Thứ Tư, 24/04/2024 14:18 CH
Sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ Tư, 22/10/2014 17:22 CH

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày Tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN

* Nhất trí lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội

* Khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển

 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, sáng 22/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

 

Trình bày tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết sau 15 năm thi hành, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đạo luật đầu tiên quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức Mặt trận đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung. Theo ông Vũ Trọng Kim, Luật chưa có những cơ chế pháp lý cụ thể để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm, cũng như chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân. 

 

Do những hạn chế của Luật hiện hành, một số quy định đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách đồng bộ; việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay; sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp vẫn còn hạn chế. Hoạt động giám sát của Mặt trận chưa được thực hiện thường xuyên và toàn diện, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thiếu các cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đạt hiệu quả cao…

 

Thực tiễn hiện nay đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức, tổ chức và cơ chế hoạt động để đáp ứng nhiệm vụ tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải bổ sung và cụ thể hóa những quy định liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013; trong đó có những quy định như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân…

 

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới. Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật trình Quốc hội lần này về cơ bản đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn bản khác của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định rõ tính chất giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

 

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm, cần tiếp tục quy định cụ thể hơn cơ chế để Mặt trận tham gia hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.

 

Cũng trong sáng 22/10, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi. Nhiều đại biểu tán thành quy định lập chức danh tổng Thư ký Quốc hội như dự thảo Luật. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là chức danh mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội. Trên cơ sở đánh giá hoạt động của đoàn thư ký kỳ họp hiện nay cũng như tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong tổ chức hoạt động của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chức danh Tổng thư ký là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, nhiễm nhiệm, cách chức, đồng thời cũng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tổng hợp, tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.

 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) đồng tình với quy định lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội, đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, vì theo ông Trần Ngọc Vinh, người nào hội tụ đủ các điều kiện thì được Quốc hội bầu để thực hiện chức năng nhiệm vụ quy định. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng lập chức danh Tổng thư ký là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nhưng cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng thư ký. Đại biểu Tám cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung chức danh Phó tổng thư ký Quốc hội giúp việc Tổng thư ký, nhất là thực hiện nhiệm vụ khi Tổng Thư ký ốm đau, công tác vắng… Tuy nhiên cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội và vai trò của Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Định) đặt vấn đề: Tổng Thư ký Quốc hội không nhất thiết phải chọn trong số các đại biểu Quốc hội và cũng phải làm việc theo nhiệm kỳ nhằm tạo sự linh hoạt trong lựa chọn ứng viên cho vị trí này.

 

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu tán thành quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn, tính độc lập của đại biểu, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) kiến nghị cần xác định rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, nhất là trong xây dựng luật. Tán thành với đại biểu Hùng, các đại biểu  Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Thanh Sơn (tỉnh Nam Định) nêu quan điểm: Cần xác định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; tiêu chuẩn và chất lượng của đại biểu phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất  sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân để bầu vào Quốc hội nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%. Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định về đại biểu chuyên trách, nhất là ở địa phương để cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của đại biểu chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Cũng trong sáng 22/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 76 điều thể hiện trong 10 chương. Cụ thể là: Quy định chung; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ, gồm 3 mục, 12 điều; Tài nguyên hải đảo; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Điều khoản thi hành.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, cần áp dụng một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đó là phương thức quản lý tổng hợp. “Phương thức quản lý này có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển và hải đảo được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

 

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học và Công nghệ - Môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp…

 

Ông Phan Xuân Dũng cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể việc thẩm định các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án điều tra cơ bản về biển và hải đảo của các bộ, ngành và địa phương trước khi phê duyệt để bảo đảm quản lý thống nhất công tác điều tra cơ bản về biển, hải đảo trong phạm vi cả nước; quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Bộ TNMT trong việc quản lý thống nhất về điều tra cơ bản Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng lưu ý, quy định hành lang bảo vệ bờ biển là nội dung lần đầu được luật hóa, việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển sẽ có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ và tác động đến các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, nội dung quản lý này cần được quy định cụ thể trong Luật.

 

Về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cơ quan thẩm tra nhận thấy, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể những vấn đề về BVMT phù hợp đặc thù của biển và hải đảo như phân vùng rủi ro ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, nhận chìm vật, chất ở biển,... Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do tàu gây ra và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động nhận chìm ở biển và hải đảo.

 

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek