Thứ Sáu, 29/03/2024 05:09 SA
Mở đường vào bến Vũng Rô
KỲ 2: Đối mặt với tàu địch
Thứ Năm, 27/11/2014 08:01 SA

Du khách TP Hồ Chí Minh thăm bến Vũng Rô và được nghe ông Hồ Đắc Thạnh kể câu chuyện đối mặt với tàu địch - Ảnh: T.THỦY

“Báo cáo thuyền trưởng, mạn phải 30o có 2 tàu xuất hiện!” tiếng đồng chí trực canh trên đài quan sát cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Tôi cầm chiếc ống nhòm của đồng chí trực canh trao qua và quan sát. Hai chấm đen rõ nét dần ở cuối đường chân trời. Một ý nghĩ thoáng trong đầu. Sau phát hiện của máy bay, chúng có thể cho tàu chiến tiếp cận kiểm tra. Phải cảnh giác sẵn sàng đối phó. Tôi cho anh em thay số hiệu tàu, sửa lại giàn lưới đánh cá ngụy trang, đồng thời bí mật chuẩn bị vũ khí khi cần chủ động đánh địch.

 

Hai tàu địch tiếp cận tàu ta cách 1 hải lý thì giảm tốc độ. Boong tàu lố nhố một đám sĩ quan, binh lính địch đang chỉ chỏ nói cười. Trên cabin tàu, một tên sĩ quan đang dùng ống nhòm quan sát tàu ta. Khoảng 10 phút sau, một chiếc tách đội hình tăng tốc chạy song song với tàu ta một khoảng cách nhất định. Tất cả các loại pháo trên tàu đều mở bạt che và hướng nòng về phía tàu ta. Thời gian trôi đi, căng thẳng và chờ đợi, sự chờ đợi của 2 khả năng: đánh nhau nếu chúng phát hiện tàu ta chở vũ khí tiếp tế cho Việt cộng ở miền Nam hoặc bỏ đi nếu ta thành công trong vỏ ngụy trang giả dạng tàu đánh cá. Rốt cuộc phần thắng thuộc về người chủ động. Sau 2 giờ hộ tống kèm cặp xác minh, 2 tàu ngụy đã kéo còi tăng tốc độ quay về hướng khác. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.

 

- Phải tranh thủ ăn chút gì để lấy sức đêm nay vào bến! Đồng chí Lộc, Thuyền phó Hậu cần, người thường được anh em gọi là “thần giữ của” lúc này cũng xuôi lòng bởi những lời tán tụng của anh em.

 

Có một điều thú vị phải qua nhiều lần khảo nghiệm mới nhận biết được. Đó là khi đang say sóng mà gặp tình hình căng thẳng như gặp địch, tàu gặp tai nạn hoặc tàu đi lâu ngày nhìn thấy đất liền… thì cơn say biến đâu mất nhường lại cho sự tỉnh táo. Các đồng chí say sóng nhất, giờ đây cũng ăn được chút ít.

 

Tàu tiếp tục hành trình. 12 giờ ngày 28/11/1964 tàu chuyển hướng vào bến. Không khí chuẩn bị trên tàu rất khẩn trương và bận rộn.

 

14 giờ thì phát hiện lờ mờ rặng núi phía đất liền. Tình hình vẫn yên tĩnh. Thỉnh thoảng có một hai lần chiếc máy bay bay qua hướng đi của tàu. Trời tối dần. Lúc này tàu ta đã nằm trong bán kính chiếu sáng của đèn Mũi Nạy rồi mà vẫn chưa nhìn thấy ánh chớp. Bao nhiêu giả thuyết đặt ra: có thể vị trí tàu ta sai lệch, có thể đèn Mũi Nạy không có hoặc bị hỏng máy phát điện…

 

Tàu vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định. 22 giờ tàu cách bờ núi 1 hải lý. Chúng tôi dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau. 5 phút rồi 10 phút vẫn không thấy tín hiệu trả lời.

 

Bình tĩnh, cảnh giác và thận trọng. Tôi cho tàu giảm tốc độ và tránh xa các mỏm núi đá. Lưới ngụy trang trên các ụ súng máy được tháo gỡ để sẵn sàng chiến đấu. Phía mạn trái tàu một hòn đảo hiện ra rõ dần. Hòn Nưa! Đúng là Hòn Nưa rồi. Cửa Vũng Rô đã ở trước mặt. Tôi cho tàu chạy từ từ vào giữa vịnh và thả trôi. Bốn bề yên tĩnh. Phía đèo Cả thỉnh thoảng một vài ánh đèn le lói rồi vụt tắt. Chiếc xuồng ba lá được thả xuống, đồng chí thuyền phó cùng 2 chiến sĩ mang theo vũ khí chèo vào phía bờ tìm bắt liên lạc với bến. Tàu thả trôi chờ đợi. Thời gian nhích dần chậm chạp.

 

10 phút, 20 phút rồi 30 phút trôi qua. Bỗng phía bờ có ánh đèn pin chớp lên rồi vụt tắt. Anh Quang dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau và được phía bờ đáp lại đúng như quy định. Mọi người thật sự yên lòng vì đã vào đúng bến Vũng Rô.

 

Một chiếc ghe máy kéo theo chiếc xuồng ba lá cập mạn. Các anh lên tàu. Phút gặp gỡ đầu tiên vui mừng xúc động. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau 2 hàng nước mắt chảy ròng, nghẹn ngào không nói nên lời.

 

Ôi rất gần mà bấy lâu xa cách

Chỉ mấy ngày đường - vạch giới tuyến chia đôi

Mà hôm nay tôi đã đến đây rồi

Bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển

 

Chính trị viên Chiêu ngẫu hứng đọc mấy câu thơ. Anh Sáu và các anh ở bến bắt tay anh em trên tàu. Siết chặt tay anh mà lòng tôi không cầm được nước mắt. Không ngờ anh Sáu (ngoài kia tôi được chỉ thị vào gặp anh Sáu Râu) lại chính là anh Trần Suyền - ông Tú đầu tiên và duy nhất ở quê tôi và ở cách nhà tôi không quá 30 phút đi bằng xe đạp.

 

Sau phút bồi hồi xúc động, tôi trình bày với các anh là “theo lệnh cấp trên tàu tôi chỉ được ở lại đến 3 giờ sáng là phải rời khỏi bến”. Với 63 tấn vũ khí và một số trang bị khác làm sao huy động người bốc dỡ kịp để tàu ra. Cầm tay tôi, anh Sáu nghẹn ngào nói: “Chúng tôi tổ chức đón tàu các đồng chí từ mấy đêm nay, đêm nào cũng mong được gặp, đêm nay gặp rồi sao cứ bàng hoàng xúc động vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì ước mong đã thành sự thật, còn lo vì con tàu lớn quá, khối lượng hàng nhiều làm sao bốc dỡ trong mấy tiếng đồng hồ cho xong!”.

 

Thấu hiểu nỗi bâng khuâng suy nghĩ của các anh ở bến, tình cảm quê hương trong lòng chúng tôi thôi thúc phải tìm mọi cách để giải quyết. Chi ủy họp cùng cán bộ thuyền có đồng chí Quang tham dự. Vấn đề đặt ra là nếu cho tàu ra khỏi lãnh hải chờ tối mai vào hoặc ở lại bến ngụy trang thật kín, tối mai bốc hết hàng rồi tàu ra! Ý kiến trao đổi khá sôi nổi, ý kiến tôi là ta cho tàu ở lại bến. Điều quan trọng là làm sao ngụy trang che mắt được kẻ địch. Chi ủy viên, máy trưởng nói: “Như vậy có trái lệnh của cấp trên là tàu phải rời bến trước 3 giờ sáng không?”. Bây giờ chỉ có một điều duy nhất làm cơ sở cho việc quyết định cho tàu ở lại hay ra là căn cứ vào chỉ lệnh giao nhiệm vụ cuối cùng của cấp trên “cho phép chi ủy - chi bộ và cán bộ tàu tùy tình hình cụ thể mà quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp trên”.

 

Cuộc họp kết thúc. Tôi gặp anh Sáu báo cáo là tàu sẽ ở lại bến để tối mai bốc hết hàng rồi ra và đề nghị các anh tìm chỗ giấu và ngụy trang tàu. Tôi cho chuyển bức điện cuối cùng “Tàu ở lại bến bốc hàng xong tối mai ra” kết thúc liên lạc với Sở chỉ huy.

 

4 giờ sáng hoàn thành xong việc giấu và ngụy trang tàu kín đáo. Cùng với bến chúng tôi cho lực lượng chốt chặn các vị trí cần thiết. Lệnh chiến đấu được ban hành phong tỏa chặt các hướng ra vào Vũng Rô và nghiêm cấm việc đốt lửa nấu ăn trong khu vực tàu hậu. Tất cả ăn lương khô và uống nước suối. Việc khó khăn nhất là làm sao giải thích để ghe của ngư dân không vào suối lấy nước, dễ bị lộ. Anh Sáu bảo tôi yên tâm, việc đó đã giao cho bảo vệ bến và xã đội trưởng xã Hòa Hiệp rồi.

 

KỲ CUỐI: Chuyến hàng đặc biệt

 

Hồi ký của HỒ ĐẮC THẠNH

Nguyên Thuyền trưởng tàu 41 - Đoàn tàu Không số

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek