Thứ Năm, 25/04/2024 08:30 SA
Nhà giáo ưu tú Tạ Thị Xuân Mai:
Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò
Thứ Năm, 20/11/2014 10:00 SA

Một giờ học nhóm của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.THÚY

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú Tạ Thị Xuân Mai, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) về truyền thống tôn sư trọng đạo, về chuyện dạy học xưa và nay…

 

Nghề giáo từ xưa đã được xem là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, kính trọng. Ngày nay, bên cạnh sự tôn vinh người dạy học và nghề dạy học, xã hội có sự thay đổi nhiều, vì vậy nghề dạy học cũng như địa vị người thầy cũng có sự thay đổi. Bà nghĩ sao về điều này?

 

Nhà giáo ưu tú Tạ Thị Xuân Mai - Ảnh: M.THÚY

- Ngày nay, người thầy không còn chiếm vị trí “độc tôn” như xưa, mà chuyển sang phương pháp giáo dục hướng vào người học, lấy học trò làm trung tâm, là chủ thể, thầy giáo không còn là trung tâm, là nơi cung cấp kiến thức duy nhất, mà học sinh có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, nên quan hệ thầy - trò cũng có sự thay đổi. Đây là sự thay đổi tất yếu trong quá trình phát triển. Dẫu quan niệm của con người về cuộc sống có thể thay đổi, vấn đề học vấn có thể thay đổi cho hợp với sự tiến hóa của xã hội, khoa học, văn minh của thời đại mới, nhưng chức năng của người thầy giáo không bao giờ thay đổi, đó là đem hiểu biết của mình truyền đạt lại cho thế hệ nối tiếp.

 

Ngày nay, cả xã hội quan tâm đến giáo dục. Bên cạnh những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước thì chuyện dạy học luôn được đề cập đến khi người ta nhắc đến giáo dục. Đó là minh chứng cho vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội hiện đại.

 

* Không thể phủ nhận mặt trái của cơ chế thị trường đang len lỏi vào đội ngũ nhà giáo, không ít giáo viên không giữ được cốt cách, phẩm hạnh như các thầy giáo thời xưa, thưa bà?

 

- Phải khẳng định rằng, ngày nay có rất nhiều thầy, cô giáo đã thấm nhuần đạo đức của nghề giáo, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, họ không màng danh lợi, hy sinh tất cả cho sự nghiệp trồng người. Thế nhưng, đâu đó vẫn đang tồn tại một thực trạng đáng lo ngại, đó là nhiều thầy, cô giáo không coi nghề dạy học là một sứ mạng cao cả nên dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm một cách tràn lan, khó kiểm soát... Chính vì đạo đức của một bộ phận người thầy xuống cấp bởi sự tác động của cơ chế thị trường đã phần nào làm giảm lòng tin của nhân dân vào nghề giáo và hơn hết là đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của số đông những người thầy tận tụy, mẫu mực, hết lòng vì học sinh.

 

Có người bảo đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Là người trong ngành, tôi thấy đây không chỉ còn là một con sâu nữa. Vì thế, một số học sinh, cha mẹ học sinh nhìn nhà giáo với con mắt khác, truyền thống “tôn sư trọng đạo” nhiều khi bị “méo mó”. Xin hãy chống tiêu cực ngay trong tư tưởng giáo viên, trong tư tưởng học sinh, cha mẹ học sinh, trả lại tình cảm thầy - trò đúng nghĩa của nó.

 

* Nhờ có công lao của bao thế hệ thầy cô giáo mới có thế hệ nhà giáo hôm nay. “Trọng thầy mới được làm thầy”, làm thế nào để truyền thống “tôn sư trọng đạo” của ông cha ta tiếp tục vững bền?

 

- Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, ngành Giáo dục đang trên đường đổi mới căn bản, toàn diện. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là phủ nhận giá trị giáo dục truyền thống. Xã hội càng phát triển, yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân, của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo càng cao. Tìm hiểu cái tâm, cái tài của thầy giáo xưa để các nhà giáo trẻ hôm nay nhìn lại mình mà phấn đấu luyện rèn để hoàn thiện. Chúng ta đang chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục bằng nhiều biện pháp nhưng đó chỉ mới là chống cái ngọn.

 

Theo tôi để tiếp tục khẳng định, tôn vinh, giáo dục tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Trước hết, cần xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tăng cường thực hiện chương trình bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất và năng lực cho đội ngũ giáo viên. Mỗi thầy giáo, cô giáo cần phải là tấm gương tốt cho học sinh noi theo. Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.

 

Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức hàng năm không chỉ là dịp để ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần phải là người đủ tâm, tài, đức để chèo lái con thuyền tương lai đi đúng hướng.

 

* Xin cảm ơn bà!

THÚY HẰNG (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek