Thứ Năm, 25/04/2024 22:36 CH
Tập trung bình ổn giá cuối năm
Thứ Bảy, 22/11/2014 07:24 SA

Người tiêu dùng chọn mua gạo bình ổn giá tại siêu thị Co.opMart Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tập trung ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở Công thương đã triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá kể từ đầu tháng 11/2014. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương một số nội dung liên quan vấn đề này.

 

* Thưa ông, cuối năm là thời điểm dễ xảy ra tình trạng biến động về giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngành Công thương đã có kế hoạch gì để bình ổn giá?

 

- Để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng đến đời sống trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã có kế hoạch bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Dựa trên nhu cầu tiêu dùng của người dân, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn - Phú Yên (Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa) và Công ty cổ phần Thương mại Miền núi Phú Yên tạm ứng 20 tỉ đồng để dự trữ nguồn hàng bình ổn.

 

Thời gian triển khai chương trình bình ổn giá bắt đầu từ ngày 1/11/2014 đến hết ngày 31/3/2015. Trong thời gian này, doanh nghiệp phải bán hàng theo giá đã đăng ký và phê duyệt của Sở Tài chính; bảo đảm thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm ít nhất từ 5% đến 10%. Trường hợp có biến động tăng hoặc giảm giá, doanh nghiệp phải chủ động đăng ký lại giá bán bình ổn gửi về các ngành chức năng xem xét.

 

* Hàng bình ổn giá gồm những nhóm hàng nào và số lượng bao nhiêu, thưa ông?

 

- Có 6 nhóm hàng cần tập trung bình ổn giá gồm gạo các loại, thịt heo, thịt gia cầm, đường, dầu ăn và rau củ quả. Cụ thể, các doanh nghiệp dự trữ 160 tấn gạo các loại; 80.000 lít dầu ăn; 40 tấn thịt gia cầm; 100 tấn thịt heo; 60 tấn đường và 90 tấn rau củ quả các loại. Lượng hàng này đáp ứng bình quân từ 5 đến 20% so với tổng cầu của 6 nhóm hàng thiết yếu trên. Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá phải là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm; có đầy đủ bao gói, nhãn mác và các thông tin liên quan đến sản phẩm.

 

Trong suốt thời gian tham gia chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp phải luôn đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ tương ứng với số vốn được tạm ứng. Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn khác chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 10% so với tổng mức tiêu thụ của tỉnh.

 

* Vậy điều kiện để các đối tượng tham gia chương trình bình ổn giá là gì?

 

- Để được tham gia chương trình bình ổn giá, doanh nghiệp phải là đơn vị phân phối bán lẻ, cung ứng hàng hóa đáp ứng được một số tiêu chí. Cụ thể như có quy mô kinh doanh lớn; có vốn, hệ thống mạng lưới bán buôn, bán lẻ, kho dự trữ, có năng lực và kinh nghiệm tổ chức nguồn hàng, phân phối... phù hợp với các nhóm hàng thuộc chương trình bình ổn và hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp phải có lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt trong thời gian thực hiện; có phương án tổ chức kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển mạng lưới bán lẻ đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hóa. Tham gia chương trình này, doanh nghiệp phải tổ chức bán hàng lưu động, đưa các nhóm hàng thuộc chương trình về khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân có thu nhập trung bình và thấp.

 

Ngoài các doanh nghiệp tham gia được tạm ứng vốn, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn cùng tham gia chương trình bình ổn giá nhưng không tạm ứng vốn ngân sách để mở rộng thị trường bình ổn giá, với yêu cầu các doanh nghiệp này phải chấp hành những quy định về đăng ký giá, treo biển nhận diện gian hàng bình ổn giá… như các doanh nghiệp được tạm ứng vốn của tỉnh.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải đăng ký điểm bán và tổ chức bán hàng hóa theo giá đã đăng ký tại các điểm bán hàng đối với lượng hàng hóa được giao bình ổn. Trong quá trình tham gia chương trình, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch; kinh doanh đủ nguồn hàng đã đăng ký, đồng thời chấp hành điều động cung ứng hàng hóa để điều tiết, bình ổn thị trường theo yêu cầu của Sở Công thương khi xảy ra biến động.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phát triển các điểm bán hàng bình ổn mới ở các chợ, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng sâu vùng xa… nhằm đưa hàng bình ổn giá đến tay người dân nhiều hơn. Hiện công tác bán hàng bình ổn đã được triển khai từ đầu tháng 11/2014. 2 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã đăng ký 13 điểm bán hàng cố định; 8 điểm bán hàng bình ổn giá lưu động và 10 điểm bán hàng Việt nông thôn kết hợp bình ổn giá.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek