mộng ở hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) - nơi thu hút khách du lịch với đường hầm điêu khắc và ngôi nhà độc đáo làm từ đất sét, đất đỏ cao nguyên vừa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận 2 kỷ lục.

 

KHÁM PHÁ ĐƯỜNG HẦM ĐIÊU KHẮC ĐÀ LẠT

 

Tôi đến “thành phố ngàn hoa” vào một ngày mưa tháng tám. Tháng tám cao nguyên mưa giăng tứ bề nên không thể thăm thú, tìm hiểu Đà Lạt như dự định, nhưng bù lại tôi được các đồng nghiệp đưa đi tham quan đường hầm điêu khắc và ngôi nhà độc đáo làm từ đất sét. 

 

Theo lời đồng nghiệp Mai Vinh (Báo Tuổi Trẻ), đường hầm lộ thiên này với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được khắc nổi, đắp cầu kỳ trên vách tạo thành một khối điêu khắc đồ sộ bằng đất sét nhưng không bị cứng hóa mà trông thanh thoát, uyển chuyển dưới bàn tay tài hoa của ông chủ trẻ Trịnh Bá Dũng (sinh năm 1972). Ngoài các công trình kiến trúc, câu chuyện văn hóa, con người và thiên nhiên của Đà Lạt cũng hiện lên qua những hình tượng điêu khắc dọc bức tường đất đỏ cao rộng này. 

 

Với cách tạo hình độc đáo, từ hình ảnh hoa lá, nhà cửa tại Đà Lạt..., công trình đem lại nhiều điều mới mẻ và hấp dẫn đối với du khách. Đó là buồng chuối to như ngôi nhà; trái sung trái vả như tảng đá quá tay hai người ôm; nhà thờ Con Gà cao hút tầm mắt lại được thu gọn trong một khoảng tường cao khoảng 6m, rộng 4m. 

 

Đi dọc đường hầm từ đầu đến cuối, “nghe” đất đỏ kể chuyện và hình dung mình đang xem một cuốn phim. Đất đỏ kể lại câu chuyện ngày xưa Đà Lạt hoang sơ chỉ có suối, thú rừng, đồng bào dân tộc bản địa và thay đổi diện mạo kể từ ngày bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin tìm ra Đà Lạt. Và một ước vọng cho tương lai Đà Lạt với những cánh đồng hoa bát ngát, chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Liên Khương... là những hình ảnh, biểu tượng xứ sở ngàn hoa. 

 

Không chỉ đột phá về chất liệu, công trình còn chuyển tải ý tưởng độc đáo là thu nhỏ TP Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển với những đặc thù về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa... trong đường hầm này. Mảng khối điêu khắc đầu tiên tái hiện Đà Lạt thuở sơ khai là cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ và những chú voi sừng sững, những rừng thông thuần chủng xanh ngắt điểm xuyết những đóa lan rừng, từng đàn hươu nai nhởn nhơ gặm cỏ non ven dòng suối trong vắt uốn lượn mềm mại dưới chân núi…

Kế đến là bản làng của người K’Ho - chủ nhân đầu tiên của vùng đất này - với không gian sống dân dã (những ngôi nhà sàn xinh xắn ở lưng chừng đồi bên rẫy bắp, vườn chuối, thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa) nhưng cứ đến lễ hội thì tưng bừng, náo nhiệt với nghi thức đâm trâu, thổi tù và, biểu diễn cồng chiêng, thết đãi rượu cần. Một số truyền thuyết, huyền thoại, truyện ngụ ngôn được kể lại bằng những tác phẩm điêu khắc sống động.

 

Mảng khối thứ hai về phố núi mộng mơ hiện tại với những công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo như khu biệt thự cổ kiến trúc Pháp, nhà thờ Do­maine do Marie, ga xe lửa Đà Lạt, trường cao đẳng sư phạm... Những phương tiện giao thông cổ làm nên hồn cốt của phố núi hiện vẫn còn đưa vào phục vụ du lịch như xe hơi cổ, vespa cổ, xe thổ mộ, đầu máy xe lửa hơi nước...

 

Là khách tham quan đường hầm điêu khắc Đà Lạt cùng bạn bè, chị Võ Thị Minh Yến ở huyện Phú Hòa, cho biết: “Xứ sở ngàn hoa có rất nhiều điểm đến hấp dẫn nhưng khi được các hướng dẫn viên gợi ý tham quan Khu du lịch Suối Lạnh với đường hầm điêu khắc của Trịnh Bá Dũng, chúng tôi đồng ý ngay để được hiểu thêm về Đà Lạt. Độc đáo nhất là ngôi nhà chủ quyền Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên mái nhà”.

 

Một góc đường hầm điêu khắc - Ảnh: V.TÀI

 

ĐƯA “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA” LÊN MÁI NHÀ

 

Nằm độc lập với đường hầm điêu khắc đất đỏ trong khu du lịch này là ngôi nhà chủ quyền Việt Nam. Ngôi nhà dựa lưng vào núi và hướng ra hồ Tuyền Lâm. Bốn mặt tường phía ngoài là những hình ảnh gửi gắm cái nhìn của tác giả về văn hóa, nhân sinh và tình yêu Đà Lạt. Bên trong, các vật dụng sinh hoạt như bàn ghế, giường, bồn tắm, lò sưởi... cũng được tạo ra từ nguyên liệu đất đỏ cùng với bột đá và phụ gia chiếm 10%. Tất cả các vật dụng và nội thất đều sử dụng tốt dù không qua công đoạn nung. Đặc biệt, trên mái ngôi nhà được đắp nổi hình bản đồ Việt Nam và hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Theo lời hướng dẫn viên, ngôi nhà đặc biệt này rộng khoảng 90m², tọa lạc trong khuôn viên rộng 500m², với bản đồ hình chữ S và 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ở trên mái ngói cho thấy việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ rất rõ ràng… khiến du khách rất hứng khởi. Căn nhà Chủ quyền Việt Nam là 1 trong 10 công trình được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Kiến trúc xanh Việt Nam lần thứ II/2014. Đặc biệt, công trình này vừa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận 2 kỷ lục: ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất; ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên có phong cách độc đáo nhất… Chính vì vậy, đây cũng là điểm thu hút khá nhiều du khách đến tham quan và chụp hình lưu niệm sau khi khám phá đường hầm điêu khắc.

 

Anh Trần Tấn Hùng, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Đây là ngôi nhà hoàn toàn bằng đất sét không nung rất độc đáo. Việc dùng chất liệu này để làm nhà chủ quyền cho thấy tác giả công trình đã dành một tình yêu rất đặc biệt đối với Đà Lạt. Hơn hết thảy là lời nhắc nhở chúng ta về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc qua hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đắp nổi”. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Mặc dù chưa được ra thăm Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng khi ngắm ngôi nhà chủ quyền Việt Nam thì tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo trong tôi dâng trào và trỗi dậy mãnh liệt. Tôi nghĩ đây cũng là cách tuyên truyền trực quan thiết thực để giúp các bạn trẻ hiểu hơn về đất nước tươi đẹp cần phải bảo vệ, giữ gìn”.

 

Trao đổi qua điện thoại, anh Trịnh Bá Dũng cho biết: “Trong mỗi ngôi nhà, bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Trong lòng mỗi người dân Việt, Tổ quốc là thiêng liêng hơn cả nên phải đặt ở vị trí cao nhất, từ mọi phía đều nhìn thấy nên phải “thờ” Tổ quốc trên mái nhà chứ! Đó là lý do tôi khắc nổi bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên mái nhà đỏ au màu đất”.

 

VĂN TÀI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gặp Phú Yên giữa Trường Sa
Thứ Bảy, 09/08/2014 07:51 SA
“Sốt” với con ba ba có hình mặt người
Thứ Bảy, 02/08/2014 08:51 SA
Bài cuối: Nghĩa tình đồng đội
Thứ Ba, 29/07/2014 14:00 CH
Bài 2: Lắng lòng nơi “đất lửa”
Thứ Hai, 28/07/2014 08:29 SA
Bài 1: Về với “ngôi nhà chung”
Chủ Nhật, 27/07/2014 14:00 CH
Trở lại thủy điện La Hiêng 2
Thứ Bảy, 19/07/2014 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek