Thứ Sáu, 29/03/2024 14:18 CH
“Sốt” với con ba ba có hình mặt người
Thứ Bảy, 02/08/2014 08:51 SA

Con ba ba hình mặt người đang gây “sốt” - Ảnh: K.NHO

“Chồng tôi tính làm thịt con ba ba. Lát sau, ổng quay lên, nói: Bà ơi, tôi không làm thịt nó đâu. Con ba ba có hình mặt người”. Tôi la: “Làm gì có chuyện đó!”. Ổng biểu tới coi thì biết. Trời ơi, đúng là trên mai nó có hình mặt người rõ mồn một” - bà Võ Thị Đào ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) - người “đồng quản lý” con ba ba đang gây xôn xao trong những ngày qua - kể, vẻ mặt vẫn còn thảng thốt.

 

“DIỆN KIẾN” CON BA BA CÓ HÌNH MẶT NGƯỜI

 

Con ba ba kỳ lạ ấy khiến tôi phải thay đổi “lịch hoạt động”: thức dậy lúc 5 giờ sáng và phóng xe máy từ TP Tuy Hòa ra huyện Tuy An. Đến nơi vẫn còn khá sớm, tôi tới quán Đào gần cầu Ngân Sơn, nơi bán cháo lòng - bánh hỏi - lòng heo nổi tiếng, để ăn sáng trước khi đi “diện kiến” con ba ba đang làm nhiều người “phát sốt”. Quán chưa có khách, chỉ có mấy người làm đang lúi húi nhặt rau ở nhà bếp. Tôi hỏi một phụ nữ đứng tuổi: “Chị ơi, nghe nói con ba ba có hình mặt người đang được nuôi ở một nhà nào đó gần đây hở chị?”. Người phụ nữ buông cọng rau, ngẩng lên cười rạng rỡ, tự hào: “Nhà này chớ nhà nào!”. “Vậy ư? Con ba ba đâu chị?”. Lần này là một nụ cười bí hiểm: “Chúng tôi đã gởi nó vô… chùa”.

 

Đương nhiên là tôi hỏi chùa nào, đồng thời giới thiệu mình là nhà báo, rất muốn chụp ảnh và lắng nghe câu chuyện về con ba ba kỳ lạ kia. Nụ cười thứ ba xuất hiện trên gương mặt người phụ nữ, rất thân thiện: “Nói giỡn chớ nó kia kìa. Tranh thủ lúc chưa có ai tới, em chụp hình đi”.

 

Tôi nhìn theo tay chị. Trong một cái hồ thủy tinh cũ kỹ dài khoảng nửa mét, một con ba ba bằng nắm tay người lớn đang lim dim ngủ. Một người đàn ông (sau này tôi mới biết là ông Nguyễn Nông, chủ nhà) đến bên cạnh, bật đèn pin rọi xuống hồ. Con ba ba thức giấc, nhẹ nhàng bơi. Trên cái mai, chao ôi, là một gương mặt người với đầy đủ mắt, mũi, miệng. Rõ nhất là đôi mắt và cái mũi có hình khối trên mai. Cái miệng ít rõ nét hơn, trông như đang há hốc vì ngạc nhiên, trong khi chẳng có gì để con ba ba kỳ lạ này phải ngạc nhiên cả, ngoài sự tò mò quá mức của nhiều người đối với nó.

 

Con ba ba khẽ khàng bơi, hình như nó muốn chạy trốn, cứ dúi mũi vào tấm kính trong suốt. Sau một hồi nỗ lực nhưng không mang lại kết quả, nó đành “bó chân”, nằm im, hai chân sau giấu vào trong cát, hai chân trước như thể đang che mặt. Có vẻ như nó đã phát mệt và phát bực vì quá nhiều lời bàn tán về mình.

 

THOÁT CHẾT NHỜ CÓ HÌNH MẶT NGƯỜI TRÊN MAI

 

Ông Nông kể: “Cách đây hơn 10 ngày, con gái tôi đi chợ Ngân Sơn (thị trấn Chí Thạnh) mua con ba ba này cùng một con nữa, nhỏ hơn, với giá 55.000 đồng, đem về rộng trong thau. Cháu nội tôi bắt con ba ba lớn đem đi chơi, đứa cháu ngoại thấy vậy thì méc, tôi đi tìm mang về bỏ lại trong thau. Đến 3 giờ chiều ngày hôm đó, con gái nhờ tôi làm thịt 2 con ba ba để nấu cháo cho mấy đứa nhỏ. Tôi lấy dao ra, tính làm thịt thì phát hiện trên mai con ba ba lớn có hình mặt người. Tôi kinh ngạc không thể tả, liền chạy vô nói với vợ. Bả không tin, còn kình (la) tôi. Tới chừng thấy tận mắt, bả mới tin. Mấy đứa con tôi tính đem con ba ba này đi phóng sinh nhưng lúc đó nước cạn, tôi sợ người ta bắt lại. Gia đình quyết định để nuôi”.

 

Từ ngôi nhà của vợ chồng ông Nông bà Đào, tin tức về con ba ba hình mặt người bắt đầu lan ra khắp xóm, khắp vùng. Người ta đến xem mỗi lúc một đông. “Hàng trăm người tới. Ai cũng cầm con ba ba lên coi, chụp hình; ai cũng hỏi con ba ba này từ đâu mà có. Tôi phải canh giữ từ sáng cho tới tận đêm và trả lời họ mà khan cả tiếng” - ông Nông than thở. Ông kể, có một phụ nữ gần 70 tuổi ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), gần 9 giờ đêm còn đến gõ cửa. “Bà ấy nói nghe người ta kể về con ba ba kỳ lạ này mà không tận mắt thấy thì ức lắm, nên kêu cháu chở đi” - chủ nhà kể. Một số nhà sư trẻ ở các địa phương cũng đến đây xem, chụp ảnh.

 

Khi những người hiếu kỳ đến, ông Nông vui vẻ bật đèn pin và “thuyết minh” về con vật kỳ lạ của nhà mình. Giọng ông đầy tự hào, như thể đang nói về đứa cháu chưa đi học mà đã biết đọc, biết viết!

 

BỊ NGHI NGỜ LÀ… GIÁN ĐIỆP CỦA TRUNG QUỐC

 

Cái gì cũng có hai mặt, kể cả sự nổi tiếng. Con ba ba có hình mặt người trong chớp mắt đã trở thành “con vật của công chúng” nên nó phát mệt vì bị săm soi dòm ngó liên tục, nói chung là nó không có gì riêng tư được nữa. Con vật vốn quen sống ẩn dật và an nhiên dưới dòng sông đã phát chán với ánh đèn flash và các loại máy quay, máy chụp. Nó cũng mệt nhoài vì cứ bị người ta nhấc lên, rờ rẫm trên lưng một cách bất nhã để xem hình mặt người đó là hoàn toàn tự nhiên hay do chủ nhà “sáng tác”. Việc thay đổi môi trường sống cộng với sự nổi tiếng không mong muốn và bị quan tâm thái quá khiến con ba ba mệt mỏi và rầu rĩ đến mức bỏ ăn. “Đến 10 ngày nó không ăn gì. Vợ tôi bỏ tép, tôm lột vỏ, cả trùn nữa, nó đều hất đi chỗ khác. Tôi nghĩ: Hay là “ổng” ăn chay, nên chạy lên thị trấn La Hai mua ba đậu (một loại bánh được làm từ 3 loại đậu - PV) bỏ vô, “ổng” không ăn. Tôi đưa chuối, “ổng” cũng không chịu”. Hôm qua, “ổng” mới ăn được 4, 5 con tép. Vợ chồng tôi mừng quá!” - ông Nông kể.

 

Từ ngày 28/7, ông Nông ra quy định: Không được sờ, cầm con ba ba. Sau khi quán vãn khách ăn sáng, ông đặt cái hồ thủy tinh ngay giữa nhà, khép cửa, cho từng tốp 5 người vào “tham quan”, xong thì đi ra theo lối cửa sau. Vừa lo “thuyết minh” và bảo vệ sức khỏe con ba ba trước những người hiếu kỳ, chốc chốc ông Nông còn nhắc nhở khách coi chừng xe cộ để ở phía trước kẻo kẻ gian “thổi” mất. “Vui thì có vui nhưng mà mệt quá” - ông than thở - “Vậy mà có người xem con ba ba xong thì nói: Tôi nghi cái hình mặt người đó là giả. Hay là Trung Quốc nó cài ông vô đây?”. Ông Nông tức nghẹn, đáp trả: “Tôi đâu có bán vé, đâu có trục lợi trong chuyện này. Ai coi, cảm nhận được thì cảm nhận, còn không thì mời ra”.

 

Trước tình hình người đến xem đông quá, ông Nông nảy ra “sáng kiến”: Chụp hình con ba ba rồi phóng to, đặt tại quán cà phê của con trai ở bên cạnh nhà ông, để bà con tiện bề “thưởng lãm”. Một người hàng xóm quyết định đứng ra giữ xe với giá 2.000 đồng. Bà Đào nói: “Vậy cũng tốt, để khách tới không bị mất xe, khỏi phải rầy rà”.

 

Ông Nguyễn Nông rọi đèn pin cho khách ngắm con ba ba kỳ lạ - Ảnh: P.TRÀ

 

“HÀNG ĐỘC” TIỀN TỈ?

 

Tôi đồ rằng ý định đem con ba ba hình mặt người phóng sinh đã tan biến trong đầu vợ chồng bà Đào ông Nông, khi hàng trăm người đổ xô đến xem, có người hỏi mua với giá 100 triệu đồng. Gia đình ông Nông bà Đào đang còn ngơ ngác thì có một người khác đến, trả giá cao ngất ngưởng. Ông Nông nhớ lại: “Người này khoảng hơn 40 tuổi, ăn bận lịch sự, nói là từ Bình Định vô. Anh ta hỏi tôi bán với giá bao nhiêu. Gia đình tôi chưa nghĩ đến chuyện này, tôi nói giỡn: Trong sở thú họ trả 1,2 tỉ đồng đó. Anh ta nói vậy tôi trả 1,5 tỉ đồng, bán không? Tôi nói để gia đình bàn lại. Sau đó, người này trả lên 1,8 tỉ đồng và đưa số điện thoại cho con gái, nói bàn xong thì liên lạc với anh ta”.

 

Tôi rất hồ nghi về con số 1,8 tỉ đồng (tiền chứ có phải lá đa đâu) nên hỏi số điện thoại của người đàn ông đó. Trong vai một người buôn “hàng độc”, tôi nói rằng đang xem con ba ba hình mặt người và muốn mua nó, nhưng vì anh trả giá quá cao nên tôi hoang mang. Sau một hồi thăm dò rằng tôi mua để nuôi chơi hay bán lại, làm nghề này lâu chưa…, “người ở Bình Định” nói: Anh thấy vợ chồng nhà đó không muốn bán, kêu giá thật cao nên nói vậy thôi. Nếu em muốn mua thì trả từ 200 đến 300 triệu đồng là vừa, trả đến 1 tỉ đồng để mua thì không bán lại được đâu, lỗ to đó”.

 

Cũng theo người này, trước đây, anh ta đã nhìn thấy 2 con ba ba hình mặt người còn ấn tượng hơn con ở Tuy An hiện nay. Cả 2 con ba ba đó đều được mua để bán sang Trung Quốc, cho những người thừa tiền và mê tín. Bây giờ, bên Nhật chuộng loại “hàng độc” này, nếu mua được thì bán sang Nhật. “Nhưng giá cỡ 200 đến 300 triệu đồng thôi” - người này khẳng định.

 

Nói rằng trả giá cao ngất chỉ để “cho vui” nhưng sau khi nghe tôi bảo muốn mua con ba ba của gia đình ông Nông bà Đào, “người ở Bình Định” gọi điện thăm dò liên tục.

 

Theo các chuyên gia thủy sản, con ba ba của gia đình ông Nông bà Đào là ba ba gai, sống ở nước ngọt. Hình dạng kỳ lạ trên mai con vật này là do tác động của thời tiết và môi trường sống trong nhiều năm. Còn gia đình ông Nông thì nghĩ khác, rằng có điều gì đó thật kỳ lạ và tâm linh ở con vật này. Ông Nông nói: “Đây là con vật vô giá, gia đình tôi phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định bất kỳ điều gì”. Bà Trần Thị Sê ở thôn Phú Điềm, xã An Hòa (huyện Tuy An) thì nói: “Trên mai con ba ba có hình gương mặt của một vị thần chớ không phải mặt người. Chắc do vợ chồng ổng hiền từ nên trời Phật thương”.

 

PHƯƠNG TRÀ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài cuối: Nghĩa tình đồng đội
Thứ Ba, 29/07/2014 14:00 CH
Bài 2: Lắng lòng nơi “đất lửa”
Thứ Hai, 28/07/2014 08:29 SA
Bài 1: Về với “ngôi nhà chung”
Chủ Nhật, 27/07/2014 14:00 CH
Trở lại thủy điện La Hiêng 2
Thứ Bảy, 19/07/2014 14:00 CH
“Săn bò tót” trong đêm
Thứ Bảy, 05/07/2014 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek